Tiếng Việt | English

02/05/2018 - 16:49

Làm giàu từ nông nghiệp

Quyết tâm bám đất, học hỏi và áp dụng khoa học - kỹ thuật, nhiều nông dân (ND) sống được và làm giàu với nghề nông.

Tỉ phú dám nghĩ, dám làm

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Vạn Thành (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) là ND duy nhất của Long An được bình chọn “ND Việt Nam xuất sắc năm 2017”. Anh Thành kể, hơn 20 năm trước, lúc về quê vợ ở xã Dương Xuân Hội, thấy nhà nào cũng trồng thanh long, bán được nhiều tiền nên anh quyết định trồng loại cây này, cho leo trụ xi măng. Thấy vậy, nhiều người nói anh “khùng”, “gàn dở”. Nhưng, vườn thanh long phát triển tốt, cho năng suất khá cao. Vậy là anh thành công nhờ biết kỹ thuật chăm sóc. Thời điểm đó, có lúc, thanh long không đủ nguồn cung, anh kêu gọi ND trong xóm liên kết với nhau.

Anh Nguyễn Vạn Thành chọn xuất thanh long sang thị trường khó tính bởi sự an toàn, bền vững

Anh Nguyễn Vạn Thành chọn xuất thanh long sang thị trường khó tính bởi sự an toàn, bền vững

Nghĩ là làm, năm 2012, anh rủ ND trồng thanh long thành lập HTX. 30 ND đồng ý và góp vốn xây dựng trụ sở HTX. Khi trụ sở HTX hoàn thành, tốn cả tỉ đồng thì bạn hàng lại giựt tiền, nội bộ bất hòa, nhiều thành viên xin rút. Lúc đó, anh phải dùng tiền bán thanh long của gia đình đền cho các xã viên khác. Không nản lòng, năm 2014, anh gầy dựng lại HTX Vạn Thành. Để có thanh long bán và doanh thu, anh lấy thanh long vườn nhà hoặc năn nỉ những thành viên còn lại mua thanh long trước, trả tiền sau.

Thấy thanh long xuất đi Trung Quốc khá phiêu lưu, anh tìm hợp đồng xuất hàng đi Nhật. Anh Thành nói: “Thanh long xuất đi các nước tiên tiến có giá cao. Tôi làm vậy nhằm tạo uy tín, gầy dựng lại HTX, mang đến lợi nhuận cho các thành viên”. Nhờ sự quyết tâm của anh, các hợp đồng xuất hàng đi Nhật của HTX ngày càng nhiều, đồng nghĩa với việc các thành viên phải sản xuất sạch. Tất cả vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật đều được phía doanh nghiệp Nhật cung cấp cũng như bao tiêu sản phẩm. HTX Vạn Thành tiếp tục “lấn sân” sang các thị trường khác: Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan,... Hiện nay, mỗi tháng, HTX bán cho thương lái Trung Quốc bình quân 20 container, còn hàng xuất đi thị trường khó tính rất nhiều.

Anh Thành nói: “Nguyên tắc quản trị HTX của tôi là thị trường nào chắc ăn mới xuất hàng để các thành viên có lợi nhuận. Vì vậy, khi thấy HTX ăn nên làm ra, nhiều ND xin tham gia. Chúng tôi hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hiện, thành viên của HTX và các tổ sản xuất vệ tinh đã ngoài 100 người”.

Bám đất

Những ngày này, anh Đồng Tấn Phong, ngụ khu phố Quyết Thắng, phường Khánh Hậu, TP.Tân An luôn bận rộn, bởi dưa leo của gia đình vào vụ thu hoạch. Anh Phong gắn bó với nghề trồng rau màu hơn 20 năm. Anh chia sẻ: “Vùng đất này rất màu mỡ, thích hợp trồng các loại rau màu. Vì thế, tôi quyết tâm bám đất để làm giàu ngay trên quê hương mình”.

Năm 1994, anh Phong lập gia đình, khi ra riêng, được cha mẹ cho 1.000m2 đất vừa xây nhà ở, vừa lên liếp trồng rau màu. Để tăng diện tích trồng rau, anh thuê thêm đất của những người xung quanh. Sau hơn 20 năm, hiện nay, anh Phong sở hữu khoảng 9.000m2 đất, chủ yếu trồng dưa leo.

