Tiếng Việt | English

21/10/2015 - 13:42

Long An: Chăn nuôi bò sữa - LỐI ĐI HẸP

Bài 1: Người chăn nuôi gặp khó

Đã từng có thời điểm, chăn nuôi bò sữa trở thành phong trào nở rộ ở nhiều địa phương, trong đó, nhiều nhất phải kể đến các huyện Đức Hòa, Bến Lức và TP.Tân An, sau đó phát triển thêm ở các huyện Tân Trụ, Thủ Thừa... Và, tiềm năng phát triển đàn bò sữa ở Long An vẫn còn. Nhưng…

Theo số liệu của Cục Thống kê, nếu như năm 2000 tổng đàn bò sữa của tỉnh chỉ có 298 con, thì đến năm 2014, Long An có đến 9.063 con bò sữa, sản lượng sữa đạt 14.538 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2000 đến năm 2014 đạt 20,6%. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 hộ chăn nuôi bò sữa, nhưng chủ yếu chăn nuôi theo phương thức nhỏ, lẻ, phân tán (chiếm khoảng 85%). Trong đó, mỗi hộ bình quân nuôi từ 5-7 con, số hộ chăn nuôi có quy mô từ 10 con trở lên chiếm khoảng 15%. Ngoài ra, còn có một số hộ chăn nuôi quy mô lớn với số lượng bò sữa từ 50-80 con.


Năm 2014, Ngân hàng MHB ký kết thỏa thuận đầu tư 100 tỉ đồng hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Đức Hòa

Khóc ròng vì bò sữa

Ông Nguyễn Văn Gương, ngụ ấp An Hưng, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa cho biết: “Tôi chăn nuôi bò từ năm 1999, đến năm 2011, thấy bò sữa có triển vọng nên đầu tư chuồng trại để mở rộng quy mô. Ban đầu chỉ vay tiền mua được 5 con bò giống, sau đó nhân dần lên, hiện tại đàn bò sữa của gia đình tôi có 30 con. Nếu giá sữa ổn định ở mức 12.000-14.000 đồng/kg, sản lượng sữa trung bình 5 tấn/chu kỳ 300 ngày/con (khoảng 15kg sữa/ngày) và khai thác trong vòng 5 năm, thì một con bò sữa đang cho khai thác sữa, thu lãi khoảng 25 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nông dân là đầu ra của sữa bò chưa ổn định. Việc khống chế lượng sữa mua vào của các công ty thông qua các điểm thu mua cũng khiến cho nông dân chăn nuôi bò sữa nhiều phen khốn đốn”.

Khó khăn nhất trong phát triển chăn nuôi bò sữa ở tỉnh ta hiện nay là việc mở rộng quy mô, nhất là với hộ mới nuôi, khó kiểm soát được chất lượng bò giống, trình độ kỹ thuật nuôi của các hộ còn hạn chế, thiếu hợp đồng liên kết lâu dài giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp thu mua sữa.

Bà Nguyễn Thu Vân, nông dân ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An cho biết: “Tôi có khoảng 0,3ha đất, trước đây chỉ chuyên trồng lúa. Sau đó, thấy người ta nuôi bò sữa, tôi thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng 100 triệu đồng đầu tư chăn nuôi. Tôi mua 2 con bò giống 70 triệu đồng, số tiền còn lại đầu tư làm chuồng trại. Đến nay, đã gần 1 năm, mỗi ngày, tôi thu khoảng 15-16kg sữa, nhưng đại lý chỉ thu mua sữa với số lượng có hạn, số còn lại tôi chẳng biết làm gì, đành đem cho người thân hoặc đổ bỏ. Hiện tại, hằng tháng, tôi phải vất vả trả lãi ngân hàng bởi sữa chưa có đầu ra ổn định. Rất mong các ngành chức năng có giải pháp giúp người chăn nuôi”.

Hiện nay, theo khảo sát, “nỗi khổ” chung của nông dân chăn nuôi bò sữa là lượng sữa thu hoạch không được thu mua hết, khiến họ phải… khóc ròng.

