Xây dựng thương hiệu
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần khẳng định: “Trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Long An là một trong số ít địa phương thu hút đầu tư lớn nhờ vị trí thuận lợi hơn các tỉnh, thành khác vì cận kề trung tâm kinh tế TP.HCM, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, Long An luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hỗ trợ sản xuất, kinh doanh nhằm thu hút doanh nghiệp đến với tỉnh. Hàng năm, tỉnh đều có kế hoạch cụ thể nhằm cải thiện chỉ số PCI. Theo đó, tỉnh rà soát lại tất cả điểm yếu trong thang điểm tính PCI để có biện pháp khắc phục, nhất là thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đầu tư, đất đai, hải quan, thuế,... nhằm giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí cho doanh nghiệp”.
Thu hút đầu tư vào tỉnh ngày càng tốt hơn, suất đầu tư tăng lên (Ảnh chụp tại Nhà máy Sản xuất thép TVP)
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Long An được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, chỉ số PCI của tỉnh năm 2017 được xếp thứ tư trong toàn quốc với 66,7 điểm và thuộc nhóm Tốt của cả nước. Để giữ vững và nâng cao hơn nữa chỉ số PCI, lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đầu tiên là tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC), chịu trách nhiệm đối với việc cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần liên quan đến các lĩnh vực do cơ quan, đơn vị mình quản lý.
Đặc biệt, từng cấp, từng ngành phải quan tâm, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm và tận tụy phục vụ nhân dân, xem CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời, tỉnh tăng cường thu hút đầu tư nhằm phát huy tối đa hiệu quả và khai thác lợi thế, tiềm năng. Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết thêm: “Tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ để phục vụ phát triển công nghiệp. Trọng tâm là triển khai thực hiện Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh thông qua việc đầu tư, kêu gọi đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các khu, cụm công nghiệp với nhau, kết nối với TP.HCM và kết nối đến Cảng Long An, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Song song đó, tỉnh tập trung mọi nguồn lực triển khai 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X: Đường tỉnh 830 (đoạn Đức Hòa - Tân Tập - Cần Giuộc), Đường Vành đai TP.Tân An và Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối Tiền Giang -Long An - TP.HCM.
14 công trình thuộc Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đã và đang được thực hiện tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân và doanh nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện cho tỉnh thu hút khá nhiều NĐT, nhất là NĐT bất động sản, nhà ở tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và TP.Tân An.
Lễ động thổ dự án Nhà máy Điện mặt trời Europlast ở Đức Huệ
Nơi đầu tư hiệu quả
Khi nói đến Long An, không ít NĐT trong và ngoài nước đều có chung nhận xét “Long An là điểm đến hấp dẫn, hứa hẹn cho NĐT nhiều cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh”. Từ đầu năm 2018 đến nay, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp tục khởi sắc thông qua vốn đăng ký đầu tư tăng dần qua hàng tháng, suất đầu tư tăng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Văn Tiều thông tin: “Thu hút đầu tư ngày càng tốt hơn, suất đầu tư tăng. 9 tháng năm 2018, bình quân vốn đầu tư 1 dự án (DA) trong nước là 136 tỉ đồng, cao hơn 24,2 tỉ đồng; nước ngoài là 5,2 triệu USD, cao hơn 1,6 triệu USD so cùng kỳ năm 2017. Đây là kết quả của việc quy hoạch đất đai kỳ cuối đến năm 2020 đối với các huyện, thị xã, thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt và công bố rộng rãi. Nhiều DA đầu tư mới được tiếp nhận, trong đó có nhiều DA lớn như các DA nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điện năng lượng mặt trời, các khu dân cư đô thị”.
Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, có 12 DA điện năng lượng mặt trời đầu tư vào tỉnh (thuộc địa bàn Đức Huệ, Tân Thạnh và Thạnh Hóa) với tổng công suất 1.088,6MW. Đến nay, có 4 DA được Bộ Công Thương phê duyệt với công suất 239,6MW. Trong 4 DA này, có 3 DA đã khởi công trên địa bàn Thạnh Hóa và Đức Huệ. 3 DA điện mặt trời này sẽ hòa lưới điện quốc gia trước ngày 30-6-2019. 1 DA (100MW) được Bộ Công Thương phê duyệt và chờ Thủ tướng Chính phủ thẩm định. Ngoài ra, tỉnh có 8 DA điện năng lượng mặt trời khác với tổng công suất 849MW tại Đức Huệ, Tân Thạnh và Thạnh Hóa.
Đại biểu thực hiện nghi thức động thổ dự án Nhà máy Điện mặt trời Băng Dương ở Thạnh Hóa
Đại diện Công ty Cổ phần Năng lượng BCG Băng Dương (đơn vị đầu tư Nhà máy Điện mặt trời Băng Dương) - Nguyễn Hồ Nam chia sẻ: “Long An là một trong những khu vực phù hợp nhất để có thể khai thác và phát triển nguồn năng lượng giàu tiềm năng này. Long An nằm trong khu vực nhiệt đới gần xích đạo với khí hậu và độ ẩm gió mùa đặc trưng, nắng nhiều và bức xạ kéo dài. Thời gian trung bình của ánh nắng mặt trời dao động từ 4,9-5,7kWh/m2/ngày, tương đương khoảng 2.000-2.600kWh/năm và số ngày nắng bình quân trong năm khoảng 300 ngày. Với nhà máy điện này, Băng Dương tin rằng sẽ đạt hiệu quả cao, đáp ứng mong muốn của lãnh đạo tỉnh và thúc đẩy chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch của Việt Nam nói chung, Long An nói riêng. Từ đó, góp phần tăng thêm nguồn điện cho mạng lưới điện quốc gia, trực tiếp phục vụ các khu công nghiệp tại địa phương và xây dựng nên một hình ảnh phát triển mới cho Long An, phát triển năng lượng sạch”.
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết: “Long An cam kết sẽ thực hiện tất cả những chính sách ưu đãi vốn có đối với tất cả ngành nghề theo chủ trương của Chính phủ ban hành. Đặc biệt, tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa mọi thủ tục hành chính, các ban, ngành vào cuộc phối hợp chặt chẽ để giúp NĐT triển khai DA nhanh nhất, sớm đưa vào hoạt động”./.
9 tháng năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 113 dự án (DA) trong nước và 59 DA nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 15.376 tỉ đồng và 215 triệu USD. Ngoài ra, có 50 DA đầu tư nước ngoài tăng vốn 91 triệu USD. Đến nay, tổng số DA đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư là 1.564 DA, tổng số vốn đăng ký 181.389 tỉ đồng và 941 DA đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 5.950 triệu USD. Hiện nay, có 576 DA đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động, chiếm 61,2% tổng số DA đăng ký, tổng vốn thực hiện đến nay khoảng 3.614 triệu USD, đạt 60,7% so với tổng vốn đăng ký. |
Gia Hân