Nhiều kết quả tích cực
Nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp; thúc đẩy sản xuất hàng hóa, ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường phối hợp các ngành chức năng, địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn, triển khai, thực hiện các dự án (DA), mô hình trình diễn chuyển giao KHKT trong sản xuất nông nghiệp.
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, từ đầu năm 2024, Trung tâm tổ chức nhiều buổi hội thảo; lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật và hàng chục DA, mô hình trình diễn chuyển giao KHKT về sản xuất nông nghiệp.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh - Dương Văn Tuấn cho biết: Các mô hình, DA chuyển giao KHKT mà Trung tâm tập trung thực hiện là về phục tráng các giống lúa; thâm canh mít theo VietGAP; thâm canh chanh theo VietGAP; thâm canh lúa theo hướng hữu cơ; chăn nuôi bò, gà thịt, vịt thịt theo hướng VietGAP; nuôi cá tai tượng, cá lóc bông, cá tra, cá chạch lấu, cua biển trong ao;...
Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh triển khai nhiều DA hỗ trợ ND ứng dụng KHKT xây dựng mô hình sản xuất lúa theo quy trình VietGAP; thâm canh giống lúa mới; canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; mô hình IPHM (phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp),... Qua đó, giúp ND tiết kiệm chi phí đầu tư, hạn chế sâu, bệnh trên cây trồng cũng như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng, năm 2024, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ huyện xây dựng 1 vùng lúa (400ha) ƯDCNC gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xã Tuyên Bình Tây (xã Tuyên Bình Tây) và 1 mô hình ƯDCNC (50ha) tại HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hưng (xã Khánh Hưng).
Đồng thời, huyện thực hiện 12 mô hình nhân rộng với diện tích 600ha (50ha/mô hình) tại các xã: Thái Trị, Tuyên Bình, Tuyên Bình Tây, Khánh Hưng, Hưng Điền A, Thái Bình Trung, Vĩnh Trị, Vĩnh Thuận, Vĩnh Bình.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hưng - Phạm Văn Nghĩa cho biết: “Diện tích lúa của HTX khoảng 1.400ha. Trong đó, có 50ha lúa sản xuất theo hướng công nghệ cao với giống ST25. Vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất lúa sản xuất theo hướng công nghệ cao của HTX đạt 7,5 tấn/ha, lợi nhuận bình quân đạt 32,6 triệu đồng/ha (cao hơn 3 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình). Vụ Đông Xuân 2024-2025, HTX tiếp tục duy trì 50ha lúa công nghệ cao này”.
Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Tân Hưng đề ra nhiều giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, ND đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC.
Qua đó, huyện có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân từ truyền thống sang hiện đại, nhất là biết áp dụng KHKT vào sản xuất.
Các hợp tác xã, nông dân tham quan mô hình trình diễn ứng dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên kết hợp bón vùi phân tại huyện Tân Hưng
Ông Võ Thành Tâm (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Nhờ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT của huyện, tỉnh mà tôi được hướng dẫn bón phân, xịt thuốc đúng cách. Đồng thời, tôi cũng được trang bị thêm nhiều kiến thức về sản xuất nông nghiệp, nhất là việc nhận biết dấu hiệu của sâu, bệnh và cách phòng trừ hiệu quả, bảo đảm chất lượng sản phẩm làm ra. Qua đó, giúp tôi giảm được nhiều chi phí sản xuất, nâng cao được chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập”.
Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, ngành Nông nghiệp tỉnh chọn HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh) làm điểm để thực hiện mô hình canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên và bón vùi phân bón. Diện tích thực hiện mô hình điểm trên 14ha với 7 hộ dân tham gia.
ND thực hiện mô hình sẽ sử dụng lượng giống gieo sạ là 80kg/ha và lượng phân bón là 200kg/ha. Với phương pháp sản xuất này, ND vừa giảm được lượng giống, vừa bảo đảm việc không bón phân trong 45 ngày đầu gieo sạ.
Ông Trần Văn Lựu - thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình, cho biết: “Tôi tham gia mô hình với diện tích 1,8ha. Qua các buổi tập huấn, hướng dẫn thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, tôi nhận thấy mô hình này có nhiều triển vọng nên quyết tâm thực hiện. Đến nay, lúa được khoảng 40 ngày tuổi và đang phát triển tốt”.
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình - Đặng Rô Xăng cho biết, khi tham gia thực hiện Đề án, ND sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, kết cấu hạ tầng; cung cấp giống lúa chất lượng cao; hỗ trợ tiếp cận thị trường tiêu thụ ổn định; được hỗ trợ các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và các chính sách trong khuôn khổ Đề án; được chia sẻ lợi ích từ việc bán tín chỉ carbon;... đặc biệt, khi áp dụng biện pháp sạ hàng đường biên kết hợp bón vùi phân giúp giảm thất thoát và phát thải khí nhà kính.
Đẩy mạnh thực hiện
Hiệu quả mang lại từ công tác chuyển giao tiến bộ KHKT góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân, giảm chi phí, bảo vệ môi trường; đồng thời, nâng cao năng suất, sản lượng của cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ND.
Hệ thống giám sát côn trùng thông minh giúp nông dân nắm được mật độ sâu, rầy, chủ động trong sản xuất
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc triển khai ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn do tập quán canh tác, quy mô nhỏ, lẻ,... Thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn hỗ trợ mô hình ít, trình độ, nhận thức của ND không đều nên việc ứng dụng KHKT vào sản xuất chưa cao, chưa thúc đẩy việc phổ biến áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng.
Việc đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là chuyển giao ứng dụng mà chưa có cơ chế, chính sách duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Mối liên kết “4 nhà” cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp không ổn định nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng KHKT vào sản xuất.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, ngoài việc khuyến khích người dân thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền cũng như sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm để người dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng KHKT, ƯDCNC vào sản xuất, bảo đảm phù hợp với thổ nhưỡng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm./.
|
Long An đưa ra mục tiêu đến năm 2030 có 125.000ha diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.
|
Bùi Tùng