Thu mua sữa nhỏ giọt

Theo thống kê, mỗi ngày, toàn tỉnh có khoảng 70 tấn sữa bò được thu hoạch. Ông Nguyễn Thanh Phúc, nông dân xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An chia sẻ: “Trước đây, đời sống gia đình tôi cũng như một số hộ nông dân trong xã rất khó khăn nhưng nhờ vào phong trào chăn nuôi bò sữa mà phần đông nông dân trong xã trở nên khấm khá.Trước đây, được công ty thu mua sữa ký hợp đồng nên nông dân an tâm đầu tư chăn nuôi, quy mô tổng đàn ngày càng tăng lên. Nhưng từ cuối năm 2013 đến nay, các công ty đều đưa ra kế hoạch thu mua sữa bò tươi từ nông hộ với những định mức về chất lượng, số lượng sữa bò tươi/ngày/hộ đã gây khó cho người chăn nuôi. Đặc biệt, các công ty đều không ký hợp đồng tiêu thụ với người nuôi mới”.

Khó khăn lớn nhất của nông dân là đầu ra của sữa bò chưa ổn định. Việc khống chế lượng sữa mua vào của các công ty thông qua các điểm thu mua cũng khiến cho nông dân chăn nuôi bò sữa nhiều phen khốn đốn.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 14 điểm thu mua sữa bò tươi của các Công ty TNHH Dutch Lady; Công ty Cổ phần sữa Vinamilk và Công ty CMT. Các công ty này đặt các điểm thu mua sữa bò rải rác ở các huyện trong tỉnh với giá thu mua từ 8.500-14.000 đồng/kg. Từ năm 2003 đến tháng 11-2014, giá thu mua sữa tươi ổn định ở mức cao nên nông dân yên tâm đầu tư chăn nuôi. Tuy nhiên, từ tháng 12-2014 đến nay, việc tiêu thụ sữa tươi gặp nhiều khó khăn. Đối với những hộ chăn nuôi mới từ năm 2014 đến nay chưa được ký hợp đồng nên số lượng sữa thu hoạch không bán được.

Đại diện một điểm thu mua sữa bò của Công ty Vinamilk ở thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa cho rằng: “Để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, nông dân cần phải tuân thủ những nguyên tắc như vệ sinh chuồng trại, chất lượng sữa,... Tuy nhiên, chúng tôi chỉ là một đại lý nhỏ, vẫn phải phụ thuộc vào một số quy định của công ty như mỗi ngày chỉ cung cấp số lượng sữa nhất định về công ty nên không dám tăng lượng sữa thu mua”.

Phó Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông nghiệp huyện Đức Hòa - Lê Minh Thái cho biết: “Tháng 10-2014, Ngân hàng MHB đã ký kết với huyện Đức Hòa đầu tư 100 tỉ đồng để hỗ trợ nông dân phát triển đàn bò sữa. UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng cùng hỗ trợ nông dân chăn nuôi như: Bố trí cán bộ chuyên trách phòng, chữa bệnh, phối giống nhân tạo cho bò sữa, thu thành phẩm từ bò sữa cũng được cải tiến nhờ tăng cường đầu tư hệ thống chuồng trại, máy vắt sữa, thu gom và bảo quản sữa,… góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cho người chăn nuôi”.

Tuy nhiên, tâm sự cùng chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bé, ngụ ấp Đức Hạnh 1, xã Đức Lập Hạ cho rằng: “Cách đây khoảng 1 năm, tôi đầu tư chuồng trại để chăn nuôi bò sữa. Khi vay 70 triệu đồng, tôi vẫn phải thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng chứ đâu được vay tín chấp. Với số tiền ấy, tôi đầu tư chuồng trại và mua 2 con bò giống. Đúng vào thời điểm bò cho sữa, thì tôi lại… lao đao vì chưa được ký hợp đồng tiêu thụ sữa với công ty. Đến nay, tiền lãi ngân hàng phải trả trong khi sữa thu được chỉ được đơn vị thu mua “nhỏ giọt, cầm chừng”.

Rõ ràng, dù được sự hỗ trợ từ các ngành chức năng, những hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”, bài toán duy nhất cần lời giải cho những hộ nông dân chăn nuôi bò sữa vẫn là... tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm sữa bò tươi. Có như vậy, nông dân mới yên tâm chăn nuôi, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững./.

Song Hồng (còn tiếp)

 

Chia sẻ bài viết