Tiếng Việt | English

08/01/2022 - 07:46

14 tỉ USD giá trị tiền điện tử bị đánh cắp trong năm 2021

Những kẻ lừa đảo trên khắp thế giới đã thu về kỷ lục 14 tỉ USD giá trị tiền điện tử trong năm 2021, phần lớn nhờ vào sự nổi lên của các nền tảng tài chính phi tập trung DeFi (Decentralized Finance).

CNBC dẫn dữ liệu mới từ công ty phân tích chuỗi khối Chainalysis cho biết, tổn thất do tội phạm liên quan đến tiền điện tử đã tăng 79% so với một năm trước đó, do hành vi trộm cắp và lừa đảo tăng đột biến. Trong đó, lừa đảo tiền điện tử là hình thức phạm tội lớn nhất, sau đó là hành vi trộm cắp. Hầu hết xảy ra thông qua việc truy cập bất hợp pháp vào hệ thống của các doanh nghiệp tiền điện tử.

Tổn thất do tội phạm liên quan đến tiền điện tử trong năm 2021 đã tăng 79% so với một năm trước đó. Ảnh REUTERS

Tổn thất do tội phạm liên quan đến tiền điện tử trong năm 2021 đã tăng 79% so với một năm trước đó. Ảnh REUTERS

Theo Chainalysis, DeFi là một phần nguyên nhân quan trọng của sự việc, đồng thời cũng là cảnh báo dành cho những người tham gia vào phân khúc mới nổi này của ngành công nghiệp tiền điện tử. “DeFi là một trong những lĩnh vực thú vị nhất của hệ sinh thái tiền điện tử rộng lớn, mang đến cơ hội to lớn cho các doanh nhân cũng như người dùng tiền điện tử. Nhưng DeFi khó có thể phát huy hết tiềm năng của nó, vì sự phân quyền khiến nó trở nên tích cực cũng là yếu tố cho phép lừa đảo và trộm cắp lan rộng”, Chainalysis viết trong báo cáo Tội phạm tiền điện tử hằng năm.

Không gian tự do của DeFi

DeFi là lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng của thị trường tiền điện tử, nhằm mục đích loại bỏ những người trung gian, chẳng hạn như ngân hàng, khỏi các giao dịch tài chính truyền thống. Với DeFi, các ngân hàng và luật sư được thay thế bằng một đoạn mã có thể lập trình được gọi là hợp đồng thông minh. Hợp đồng này được viết trên một blockchain công khai, như Ethereum hoặc Solana. Nó thực thi khi đáp ứng các điều kiện nhất định, phủ nhận sự cần thiết của bên trung gian.

Theo số liệu thống kê của Chainalysis, khối lượng giao dịch DeFi tăng 912% vào năm 2021. Lợi nhuận ấn tượng từ các token phi tập trung như Shiba Inu cũng thúc đẩy “cơn sốt kiếm ăn” giữa các mã DeFi. Tuy nhiên, có rất nhiều báo động đỏ khi nói đến giao dịch trong hệ sinh thái tiền điện tử non trẻ này. Theo trưởng nhóm nghiên cứu của Chainalysis Kim Grauer, một vấn đề với DeFi là nhiều giao thức mới đang được tung ra có các lỗ hổng mã (code) mà tin tặc có thể khai thác. 21% trong số tất cả các vụ hack trong năm ngoái đã tận dụng điều này.

Bà Grauer nói với CNBC rằng mặc dù có các công ty bên thứ ba thực hiện kiểm tra mã và chỉ định công khai giao thức nào là an toàn, nhưng nhiều người dùng vẫn chọn làm việc với các nền tảng rủi ro bỏ qua bước này, vì họ nghĩ rằng có thể nhận được lợi nhuận lớn hơn.

Hành vi trộm cắp tiền điện tử trong năm ngoái tăng 516% so với năm 2020, lên tới 3,2 tỉ USD giá trị tiền điện tử. Trong tổng số này, 72% số tiền bị đánh cắp được lấy từ các giao thức DeFi. Thiệt hại do lừa đảo tăng 82% lên 7,8 tỉ giá trị tiền điện tử. Hơn 2,8 tỉ USD trong tổng số này đến từ một loại kế hoạch tương đối mới nhưng rất phổ biến gọi là “rug pull” (rút thảm), trong đó các nhà phát triển xây dựng những gì trông có vẻ là dự án tiền điện tử hợp pháp, cuối cùng lấy tiền của các nhà đầu tư và biến mất.

Số liệu thống kê về tội phạm không nói lên toàn bộ câu chuyện

Tội phạm liên quan đến tiền điện tử có thể ở mức cao nhất mọi thời đại, nhưng các nhà nghiên cứu lưu ý rằng sự phát triển của việc sử dụng tiền điện tử hợp pháp vượt xa tốc độ tăng trưởng của việc sử dụng bất hợp pháp.

Giao dịch liên quan đến các địa chỉ bất hợp pháp đại diện cho mức thấp nhất mọi thời đại, chỉ chiếm 0,15% trong 15.800 tỉ USD tổng giá trị khối lượng giao dịch tiền điện tử vào năm 2021. Chainalysis xác định các quỹ bất hợp pháp dựa trên mối liên hệ của chúng với hoạt động bất hợp pháp đã được xác nhận.

Các nhà nghiên cứu phần nào ghi nhận khả năng hạn chế tội phạm liên quan đến tiền điện tử là do quy định đang phát triển pháp luật, cũng như tính minh bạch kế thừa của các công nghệ blockchain. Khác với tiền mặt và các hình thức chuyển giao giá trị truyền thống khác, mọi giao dịch tiền điện tử đều được ghi lại trong một sổ cái công khai, với các công cụ phù hợp.

“Các nhà chức trách đã rất thành công trong việc tận dụng tính minh bạch của các blockchain để điều tra và ngăn chặn hoạt động bất hợp pháp”, bà Grauer nói./.

Theo thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết