Tiếng Việt | English

19/11/2019 - 11:40

Cảnh giác việc lợi dụng khiếu nại, tố cáo để thực hiện âm mưu 'diễn biến hòa bình'

Bài 2: Không để các đối tượng, phần tử xấu lợi dụng khiếu nại, tố cáo kích động biểu tình

Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người có sự tiếp tay của các thế lực thù địch và một số đối tượng phản động, lưu vong nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Lợi dụng danh nghĩa “đấu tranh đòi quyền lợi” và các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực này gia tăng các hoạt động móc nối, chỉ đạo các đối tượng khiếu kiện cực đoan tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.

Âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động trong và ngoài nước là móc nối, lôi kéo, kích động, hỗ trợ tài chính, chỉ đạo, hướng dẫn người dân khiếu kiện tham gia các tổ chức trá hình với chiêu bài “dân oan” để tập hợp lực lượng có các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự (ANTT).

Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người có sự tiếp tay của các thế lực thù địch và một số đối tượng phản động, lưu vong nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Lợi dụng danh nghĩa “đấu tranh đòi quyền lợi” và các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực này gia tăng các hoạt động móc nối, chỉ đạo các đối tượng khiếu kiện cực đoan tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.

Đối tượng Nguyễn Thị Lê và đồng phạm dựng gần 200 chòi lá bao chiếm đất công là điển hình cho tình trạng một số người dân không liên quan gì nhưng lại bị lôi kéo, kích động tham gia, thậm chí cầm đầu khiếu nại, tố cáo

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực chống phá

Theo Đại tá Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, những năm qua, lãnh đạo tỉnh, các cấp rất quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Nhiều vụ tranh chấp, khiếu nại đông người được giải quyết, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Trong đó, tình trạng tranh chấp, khiếu nại tại Long An có 3 dạng phổ biến. Thứ nhất là tranh chấp giữa người dân với người dân thông qua các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương để xử lý, giải quyết. Thứ hai là tranh chấp giữa người dân với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc khiếu nại, không đồng ý với kết quả giải quyết, xử lý của các cơ quan tư pháp. Nhưng đáng báo động nhất là tình trạng một số người dân không liên quan gì đến vụ việc bị lôi kéo, kích động tham gia, thậm chí cầm đầu KNTC nhằm gây áp lực không chỉ ở địa phương mà cả ở Trung ương. Trong một số vụ việc KNTC đã được các cấp, các ngành giải quyết nhiều lần nhưng các đối tượng khiếu kiện vẫn tập trung đông người, kéo đến cơ quan Đảng, Nhà nước gây mất ANTT. Đây là các điều kiện để các thế lực thù địch, phản động khai thác để chống phá. Chúng triệt để lợi dụng hoạt động khiếu kiện, tố cáo của người dân để lôi kéo, tập hợp lực lượng, tài trợ tiền, vật chất, kích động người dân khiếu kiện có các hoạt động gây phức tạp tình hình ANTT theo ý đồ của chúng trong những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước hoặc lợi dụng bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực, trong nước phức tạp, những vấn đề nhạy cảm về chính trị, kinh tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, những vi phạm liên quan đến tôn giáo, môi trường,… để tác động, kích động, câu móc hoạt động gây mất ANTT - Đại tá Nguyễn Văn Đức cho biết.

Vụ việc bao chiếm đất công tại khu vực kênh Bà Kiểng, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức của một số đối tượng là ví dụ điển hình cho tình trạng một số người dân không liên quan gì bị lôi kéo, kích động tham gia, thậm chí cầm đầu KNTC. Theo đó, từ cuối tháng 12/2017 đến đầu tháng 4/2018, hơn 100 hộ dân từ một số địa phương khác cố tình đến khu vực này dựng hơn 180 chòi lá, tự ý phân chia đất làm ảnh hưởng đến ANTT cũng như đời sống của người dân địa phương. Đối tượng cầm đầu được xác định là Nguyễn Thị Lê, ngụ huyện Vĩnh Hưng và Nguyễn Văn Xem, ngụ huyện Thạnh Hóa. 2 đối tượng này hoàn toàn không có chút liên quan gì đến khu đất cặp kênh Bà Kiểng vốn trước nay thuộc quỹ đất công do Nhà nước quản lý. Thậm chí, 2 đối tượng này còn tự ý ghi khống tên của một số hộ dân, bịa ra một số hộ dân không có thực vào danh sách để xin cấp đất, tạo áp lực lên chính quyền từ huyện đến tỉnh. Trong vụ việc này, một số hộ dân cả tin theo lời hứa sẽ được cấp đất của 2 đối tượng còn đóng cho Lê và Xem tổng số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Vụ việc sau đó được các cơ quan chức năng giải quyết và 2 đối tượng Lê và Xem cũng bị khởi tố hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Dự kiến vụ việc này sẽ được Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử trong tháng 11.

