Tiếng Việt | English

02/05/2020 - 09:01

Xây dựng thương hiệu cho nông sản, tạo điều kiện cho sản phẩm vươn xa

Xây dựng thương hiệu cho nông sản để sản phẩm được sản xuất bền vững, tạo ra giá trị cạnh tranh, củng cố thị phần trong nước, xa hơn nữa là từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.

 Sản phẩm của Công ty Phước Thành II là gạo

 Sản phẩm của Công ty Phước Thành II là gạo Lài bách hợp và gạo Hương lài, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc

Vươn xa

Công ty (Cty) TNHH Phước Thành II (phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An) chuyên sản xuất, kinh doanh lúa, gạo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Phó Giám đốc Cty Phước Thành II - Nguyễn Tấn Khoa chia sẻ, vài năm trở lại đây, Cty tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Để làm điều này, Cty đầu tư dây chuyền sản xuất khá hiện đại với công suất 200 tấn/ngày. Đặc biệt, Cty chú trọng nguồn đầu vào để đầu ra có chất lượng đồng bộ. Theo đó, Cty mua và tiêu thụ lúa chủ lực ở Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng,... Với quan niệm sản phẩm phải theo thị hiếu tiêu dùng của khách hàng, Cty chủ động khảo sát nhiều vùng, miền để tìm các giống lúa được người tiêu dùng yêu thích về nghiên cứu, phát triển nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.

Hiện nay, bình quân mỗi năm, Cty sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 15.000 tấn gạo, nếp các loại. Ở thị trường ngoài nước, Cty ký kết hợp đồng với thương nhân là chủ các chuỗi cửa hàng ăn uống, bếp ăn sinh viên tại Hồng Kông, Singapore,... “Hầu hết sản phẩm đều là gạo thơm, dẻo, được khách hàng tín nhiệm tin dùng nhiều năm qua. Vì vậy, giá cả thực hiện hợp đồng rất tốt, thường cao hơn gạo thông dụng từ 200 USD/tấn trở lên” - ông Khoa chia sẻ thêm.

Nếu như nhiều năm trước, Cty Phước Thành tập trung sản xuất gạo phục vụ thị trường nước ngoài thì bắt đầu năm 2018, Cty tiếp tục xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo để chinh phục thị trường trong nước. Hiện Cty có 2 dòng sản phẩm được người tiêu dùng chọn lựa, tin dùng với tên gọi gạo Lài bách hợp và gạo Hương lài. Cả 2 dòng sản phẩm này được tiêu thụ tại hệ thống chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị tại TP.HCM và bán online. Ông Khoa cho biết, 2 loại gạo này được kiểm soát chặt chẽ đầu vào và đầu ra, tuân thủ các quy định an toàn, vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng sử dụng gạo có nguồn gốc, thương hiệu.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh Tân Kim (ấp Tân Định, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc) hiện có 12 thành viên sản xuất rau trên diện tích hơn 3ha và nhiều thành viên liên kết. Giám đốc HTX - Nguyễn Thị Ngọc Báu chia sẻ, tất cả thành viên chính thức và liên kết đều sản xuất theo hướng VietGAP với 17 loại rau, củ, quả. Mỗi ngày, HTX cung cấp 1 tấn sản phẩm ra thị trường thông qua nhiều siêu thị như Co.op, Lotte, Mega, Satra,... 

Bà Ngọc Báu nhận định, Cần Giuộc được thiên nhiên ưu đãi khí hậu, thổ nhưỡng tốt để sản xuất rau, nhất là các loại rau thơm, rau ăn lá với hương vị đặc trưng, được doanh nghiệp phân phối bán lẻ tại TP.HCM đánh giá cao. Nhưng riêng ở Tân Kim lại được thiên nhiên ưu đãi hơn trong trồng mướp hương và rau má ruộng với hương thơm, ngon rất đặc trưng. Rau má ruộng được trồng ở Tân Kim có lá rất nhỏ, chỉ bằng đầu ngón tay cái nhưng rất giòn, dùng để ăn sống hoặc chế biến thành nước giải khát như rau má xay, rau má đậu xanh. Mỗi ngày, HTX sản xuất khoảng 70kg nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu, tất cả được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị. Ngoài ra, HTX còn bán rau má cho một nhóm sinh viên tại TP.HCM thực hiện dự án khởi nghiệp thông qua kinh doanh nước giải khát. 