Thời gian qua, được tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật trên rau màu do địa phương tổ chức, anh Phong chọn sử dụng 50% phân hữu cơ, 50% phân hóa học. Để nâng chất lượng sản phẩm rau màu, anh thực hiện 4 bước: Chọn giống sạch bệnh, giảm sử dụng phân hóa học để tránh diệt côn trùng có lợi, sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học và không sử dụng thuốc có chất lưu dẫn. Anh Phong cho biết: “Mỗi năm, tôi trồng từ 3-4 vụ dưa, sau khi trừ chi phí, lãi từ 10-15 triệu đồng/vụ/ 1.000m2”.

Anh Đồng Tấn Phong, ngụ khu phố Quyết Thắng, phường Khánh Hậu, TP.Tân An, thu hoạch dưa leo

Anh Đồng Tấn Phong, ngụ khu phố Quyết Thắng, phường Khánh Hậu, TP.Tân An, thu hoạch dưa leo

Sản xuất hiệu quả, cuộc sống gia đình anh khấm khá hơn. Anh được bình chọn là ND sản xuất giỏi cấp tỉnh năm 2017. Hiện tại, anh Phong chuẩn bị tham gia HTX và mong muốn xây dựng thương hiệu cho rau màu để phát triển bền vững hơn.

Làm giàu nhờ nuôi gà đẻ

Ông Nguyễn Hoàng Ơn, ngụ ấp Thuận Đông, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, đầu tư nuôi 11.000 con gà đẻ trứng từ năm 2010 đến nay. Bình quân mỗi ngày, ông thu hoạch 8.000 trứng, sau khi trừ chi phí, lãi 1,5 triệu đồng. Ông Ơn nói: “Nuôi 1.000 con gà đẻ trứng, chi phí đầu tư chuồng trại, gà giống tốn 200 triệu đồng. Nhưng nếu biết cách chăm sóc, chịu khó, người nuôi có thu nhập ổn định”.

Ông Nguyễn Hoàng Ơn, ngụ ấp Thuận Đông, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, đầu tư nuôi 11.000 con gà đẻ trứng từ năm 2010 đến nay

Ông Nguyễn Hoàng Ơn, ngụ ấp Thuận Đông, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, đầu tư nuôi 11.000 con gà đẻ trứng từ năm 2010 đến nay

Để đàn gà phát triển tốt, khâu chọn giống và phòng ngừa bệnh là quan trọng. Ông Ơn đặt mua giống từ các công ty có uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, trong quá trình nuôi, ông tiêm vắc-xin cho đàn gà đúng thời gian và thường xuyên vệ sinh máng ăn, phun thuốc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh. Ngoài ra, ông còn đầu tư giàn lọc nước sạch cho gà uống, trang bị quạt công nghiệp và hệ thống phun sương nhằm tạo môi trường mát mẻ.

Ông Ơn chia sẻ: “Thời gian đầu nuôi gà đẻ trứng, tôi gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật chăm sóc cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Tôi quyết tâm tìm hiểu kỹ thuật thông qua hướng dẫn từ sách, báo và tham gia các lớp tập huấn. Vừa nuôi, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, tôi mạnh dạn mở rộng quy mô. Hiện tại, quy trình chăn nuôi của gia đình tôi hoàn toàn theo hướng an toàn sinh học, trứng đạt chất lượng lẫn an toàn thực phẩm nên khách hàng rất thích. Tôi và những người nuôi gà trong ấp đang thực hiện các bước để thành lập tổ hợp tác chăn nuôi, xây dựng thương hiệu để phát triển ngày càng tốt hơn”./.

HTX Vạn Thành tiếp tục “lấn sân” sang các thị trường khác: Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan,... Hiện nay, mỗi tháng, HTX bán cho thương lái Trung Quốc bình quân 20 container, còn hàng xuất đi thị trường khó tính rất nhiều.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích
  • Cánh Diều Việt bán DJI T30 giá tốt