Nhiều vụ việc vi phạm
Bà Võ Thị Thu Hằng, ngụ xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, cho rằng, hiện nay, không ít nông dân gặp khó khăn về vốn trong quá trình sản xuất nên thường mua phân bón (PB) từ đại lý vật tư nông nghiệp theo kiểu mua trước và trả tiền sau khi thu hoạch. Một khi đại lý “hám lời”, mua vào PB kém chất lượng, giả thì nông dân “gánh đủ” thiệt hại.
Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón
Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh - Phạm Đức Chinh thông tin, thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp, hành vi vi phạm khá tinh vi. Năm 2018, Cục QLTT tỉnh kiểm tra 2.013 lượt, phát hiện, xử lý 974 trường hợp vi phạm trên các lĩnh vực: Gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả. Đáng chú ý, lực lượng QLTT phát hiện và xử lý 79 trường hợp kinh doanh PB không bảo đảm chất lượng, 24 trường hợp kinh doanh PB giả, phạt 2,2 tỉ đồng và tịch thu trên 44.800kg PB giả.
Hiện nay, việc làm giả PB hoặc sản xuất PB kém chất lượng được thực hiện trên cả PB vô cơ, hữu cơ. Các cơ sở sản xuất lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật về tổng chất dinh dưỡng để sản xuất PB giả, kém chất lượng, đăng ký sản xuất nhiều loại khác nhau, khi bị phát hiện loại PB này là giả, kém chất lượng thì thay thế loại PB khác. Tổ chức hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất PB giả, kém chất lượng thường bí mật, khép kín từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ.
Vừa qua, trong quá trình kiểm tra, Đội QLTT số 2 phát hiện Đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp T.H.N tại địa bàn thị xã Kiến Tường có hành vi vi phạm hành chính là bán PB NPD.A.P 18-46-0 do Công ty An Hưng Nông sản xuất tại huyện Thạnh Hóa và PB cao cấp NPK 20-20-15 do Công ty TNHH Phước Hưng, TP.HCM sản xuất có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố. Ngoài ra, Đội QLTT số 6 còn phát hiện Công ty TNHH Sản xuất PB Phương Nam, TP.HCM sản xuất PB NPK Nam Trung 20-20-15 + TE là hàng giả, không có giá trị sử dụng, công dụng.
Ngoài PB, xăng, dầu, vàng trang sức mỹ nghệ, thực phẩm tiêu dùng đóng gói sẵn là những mặt hàng xảy ra vi phạm nhiều trong thời gian qua. Năm 2018, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành kiểm tra và phát hiện 19 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu, trong đó có 7 trường hợp vi phạm về chất lượng, 2 trường hợp về đo lường và 10 trường hợp phương tiện đo lường hết hạn kiểm định. Đối với các trường hợp vi phạm về chất lượng, hành vi vi phạm là xăng Ron 95-III hoặc xăng E5 92-II có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.Tân An
Chánh Thanh tra Sở KH&CN - Nguyễn Văn Bé Ba nhận định, việc vi phạm của các cơ sở kinh doanh xăng dầu do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ cơ sở, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức về việc phân công người phụ trách theo dõi chu kỳ kiểm định, việc tự kiểm tra phương tiện đo trong thời gian sử dụng cho phép. Ngoài ra, việc quản lý của các chủ cơ sở trong công tác quản lý ở khâu nhập xăng dầu và việc lựa chọn các nhà cung cấp, thực hiện cam kết giữa các bên giao nhận hàng hóa chưa thể hiện rõ ràng. Việc thực hiện lưu mẫu giữa các bên liên quan chưa được thực hiện đúng theo quy định.
Quyết liệt “tuyên chiến”
Ông Nguyễn Văn Bé Ba cho biết, thời điểm này, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm và sử dụng nhiều mặt hàng như xăng, dầu, thực phẩm đóng gói sẵn, vàng trang sức. Vì vậy, Thanh tra sở phối hợp Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quyết liệt tổ chức thanh tra, kiểm tra tập trung vào các mặt hàng này nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Văn Bé Ba, một trong những thuận lợi trong công tác thanh tra, kiểm tra là đơn vị vừa được trang bị phương tiện test mẫu nhanh chất lượng trên mặt hàng vàng trang sức, xăng, dầu.
Trước đây, việc kiểm tra chất lượng vàng trang sức khi có nghi ngờ kém chất lượng phải lấy mẫu, kiểm nghiệm từ cơ quan chức năng mới đủ cơ sở pháp lý và xử phạt. Nay, khi có công cụ test nhanh sẽ có kết quả tức thì về chất lượng mà không cần phá mẫu sản phẩm đối với vàng trang sức.
Đối với xăng, dầu, khi nghi ngờ sản phẩm kém chất lượng, đoàn thanh tra lấy mẫu, kiểm tra nhanh.Nếu mẫu sản phẩm kém chất lượng, tiếp tục lấy mẫu, gửi kiểm nghiệm và tiến hành các thủ tục pháp lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.Trước đây, đối với xăng, dầu chỉ thực hiện nhanh về đo lường, sai số.
Ông Phạm Đức Chinh cho biết, trong quá trình kiểm tra, Cục QLTT kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm, đồng thời kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, cơ sở kinh doanh không tham gia buôn lậu hoặc tiếp tay cho buôn lậu; tự giác chấp hành nghiêm quy định pháp luật, không hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm thu lợi bất chính, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng./.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục QLTT tỉnh triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Trong đó, đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các Đội QLTT chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm: Đường cát, xăng, dầu, dược phẩm, mỹ phẩm, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh, mứt, kẹo, dầu thực vật, tinh bột và sản phẩm từ bột, lương thực, thực phẩm. |
Gia Hân