Sản phẩm mướp hương của Hợp tác xã Tân Kim

Sản phẩm mướp hương của Hợp tác xã Tân Kim

Vẫn còn những khó khăn

Theo bà Ngọc Báu, vì 2 sản phẩm mướp hương và rau má ruộng rất đặc trưng nên HTX mong muốn xây dựng thương hiệu, làm sao để khi mọi người nhắc đến Tân Kim là phải biết đến. Hiện 2 sản phẩm này rất được thị trường tin chọn, giá cả bán ra khá tốt. Bình quân mỗi kilôgam rau má ruộng, HTX mua từ thành viên trên 30.000 đồng. Tuy được người tiêu dùng tin chọn nhưng rau má do thành viên sản xuất chưa nhiều do nhiều nguyên nhân, trong đó khó khăn nhất là ở những tháng mùa khô, nông dân thiếu nước tưới dẫn đến giảm sản lượng. Bên cạnh đó, một vài nông dân còn quan niệm và canh tác theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao sản lượng trên cùng một diện tích. 

Theo kế hoạch, năm 2020, HTX sẽ phối hợp ngành nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao, năng suất tốt đáp ứng nhu cầu thị trường. Mong muốn lớn nhất của bà Ngọc Báu là xây dựng thương hiệu cho 2 loại sản phẩm đặc trưng của HTX để nhiều người biết đến, khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng thị trường, có đầu ra bền vững, trở thành sản phẩm đặc trưng của xã Tân Kim và tạo cho người dân có thu nhập cao. 

Ông Khoa cũng chia sẻ, Long An là một trong những địa phương có sản lượng xuất khẩu gạo nhiều trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng điều không ít doanh nghiệp băn khoăn là gạo xuất khẩu vẫn chưa có nhiều thương hiệu, chủ yếu đóng nhãn hiệu bao bì theo yêu cầu nhà nhập khẩu. Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh, nhất là về giá của gạo Việt Nam chưa cao. Nguyên nhân, việc tham gia chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến marketing, phân phối và tiêu thụ còn hạn chế. Ngoài ra, vẫn còn không ít doanh nghiệp giữ quan điểm bán được hàng hóa càng nhiều càng tốt. 

Để tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ thông qua việc xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho HTX trên địa bàn tỉnh. Theo đó, HTX được hỗ trợ về thiết kế mẫu nhãn hiệu, tra cứu nhãn hiệu, xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, nộp đơn và theo đuổi đơn nhãn hiệu tập thể tại Cục Sở hữu trí tuệ miễn phí. Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hỗ trợ HTX, doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và tem truy xuất nguồn gốc. Việc làm này nhằm giúp các cơ sở kinh doanh có sự gắn kết sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi có logo để người tiêu dùng có thể nhận diện được sản phẩm an toàn. 

Nếu như Sở KH&CN, NN&PTNT tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng thương hiệu thì Sở Công Thương tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản có thương hiệu. Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, Sở luôn ưu tiên giới thiệu, xúc tiến thương mại những sản phẩm đã có thương hiệu, đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Đã có không ít sản phẩm của nhiều HTX, doanh nghiệp trong tỉnh đang tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa với số lượng khá lớn tại TP.HCM cũng như chuỗi cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể như HTX Phước Thịnh, Cty Lương thực Long An, Mecofood, HTX Bến Kè, HTX Thuận Giàu, HTX Phước Hòa,... Từ đó, sản phẩm làm ra từ các thành viên HTX luôn giữ mức giá và đầu ra ổn định, thu nhập cao.

Cũng theo ông Lê Minh Đức, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là nhiệm vụ của HTX, doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan nhà nước. Việc làm này nhằm tạo lập giá trị bền vững cho nông sản và phải gắn liền với chỉ dẫn địa lý mang hình đặc trưng của từng địa phương, xa hơn là tầm quốc gia. Qua đó, tạo sự khác biệt, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm trong cạnh tranh ở thị trường trong nước, xa hơn là phát triển thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.  

 

 Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhằm tạo lập giá trị bền vững cho nông sản và phải gắn liền với chỉ dẫn địa lý mang hình đặc trưng của từng địa phương, xa hơn là tầm quốc gia. Qua đó, tạo sự khác biệt, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm trong cạnh tranh ở thị trường trong nước, xa hơn là phát triển thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài”./.

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức

Mai Hương

Chia sẻ bài viết