Dựng gần 200 chòi lá chiếm đất công

Dựng gần 200 chòi lá chiếm đất công

Không để các đối tượng, phần tử xấu lợi dụng khiếu nại, tố cáo 

Theo thống kê của Công an tỉnh, tình trạng khiếu kiện đông người trên địa bàn tỉnh có 28 vụ với 623 người tham gia. Trong đó, đã ổn định được 2 vụ, tạm ổn định 21 vụ và còn 5 vụ khiếu kiện đông người, phức tạp. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có 2.430 lượt người khiếu kiện đông người tại các cơ quan Đảng, Nhà nước ở cả địa phương và Trung ương. Trong đó, khiếu kiện tại TP.Hà Nội là 133 lượt, TP.HCM là 724 lượt và tại tỉnh là 1.573 lượt.

Đại tá Nguyễn Văn Đức - Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Thành phần khiếu kiện chủ yếu là nhân dân lao động nhưng đối tượng lợi dụng khiếu kiện để kích động, lôi kéo người dân tham gia biểu tình gây mất ANTT, chủ yếu là những đối tượng cầm đầu trong các vụ tranh chấp, khiếu kiện nhiều năm. Những đối tượng này không đồng ý với cách giải quyết của các cấp, các ngành nên liên tục khiếu kiện kéo dài. Hiện có khoảng 60 người khiếu kiện nhiều năm và có 10 đối tượng khiếu kiện tỏ thái độ cực đoan, manh động, tích cực chống đối. Những đối tượng này lợi dụng danh nghĩa đấu tranh đòi quyền lợi công khai đối đầu với chính quyền, tập hợp biểu tình đòi "dân chủ", "nhân quyền" nhằm thu thập những thông tin sai sự thật, đăng bài trên các trang mạng xã hội để vu cáo chính quyền vi phạm "dân chủ", "nhân quyền", lợi dụng xuống đường tuần hành, biểu tình với các băng rôn, khẩu hiệu có nội dung xấu, chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ANTT. Âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động trong và ngoài nước là móc nối, lôi kéo, kích động, hỗ trợ tài chính, chỉ đạo, hướng dẫn người dân khiếu kiện tham gia các tổ chức trá hình với chiêu bài “dân oan” để tập hợp lực lượng có các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, làm phức tạp tình hình ANTT”. Riêng từ năm 2014 đến nay, lực lượng Công an Long An đã tiến hành bắt khởi tố, xử lý 16 đối tượng, trong đó tội “Chống người thi hành công vụ” 10 đối tượng, tội “Cố ý gây thương tích” 4 đối tượng, 2 đối tượng bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tiến hành xử phạt hành chính 3 trường hợp có hành vi gây rối trật tự công cộng liên quan đến khiếu kiện nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. Ngoài ra, các lực lượng công an còn tổ chức gọi hỏi răn đe đối với hơn 40 đối tượng thường xuyên khiếu kiện lên Trung ương, buộc cam kết không lợi dụng khiếu kiện để tuần hành, biểu tình trong các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh và các ngày lễ lớn trong năm.

Trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và số đối tượng phản động, lưu vong nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, gia tăng các hoạt động móc nối, chỉ đạo các đối tượng khiếu kiện cực đoan tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Đại tá Nguyễn Văn Đức cho rằng, các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giải quyết KNTC. Trong đó, cần có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về áp dụng luật trong việc giải quyết tranh chấp, KNTC nhằm khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong các văn bản pháp luật hiện nay. Chính quyền các cấp cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tiếp dân, đối thoại với công dân để khi giải quyết bảo đảm chính xác, khách quan, có tình, có lý và có tính thuyết phục cao. Trường hợp vụ việc đã được giải quyết thỏa đáng, đúng quy định của pháp luật, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức cần thuyết phục, vận động để công dân chấm dứt việc khiếu nại; trường hợp khiếu kiện liên quan đến đất đai đã có quyết định và bản án có hiệu lực pháp luật thì cần tổ chức cưỡng chế để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Đặc biệt, người dân cũng cần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng KNTC để kích động tuần hành, biểu tình nhằm gây mất ANTT.

(còn tiếp)

Bài 3: Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Kiên Định 
Chia sẻ bài viết