Tiếng Việt | English

21/10/2019 - 11:23

UBND tỉnh Long An khuyến cáo không tái đàn khi chưa kiểm soát dịch tả heo Châu Phi

Hiện nay, bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) trên địa bàn tỉnh Long An diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NNPTNT) khuyến cáo người chăn nuôi không tái đàn và tăng đàn khi dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh tốt

Từ trước khi Long An có DTHCP, UBND tỉnh và ngành NNPTNT có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động triển khai giải pháp phòng, chống dịch khá hiệu quả.

Đặc biệt, do làm tốt công tác phòng, chống DTHCP nên trong thời gian dài trên địa bàn tỉnh không xuất hiện dịch. Tuy nhiên, gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo nhận định của UBND tỉnh Long An, hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, số hộ có heo nhiễm bệnh ngày càng nhiều. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành Nông nghiệp và nhất là các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn DTHCP như: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 06/3/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTHCP; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp đối với công tác phòng, chống dịch bệnh DTHCP; không “khoán” cho ngành nông nghiệp hoặc bộ phận phụ trách; chú trọng các xã chưa xảy ra dịch bệnh; tập trung hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện biện pháp phòng bệnh nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh, bảo vệ đàn heo, đặc biệt đàn giống để tái đàn sau khi hết dịch.

Tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý thông tin về dịch bệnh; kịp thời kiểm tra, phân loại để cách ly hoặc cho phép tiêu thụ những heo chưa nhiễm bệnh, xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, chết bảo đảm yêu cầu không để lây lan dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường. Kiểm tra, giám sát các hố chôn heo bệnh, chết, các hố chôn phải đảm bảo đúng kỹ thuật và không làm lây lan dịch bệnh. Áp dụng các biện pháp tiêu hủy phù hợp nhằm giải quyết triệt để mầm bệnh trong môi trường (do dịch bệnh xảy ra nhiều, số lượng heo tiêu hủy quá lớn).

Tăng cường tuyên truyền đến người dân về cơ chế, chính sách hỗ trợ dịch bệnh theo quy định hiện hành của nhà nước để người dân nắm được mức hỗ trợ, chấp hành quy định xử lý dịch. Tăng cường công tác truyền thông về thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi. Lưu ý bảo đảm thực hiện an toàn sinh học tuyệt đối khi xuất bán heo (thương lái cần thay trang phục, ủng, dụng cụ,…); hạn chế tối đa sự ra vào khu vực chăn nuôi đối với người lạ; có biện pháp ngăn động vật khác (chuột, chó, mèo,…) vào khu vực chăn nuôi.

Tiếp tục triển khai các giải pháp kỹ thuật phù hợp trong công tác kiểm dịch vận chuyển heo, sản phẩm từ heo; kiểm soát giết mổ; kiểm soát mua bán, sơ chế, chế biến thịt heo và các sản phẩm từ heo theo quy định.

Khuyến cáo các cơ sở, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lớn nhỏ thực hiện giảm đàn, không tái đàn khi dịch bệnh chưa được kiểm soát và chỉ được tăng đàn khi có hướng dẫn của ngành nông nghiệp.

Tổ chức tập huấn về chuyên môn và nghiệp vụ phục vụ trong công tác kiểm tra xác định dịch bệnh như: Chẩn đoán lâm sàng, lấy mẫu, viết biên bản,… cho các cán bộ phụ trách khuyến nông, nông nghiệp để hỗ trợ lực lượng phản ứng nhanh trong các trường hợp xảy ra nhiều ổ dịch và cần lực lượng hỗ trợ.

Tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại do bệnh DTHCP gây ra và bảo đảm tính chính xác của số liệu báo cáo; tổng hợp báo cáo, đề xuất nhu cầu hỗ trợ trực tiếp người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do DTHCP và hỗ trợ tốt cho công tác phòng, chống dịch.

Phối hợp cơ quan chuyên ngành tổ chức nghiên cứu, áp dụng các biện pháp thử nghiệm phòng, chống DTHCP, nhân rộng mô hình, triển khai áp dụng thử nghiệm khi có báo cáo kết quả nghiên cứu khả quan./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết