Tiếng Việt | English

09/09/2023 - 14:31

6 bài học về tiến độ và chất lượng các dự án tuyến Cao tốc Bắc-Nam

Sau mỗi lần khánh thành đưa vào sử dụng một dự án, ngành giao thông thường ngồi lại để nhận diện những ưu điểm và nhìn vào các vấn đề còn tồn tại, rút kinh nghiệm để thi công tốt và nhanh hơn trước.


Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến Cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 được đưa vào khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với việc hoàn thành đưa vào khai thác 8/11 dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2021 (trong đó, 1 dự án BOT, 7 dự án đầu tư công) với chiều dài 518km, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã chỉ ra các bài học kinh nghiệm khi triển khai các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn tiếp theo này.

Theo Bộ trưởng, ngành Giao thông Vận tải xác định việc hoàn thành các dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng dự án Cao tốc Bắc-Nam nói riêng và các dự án giao thông trọng điểm nói chung là danh dự, trách nhiệm của ngành trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

“Từ Bộ trưởng đến các đồng chí lãnh đạo bộ, các cơ quan trực thuộc, các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư, nhà thầu thi công đã thực sự vào cuộc quyết tâm, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: ‘Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa," Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Chia sẻ sau mỗi lần khánh thành đưa vào sử dụng một dự án, ngành giao thông thường ngồi lại để nhận diện những ưu điểm nhằm phát huy cho các dự án sau này đồng thời cũng thẳng thắn nhìn vào các vấn đề còn tồn tại, cần rút kinh nghiệm để mỗi công trình sau làm nhanh hơn, tốt hơn công trình trước, Bộ trưởng Thắng cho rằng có 6 bài học kinh nghiệm đã được rút ra và rất có giá trị thực tiễn.

Cụ thể, trước hết phải huy động sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và toàn xã hội vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Ở các địa phương, nơi nào đồng chí bí thư tỉnh ủy vào cuộc chỉ đạo, lãnh đạo địa phương sát sao thì ở dưới làm rất nhanh rất, rất hiệu quả.

Tiếp đó, cần bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách giải quyết theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian, tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện.

“Tinh thần như Chính phủ đã quán triệt khó khăn ở đâu thì giải quyết ở đó, ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, tránh các hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm ảnh hưởng đến tiến độ và mục tiêu chung của các dự án,” ông Thắng nói.

Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng luôn là đường găng của các dự án nên cần phải đi trước một bước, do vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng thời một số công việc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, giao mỏ vật liệu, xác định bãi đổ thải, hạn chế tối đa việc bàn giao mặt bằng “xôi đỗ” gây khó khăn trong quá trình thi công; cần quan tâm xây dựng các khu tái định cư đảm bảo tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, để người dân yên tâm về nơi ở mới đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao của người dân bị ảnh hưởng, nhanh chóng bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.

Bốn là, nhu cầu vật liệu đắp nền đường rất lớn, các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Năm là, công tác chuẩn bị đầu tư cần được chuẩn bị kỹ lưỡng đặc biệt là tư vấn khảo sát thiết kế giảm thiểu sai số. Các doanh nghiệp nhà thầu phối hợp chặt chẽ, xử lý các tình huồng phát sinh, nhằm đảm bảo công tác thi công dự án đưa vào khai thác được bền vững trong điều kiện thời tiết biến đổi khó lường.

Cuối cùng, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp điều kiện thực tế; huy động đầy đủ nhân lực, tài chính, máy móc thiết bị hiện đại, tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật của dự án, các quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

“Dưới sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo cũng như sự tháo gỡ kịp thời về chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành giao thông phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau và cả nước sẽ có 3.000km đườg bộ cao tốc, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra,” Bộ trưởng Thắng quả quyết./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết