Tiếng Việt | English

05/04/2017 - 16:21

“Cột mốc sống” nơi biên cương

Xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An hôm nay khoác lên mình chiếc áo mới của sự bình yên và no ấm. Mỗi người dân nơi đây thực sự là “cột mốc sống” nơi phên giậu biên cương.

Bí thư Đảng ủy xã Thái Trị - Võ Quốc Hải phấn khởi cho biết: Dù là xã biên giới còn nhiều khó khăn nhưng địa phương từng bước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, củng cố quốc phòng - an ninh (QP-AN), tập trung xây dựng các lực lượng chức năng và duy trì công tác phối hợp hoạt động của công an - quân sự - biên phòng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới. 

Đến ấp biên giới Thái Vĩnh, địa bàn tiếp giáp với xã Xâm Đoong, huyện Kong Pong Ro, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia, nhận thấy diện mạo của địa phương có nhiều đổi mới. Đây là một trong những ấp biên giới trọng điểm giữ vững về QP-AN, được chính quyền địa phương đánh giá cao. Hiện ấp thành lập được 1 ban tự quản và 5 tổ an ninh nông thôn tự quản.


Người dân thường xuyên thăm cột cắm trên đất sản xuất của mình. Ảnh Phương Phương

Đặc biệt, 100% hộ dân trong ấp đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh, trật tự xóm, ấp, khu vực biên giới. Ở đây, người dân bám đường biên vừa lao động sản xuất phát triển kinh tế, vừa là “tai mắt” sát cánh hỗ trợ lực lượng chức năng làm tốt vai trò nòng cốt xây dựng và bảo vệ biên giới vững chắc.

Bí thư Chi bộ ấp Thái Vĩnh - Lê Công Lập khẳng định: Qua tuyên truyền, giáo dục, người dân trong ấp đều nắm vững Luật Biên giới quốc gia, Nghị định 34, Chỉ thị 01 của Chính phủ,... Các hộ dân sống cặp biên giới đều được trang bị kẻng, kịp thời báo động khi có vụ việc xảy ra.

Từ năm 2015 đến nay, đồn biên phòng, chốt dân quân tiếp nhận gần 600 nguồn tin có giá trị từ người dân.

Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Đức ở ấp Thái Vĩnh, nhà cạnh chốt dân quân và cách đường biên giới không đầy 1km. Riêng ruộng lúa của gia đình ông nằm sát biên giới. Gần 40 năm đến lập nghiệp, ông bám vùng biên cần cù lao động, chăm lo cuộc sống gia đình, nuôi con thành đạt và tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Đức hướng dẫn cháu nội nhận biết hiệu lệnh của “tiếng kẻng vùng biên”

Cũng như bao hộ dân khác, gia đình ông Đức cũng được trang bị kẻng và phát huy hiệu quả. Từ khi đưa vào thực hiện mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”, tình trạng trộm cắp trên địa bàn không còn. Ở đây, nhiều gia đình đêm về không cần đóng cửa vẫn không bị mất trộm. Riêng trâu, bò thả rông ngoài đồng ruộng không có người trông coi vẫn an toàn.

Ông Đức chia sẻ: “Sống ở đây, chúng tôi luôn ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới. Sáng nào ra ruộng, tôi cũng đều “tạt” qua thăm cột mốc gần đó xem có gì thay đổi không hay thấy người lạ mặt đi vào khu vực biên giới có biểu hiện, hành động lạ, kịp thời báo ngay cho đồn biên phòng, chốt dân quân gần đó,...”./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết