Quá khứ chỉ rõ ràng trong tôi kể từ tuổi lên 5. Trước đó, nó chỉ là những ký ức lòa nhòa. Khi 5 tuổi thì tôi sống cùng ông bà ngoại, vì mẹ tôi bận sinh em bé. Tôi nghĩ đó là năm hạnh phúc nhất cuộc đời mình và đó là cả một vùng ngọt ngào.
Nó ngọt bởi những bữa sáng có bánh mỳ chấm sữa đặc hoặc thả vào cốc sữa nóng bà chuẩn bị cho tôi, những cái kẹo lạc hay bánh dừa trong giỏ hàng của bà – có thời gian bà ngoại ngồi bán nước, và thỉnh thoảng tôi lại đòi ăn những thứ bà bán…
Ảnh minh họa (Nguồn: Dân trí)
Nó ngọt cả những lúc tôi nằm chơi bên bà, còn bà ngồi khâu quần tất cho tôi – dạo ấy, tôi hay được chọn vào đội múa của trường nên quần tất của tôi thường xuyên rách ở ngón cái và đầu gối, và vết khâu mới thì chồng lên vết khâu cũ. Nó cũng ngọt ngay cả trong những buổi tối bà rửa ráy cho tôi nơi cái nhà tắm tập thể tối như hũ nút, nước chảy tong tong, những đêm hè mất điện bà vừa quạt cho tôi vừa ngủ chập chờn vì tôi cứ lèo nhèo bên cạnh. Ngọt cả ở những câu chuyện làng quê bà kể khá xa lạ với tôi mà sau này tôi hiểu ra đó chính là không gian tuổi thơ của bà.
Năm 5 tuổi của tôi, cái năm có thể xin bà cho nghỉ học ở nhà rồi chạy chơi cả ngày ở khoảng sân mênh mông Viện Bảo tàng Cách mạng nơi bà công tác, là một năm đầy đặc quyền, tự do, vô lo, an toàn và êm ả mà sau này chẳng còn ai cho tôi nữa, kể cả ba mẹ tôi.
Một cảm giác yêu thương êm dịu
Từ nhỏ, tôi đã nghe mẹ kể bà ngoại sinh ra trong một dòng họ Khoa bảng và có truyền thống văn chương lâu đời. Mẹ tôi thường sốt sắng về gia tộc, còn bà lại đi bên cạnh cái di sản ấy thật yên lặng và khẽ khàng. Bà chỉ nói về ông nội mình – một vị phó Bảng nức tiếng hay chữ giữa kinh thành Thăng Long - khi được hỏi, và bà cũng không kể nhiều.
Nhưng chính bà và phong thái của bà và của những người chị em bà đã nói với tôi nhiều hơn cả về quá khứ vàng son ấy. Bà tôi luôn chậm rãi khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ, luôn khiêm nhường và đề cao người khác, luôn khuyên nhủ nhiều hơn yêu cầu. Dù nghèo, bà tôi vẫn cố gắng giúp đỡ những người họ hàng ở tận đâu đâu, và hay đem đồ ăn hoặc quần áo cho người nghèo gặp trên đường.
Và tôi nghĩ đó là bằng chứng cho những nề nếp gia phong mà bà đã thụ hưởng. Thứ gia phong ấy cho con người ta một nhân sinh quan rộng mở, giúp người ta vượt lên trên nghèo đói và những lo toan cơm áo của bản thân để nghĩ đến người khác, vì người ta được dạy rằng giúp người vẫn là việc nên làm.
Nề nếp gia phong ấy còn thấp thoáng ở lối bà vấn tóc, mái tóc thưa mỏng của bà, và cài những cái cặp tăm như thế nào đó có vẻ đơn giản mà chị em tôi bắt chước mãi không xong để tóc bà cuối cùng trông vẫn thật đầy đặn mà gọn gàng, đoan trang. Có một cảm giác yêu thương êm dịu dấy lên trong tôi, không biết phải cắt nghĩa thế nào, mỗi khi nghe bà gọi những người bạn trai của tôi là “em” và xưng “tôi” với họ - “Bố mẹ em ở nhà có khỏe không?
Cho tôi gửi lời hỏi thăm hai bác nhé!” - cách xưng hô ấy gợi nhớ biết bao nhiêu về Hà Nội thanh lịch ngày xưa.
Và tôi nghĩ là con trai tôi, dẫu mọi người có khen nó đáng yêu thế nào, có gọi nó bằng những đại từ và danh từ mỹ miều thế nào – vẫn đáng yêu nhất khi được gọi là “chắt” – “cái thằng chắt yêu của tôi”. Chỉ có bà là người duy nhất có thể cho nó cái cơ hội được đáng yêu như thế.
Có những tính toán sai lầm không thể làm lại
Tôi nhận ra bước chân của mình đã luôn rất vội kể từ tuổi hoa niên. Chỉ cần mấy phút qua đường là có thể sang thăm bà, nhưng tôi đã không làm việc ấy một cách thường xuyên và chu đáo.
Tôi đã không hiểu thời gian của người già luôn ở thời quá khứ và hiện tại, khi mà thời gian của tôi thì nằm ở tương lai. Tôi nhớ rằng mình cứ lao về phía trước, hết cấp hai, cấp ba, đại học, rồi đi làm, dành rất nhiều thì giờ và cảm xúc cho thế giới ngoài kia, một thế giới cho - nhận rất sòng phẳng, nhiều khi còn bất công, và lơ đễnh với bà mình, và đây chính là một sự bất công với cái người luôn cho tôi vô hạn và vô điều kiện.
Khi quyết định đi du học, điều tôi sợ nhất là một biến cố nào đó sẽ đánh cắp người bà của tôi đi và tôi không cách gì giành lại được. Có phải bản chất cuộc sống là luôn chỉ cho hy vọng le lói, còn sẵn sàng thổi bùng lên sự tuyệt vọng? Kể từ khi bà ốm, tôi là đứa cháu gái duy nhất không thu xếp để về thăm bà và chăm bà được. Lí do thì vẫn là vì tôi đang vẫy vùng ở thế giới ngoài kia và vẫn tiếp tục sống bằng thì tương lai với một thái độ chủ quan ấu trĩ. Có những tính toán sai lầm không thể làm lại, ví dụ như tôi tiếp tục cho mình thời gian, khi mà rõ ràng là bà tôi không còn thời gian nữa.
Tôi vẫn là đứa cháu khiến bà tự hào và được cho là biết làm gương cho các em. Nhưng những ngày tháng qua, tôi thấy ghen tị với những người em của mình ghê gớm và thấy mình thất bại thảm hại so với chúng. “Em đừng tự dằn vặt quá, mình ở bên cũng có làm được gì cho bà đâu”, chồng tôi an ủi như vậy.
Nhưng anh không hiểu rằng, việc trở về không phải để tôi làm được gì cho bà, mà thực ra là làm một cái gì đó cho chính bản thân tôi. Những việc tôi muốn làm như chạm lên mặt bà, vuốt đôi má nhăn nheo, xoa lên mái tóc trắng như cước, hay xúc cho bà từng thìa sữa, xét cho cùng, là để vỗ về và xoa dịu chính nỗi đau trong tôi mà thôi….
Để sự trở về không là Quá muộn
Có những việc tôi ước mình đã làm ít nhất một lần và những việc tôi ước mình có thể làm nhiều hơn với bà. 30 tuổi, tôi vẫn chưa nấu được cho bà một món ăn nào. Tôi cũng chẳng tìm ra nổi một tấm ảnh chụp riêng hai bà cháu với nhau. Và tôi không nhớ lần cuối cùng mình ôm bà là lúc nào, có lẽ là từ lúc biết ngượng, biết ngại thể hiện tình cảm. Tại sao lại ngượng và ngại khi điều đáng xấu hổ hơn cả là tôi cứ ôm bà trong tưởng tượng nhiều đến độ quên làm thật?
Khi tôi nói với con trai mình rằng “Cụ mất rồi” - từ giờ sẽ chẳng còn ai gọi con là chắt nữa đâu, nó ôm tôi, mắt đỏ hoe và mếu máo: Mẹ ơi, con ước gì nhà mình đang ở Việt Nam, con ước nhà mình không sang Mỹ. Mẹ ơi, con không muốn người ta sinh ra để rồi phải chết đi nhưng con sẽ nhớ mãi Cụ và nhớ là cụ đã gọi con là chắt.
Con trai bé bỏng của tôi đã nói đúng suy nghĩ lúc ấy trong tôi: Tôi không lạc quan với luân hồi, không đủ nhẫn nại để nghĩ rằng bà ngoại tôi sẽ siêu thoát, sẽ tái sinh trong cõi lành. Chỉ đơn giản vì tôi còn chưa kịp chấp nhận rất nhiều hiện thực đã xảy ra với bà tôi: rằng bà bị tai biến, rồi bị bệnh hiểm nghèo, rồi qua đời. Với tôi, bà ngoại vẫn luôn đi lại ở căn nhà 100 Trần Hưng Đạo, và khi tôi tới thăm, bà sẽ xuất hiện để đón tôi với câu hỏi đầy dịu dàng "Con đấy à?”
Những ngày này, tôi chỉ có thể tìm được chút nguôi ngoai ở mẹ và dì tôi, vì họ là những người cất giữ nhiều nhất những gì còn lại trên đời của bà ngoại. Khi nói chuyện với mẹ, tôi cảm thấy mình được ở gần bà hơn rất nhiều….
***
Mùa hè này, tôi định trở về Hà Nội. Hai tuần trước, đó là chuyến trở về tôi mong ngóng từng ngày. Kể từ hôm qua, tôi lại bắt đầu thấy sợ.
Tôi sợ lắm khi hình dung từng bước chân của mình trên cầu thang dẫn đến phòng khách nhà bà và tôi không thấy bà ngồi ghế salon - vì hình như bà đang ở trong buồng nghỉ, rồi tôi bước vào buồng của bà và cũng không thấy bà nằm trên giường - như thể bà vẫn đang đi chợ chưa về, cho đến khi tôi vén tấm rèm để bước vào ban thờ gia đình và bắt gặp bà tôi ở đó, bên cạnh ông tôi.
Tôi sợ giây phút ấy, vì nó là lời khẳng định rằng bà tôi đã không chờ được hai mẹ con tôi, rằng sự trở về của chúng tôi sẽ mãi mãi là Quá muộn.
Bà ơi, con xin lỗi bà....
Nguồn: Trần Minh Phương/VietNamNet