Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)
Bác sỹ Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn tỉnh tăng cao.
Tỉnh ghi nhận ba trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Theo báo cáo của Sở Y tế, 9 tháng qua, An Giang ghi nhận 13.200 ca sốt xuất huyết, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2021, tăng 210% so với trung bình 5 năm (2016-2020);10/11 huyện, thị, thành phố có số ca mắc tăng (trừ Tri Tôn) vượt cao so với cùng kỳ.
Trong số đó, có 5 huyện sốt ca sốt xuất huyết tăng trên 10 lần là Châu Phú tăng 18,4 lần, Tân Châu tăng 18 lần, An Phú tăng 18,8 lần, Tịnh Biên tăng 16 lần, Thoại Sơn tăng 14,5 lần.
Toàn tỉnh ghi nhận khoảng 3.860 ổ dịch sốt xuất huyết, tất cả được phát hiện và xử lý.
Các địa phương có nhiều ổ dịch là huyện Chợ Mới 619 ổ dịch, Châu Phú 575 ổ dịch, Phú Tân 373 ổ dịch.
An Giang đã có 3 ca tử vong do mắc sốt xuất huyết ở các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021.
Chín tháng qua, An Giang ghi nhận 2.593 ca mắc tay chân miệng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cả 11 huyện ghi nhận ca mắc tăng so cùng kỳ. Bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng tăng vào những tuần gần đây.
Chín tháng qua, An Giang đã phát hiện và xử lý 345 ổ dịch, địa phương có nhiều ổ dịch nhất là huyện Chợ Mới 108 ổ dịch, Châu Phú 59 ổ dịch, Châu Thành 40 ổ dịch. Công tác điều trị được ngành y tế An Giang duy trì đảm bảo tốt nên chưa có trường hợp tử vong.
Bác sỹ Trần Quang Hiền đánh giá năm 2022 là chu kỳ dịch của các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên số ca mắc sốt xuất huyết ở khu vực này đang tăng cao trong nhiều tuần gần đây.
An Giang là tỉnh có sự lưu hành các chủng virus sốt xuất huyết đã nhiều năm, nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới, nhất là trong ở các trường học.
Dịch tay chân miệng rất dễ lây lan mạnh hơn nếu không làm tốt công tác truyền thông về bệnh và các biện pháp phòng bệnh.
Để phòng, chống bệnh tay chân miệng, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã chỉ đạo ngành y tế triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; chỉ đạo các bệnh viện, Trung tâm Y tế, cơ sở y tế có giường bệnh chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, cơ số thuốc, vật tư, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống và điều trị dịch bệnh; tập huấn cán bộ về các phác đồ cấp cứu và điều trị, chú trọng việc phân tuyến, phân luồng tránh quá tải khi có nhiều bệnh nhân cùng lúc và dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, tăng cường cấp cứu và điều trị bệnh nhân hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng yêu cầu ngành y tế tỉnh chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện thu thập, gửi mẫu bệnh phẩm ca bệnh tay chân miệng từ độ 2b trở lên về Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Bộ Y tế hoặc chia sẻ kết quả xét nghiệm các chủng virus gây bệnh tay chân miệng đối với các đơn vị có thể thực hiện.../.
Thanh Sang (TTXVN/Vietnam+)