Tiếng Việt | English

03/02/2021 - 08:26

5 thách thức đối ngoại mà chính quyền Mỹ thời ông Trump để lại cho Tổng thống Biden

Chính quyền tiền nhiệm đã tạo ra nhiều thế khó về đối ngoại cho tân Tổng thống Mỹ Biden. Dưới đây là 5 thách thức cho ông Biden, theo nhận định của các chuyên gia.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa hưởng di sản đối ngoại từ chính quyền Donald Trump: Nước Mỹ gần như tự biệt lập với phần còn lại của thế giới và công khai thù địch với một số nước.

Trong khi đó, Biden là một nhà lãnh đạo có đầu óc quốc tế. Ông hiện bắt đầu đưa nước Mỹ trở lại với các hiệp ước và đồng minh mà ông Trump đã bỏ rơi.

Trước mắt, trong giai đoạn đầu ông Biden sẽ phải tập trung vào các khủng hoảng trong nước nhưng về lâu dài ông vẫn chú trọng đến vai trò của Mỹ trong việc “dẫn dắt thế giới”.


Tổng thống Mỹ Biden ký một số sắc lệnh đảo ngược chính sách của cựu Tổng thống Trump. Ảnh: Washington Post.

Châu Mỹ Latin

Tổng thống Trump đã thắt chặt việc nhập cư từ khu vực này vào Mỹ, đồng thời cắt giảm trợ giúp nước ngoài cho Guatemala, El Salvador và Honduras. Người nhập cư buộc phải đợi quá trình xin tị nạn vào Mỹ ở Mexico, dẫn tới các trại tị nạn mọc lên dọc theo biên giới.

Khi ông Trump giới hạn sự dính líu của Mỹ cũng như hỗ trợ kinh tế của nước này cho châu Mỹ Latin, Trung Quốc lại đẩy mạnh các hoạt động của mình tại địa bàn này. Tiền Trung Quốc được dùng để trả cho các mỏ khai khoáng, các dự án năng lượng, viễn thông, nông nghiệp, sản xuất, cơ sở hạ tầng, cảng biển, và gần đây nữa là quyền tiếp cận vaccine Covid-19. Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Mexico nhưng đối với phần còn lại của châu Mỹ Latin, vinh dự này thuộc về Trung Quốc.

Tổng thống Biden dự kiến khôi phục lại viện trợ nhân đạo mà ông Trump đã cắt bỏ.

Châu Phi

Trung Quốc cũng là đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ ở châu Phi.

Trung Quốc đã gây dựng được quan hệ chính trị và kinh tế mạnh với lục địa Đen, tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo châu Phi và cung cấp đáng kể trợ giúp phát triển cho vùng này, bao gồm cho Ethiopia, Nam Phi, và Nigeria. Để đổi lại sự đầu tư này, Trung Quốc đã khai thác các nguồn tài nguyên khổng lồ của châu Phi: dầu mỏ, cà phê, cao su, dầu cọ, kim cương, vàng, và urani.

Trong thời gian tại nhiệm của mình, Tổng thống Trump thường hành động theo kiểu coi châu Phi chẳng liên quan. Ông bác bỏ Thỏa thuận Khí hậu Paris và rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dẫn tới hậu quả là mất đi lượng lớn tiền dùng để giúp các nước châu Phi. Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên trong thế kỷ 21 không tới thăm châu Phi.

Nhưng châu Phi lại đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại nạn thánh chiến Hồi giáo và ở đây có các chính quyền thuộc lợi ích chiến lược của Mỹ.

Ông Biden vẫn có cơ xoay chuyển chính sách của nước Mỹ đối với châu lục này. Giới lãnh đạo châu Phi đa phần ủng hộ chiến thắng của Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020.

Trung Quốc

Với quốc gia này, ông Biden kế thừa những thách thức mà bản thân ông Trump cũng đối diện và đã không giải quyết được, từ thâm hụt thương mại nặng tới vấn đề Trung Quốc sử dụng tài sản trí tuệ của Mỹ.

Tại Biển Đông, Trung Quốc ra yêu sách chủ quyền đối với các thực thể chiến lược, đe dọa quyền tiếp cận của Mỹ đối với tuyến hàng hải quốc tế và cả tài nguyên thiên nhiên ở đây. Trong thập kỷ qua, Mỹ đã sử dụng cả quân đội và lời lẽ cứng rắn để đối phó với Trung Quốc ở khu vực này, nhưng đây là vấn đề khó.

Tân Tổng thống Biden dù nói cứng nhưng hiện vẫn chưa hé lộ một đại chiến lược mới nào bảo đảm sự nhất quán và chủ đạo của lợi ích Mỹ.

Châu Âu

Sau 4 năm “hỗn độn” về đối ngoại với châu Âu thời Donald Trump, chính quyền Mỹ thời Biden muốn chỉnh sửa lại quan hệ đứt gãy của Mỹ với châu Âu.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã đưa Mỹ trở lại với thỏa thuận khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới. Ông Biden cũng tôn trọng NATO, gọi đây là “liên minh quân sự có ý nghĩa nhất trên thế giới”.

Nhưng những thay đổi về ngôn từ vẫn sẽ chưa nhất thiết thay đổi thực chất quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu. EU và Mỹ vẫn bất đồng về các vấn đề chính như tính riêng tư của dữ liệu, cách xử lý vấn đề Trung Quốc, và mức độ châu Âu có thể đánh thuế các hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ.

Ngoài ra châu Âu còn cảnh giác với tình trạng phân cực chính trị sâu sắc của nước Mỹ - một đất nước mà các chính sách có thể thay đổi đột ngột từ chính quyền này sang chính quyền khác.

Trung Đông và Nam Á

Tân Tổng thống Mỹ Biden sẽ đối mặt 2 vấn đề Trung Đông đã xấu đi dưới thời Trump.

Thứ nhất là căng thẳng giữa các nước Arab với các quốc gia phi Arab. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang thách thức 2 đồng minh Arab của Mỹ - Saudi Arabia và Ai Cập, vì muốn xác lập ưu thế chính trị và quân sự trong khu vực.

Cựu Tổng thống Trump cố gắng sử dụng sức mạnh quân sự và lệnh trừng phạt để khống chế Iran, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, và ám sát cả tướng đương chức của Iran.

Hiện ông Biden tuyên bố ông có thể sẽ đưa Mỹ trở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng quan hệ Mỹ-Iran đã xấu đi nhiều.

Vấn đề thứ hai ở Trung Đông là tình hình “mong manh dễ vỡ” ở các quốc gia như Yemen, Libya, và Syria, Iraq, Sudan – đây là các nhân tố tạo ra sự bất ổn định và khủng hoảng nhân đạo.

Còn về Nam Á, tại đây sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng. Khu vực này có 2 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đó là Ấn Độ và Pakistan. Ông Biden có thể theo đuổi chính sách mềm mỏng hơn với Trung Quốc, nên có thể làm suy yếu quan hệ của Mỹ với Ấn Độ./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết