Được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng sự nỗ lực, ý chí vượt khó của bản thân, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo, trở thành tấm gương cho nhiều người noi theo.
Anh Diệp Văn Cược (thứ 4, phải qua) là 1 trong 2 hộ nghèo huyện Mộc Hóa chủ động viết đơn ra khỏi hộ nghèo
Chủ động viết đơn ra khỏi hộ nghèo
Trong cái nắng gay gắt của tháng 3, chúng tôi men theo con đường đất đến thăm gia đình anh Diệp Văn Cược, ngụ ấp 4, xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa. Đây là 1 trong 2 hộ nghèo của huyện chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo trong năm 2019 để nhường sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước cho những hoàn cảnh khó khăn hơn.
Đón chúng tôi trong căn nhà tường vừa hoàn thành từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Cược xúc động nói: “Căn nhà này, xã vận động nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình 40 triệu đồng xây dựng. Có được căn nhà khang trang “che nắng, trú mưa”, mấy cha con tôi vui lắm! Thấy gia đình bớt khó khăn, tôi chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo”.
Được biết, vợ chồng anh Cược ra riêng chỉ có hai bàn tay trắng, sống bằng nghề làm thuê. Nhờ chí thú làm ăn, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Khi 2 người con lần lượt ra đời, vợ anh phải ở nhà chăm sóc con, chỉ còn một mình anh làm việc nên kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Không chịu được cuộc sống vất vả, “thiếu trước, hụt sau”, vợ anh bỏ nhà ra đi, để lại 2 người con đang tuổi ăn học.
Vừa làm cha, vừa làm mẹ, nhiều lúc anh Cược cảm thấy bất lực, muốn bỏ đi thật xa. Nhưng vì thương con thơ dại, không ai chăm sóc, anh nuốt nước mắt vào lòng, cố gắng vượt qua khó khăn, chăm chỉ làm việc để vươn lên. Biết được hoàn cảnh, xã đưa gia đình anh vào danh sách hộ nghèo. Nhờ vậy, gia đình anh hưởng được nhiều chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước như bảo hiểm y tế, miễn tiền học phí, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất,...
Mẹ anh Cược cho biết: “Trước đây, Cược chủ yếu lái máy gặt đập liên hợp thuê. Sau nhiều năm làm việc, Cược mơ ước có một chiếc máy để tự làm chủ. Thấy vậy, tôi mượn tiền của người thân cùng với số tiền vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội mua một chiếc máy gặt đập liên hợp cho con. Sau khi có máy và làm ăn được, Cược chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo”.
Tiếp lời mẹ, anh Cược khẳng định: “Tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo không phải vì tự ái hay muốn được khen thưởng mà muốn nhường sự giúp đỡ lại cho người khác và giảm gánh nặng cho xã hội. Tôi tin, mình còn trẻ, đủ sức lao động, sản xuất thì việc viết đơn ra khỏi hộ nghèo là điều nên làm và rất cần thiết”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Trong vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Thoát nghèo bằng ý chí và nghị lực
Chật vật với miếng cơm, manh áo, vật lộn với túng thiếu, nghèo khó, nhiều lúc bà Lê Thị Kim Hồng, ngụ ấp 2, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, có ý định buông xuôi tất cả. Song bằng niềm tin, nghị lực, phẩm chất kiên cường của người phụ nữ Việt Nam, bà Hồng đã nuôi 4 người con lần lượt tốt nghiệp cao đẳng, đại học và có việc làm ổn định. Các con của bà Hồng bây giờ người làm ngân hàng, người làm kế toán, người đầu quân cho công ty nước ngoài,...
Đối với nhiều người, nếu một mình gồng gánh nuôi 4 người con học cao đẳng, đại học là điều không dễ, vậy mà bà Hồng đã làm được điều phi thường ấy, khiến nhiều người ngưỡng mộ. Bà Hồng chia sẻ: “Tôi không có nghề nghiệp ổn định, sống dựa vào gánh ve chai nên không muốn con phải sống chật vật trong nghèo khó, túng thiếu giống mình; đồng thời, xác định chỉ có đi học mới thoát nghèo, do đó tôi quyết tâm nuôi các con ăn học thành tài”.
Rời gia đình bà Hồng trong sự ngưỡng mộ về nghị lực vượt khó của người phụ nữ đơn thân, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Trong, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa. Nhìn căn nhà tường khang trang, đầy đủ tiện nghi, ít ai biết rằng gia đình bà phải trải qua biết bao gian truân, khó nhọc mới có được cuộc sống ổn định như hôm nay.
Bà Trong nhớ lại: “Năm 1972, chồng tôi đạp mìn phải cưa mất một chân, trong khi đó phải nuôi 6 người con nhỏ nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Không đầu hàng nghịch cảnh, hàng ngày, vợ chồng tôi cố gắng bơi xuồng hàng chục kilômét đi đốn củi rồi chở về bán cho người dân xung quanh để kiếm sống. Chi tiêu tiết kiệm, chăm chỉ làm việc, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, thời gian qua, sức khỏe vợ chồng tôi ngày càng yếu, thường xuyên nằm viện điều trị, kinh tế chỉ dựa vào việc chở thuê của vợ chồng người con út nên gia đình bị tái nghèo”.
Không đầu hàng số phận, quyết vươn lên thoát nghèo, vợ chồng anh Trần Thanh Vũ (con trai bà Trong) vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội 50 triệu đồng cùng số tiền dành dụm đầu tư mua ghe lớn chở cây thuê cho các công ty, doanh nghiệp. Nhờ vậy, cách đây 4 năm, gia đình anh Vũ thoát nghèo, xây dựng được căn nhà tường khang trang, nhất là chăm lo tốt đời sống cho các thành viên trong gia đình.
Anh Vũ trải lòng: “Nghèo không phải tội mà lười biếng mới là tội. Hiện vợ chồng tôi vừa chăm lo cha mẹ già thường xuyên đau ốm, vừa nuôi 2 người con đang tuổi ăn học nhưng tôi tin, chỉ cần chăm chỉ làm việc thì sẽ không có tình trạng tái nghèo”.
Dù bao gian truân, khó nhọc, nhiều người bằng ý chí, nghị lực đã vượt qua nghịch cảnh, chiến thắng cái nghèo, nhất là trở thành tấm gương trong hành trình vươn lên thoát nghèo của các địa phương, xứng đáng được biểu dương, khen thưởng./.
(còn tiếp)
Bài 2: Điểm sáng trong công tác giảm nghèo
Lê Ngọc