Tiếng Việt | English

19/08/2016 - 17:57

Bánh đúc không xương

Bé Trang hất chén cơm đang ăn dở dang vào người Hân, nó lườm lườm cô rồi hét lớn: “Bà đi đi, đi khỏi nhà tôi, bà là con rắn độc!”. Trung không kìm được cơn nóng, quơ vội cái cây gần đó đánh Trang 3 roi. Nước mắt con bé chảy dài rồi hậm hực bỏ về phòng.

Quá bất ngờ trước thái độ của Trung, Hân giành lấy cây roi cất đi rồi chạy vội theo con nhưng bị Trung giữ lại. Trung ra dấu Hân hãy để cho con bé một mình. Lụi cụi dọn lại căn bếp, Hân cố nén không để nước mắt rơi. Cô nhớ mẹ, nhớ cái nhìn như thương xót của bà ngày gả cô cho Trung.

Hơn 10 giờ tối, Hân rón rén mở cửa phòng, con bé ngủ lúc nào không biết, chắc nó buồn và mệt lắm nên không thay đồ, đầu tóc rũ rượi. Hân đỡ bé Trang nằm ngay ngắn, chỉnh lại nhiệt độ máy lạnh, kéo mền đắp cho con bé xong mới trở về phòng mình.

22 tuổi, Hân làm mẹ, mà là mẹ ghẻ. Hai tiếng đó nghe sao chua xót quá! Thật ra, 22 tuổi, Hân đâu lường trước được những khó khăn khi phải làm mẹ một đứa bé 3 tuổi. Lúc đó, cô nghĩ đơn giản lắm, mình thương bé, bé sẽ thương lại mình.

Hân đến với Trung không chỉ bằng tình yêu mà còn có cả sự biết ơn người đã cứu mẹ cô. Lúc đó, Trung là trưởng phòng, còn Hân là nhân viên tập sự mới vào công ty.

Cuộc sống của con gái nhà quê cố bám trụ lại thị thành mong kiếm tiền gửi về cho cha mẹ thật không dễ chút nào. Hân như vật lộn với cuộc sống, lo cho mình chưa xong, lấy đâu lo cho mẹ. Những ngày chân ướt, chân ráo vào công ty, may nhờ có Trung tận tình chỉ dạy, Hân mới quen với công việc. Chị Hiền, vợ anh cũng xem Hân như người thân trong gia đình. Mỗi cuối tuần, anh chị thường nhắn Hân qua ăn cơm cho vui. Sợ Hân ngại, chị nhờ Hân kèm cặp cho bé Trang, dạy con bé múa hát, nhờ vậy, Hân có thêm chút thu nhập.

Mẹ Hân ở quê bệnh nặng, cần số tiền lớn để phẫu thuật. Tiền ở đâu ra đây? Hân đi làm hơn nửa năm, ki cóp được chục triệu. Cha kêu bán ruộng. Mà ruộng chứ có phải bó rau đâu mà muốn bán là bán liền. Đang lúc khó khăn thì Trung ngỏ ý giúp cô. Sợ Hân ngại và nghĩ không đúng về mình, Trung nói Hiền mang tiền đến tận bệnh viện. Hiền nói, giúp gia đình lúc khốn khó, khi nào bán được ruộng thì trả lại. Nói vậy chứ khi gia đình Hân chuẩn bị bán ruộng thì Hiền lại ngăn. Hiền nói, nợ để đó từ từ trả, còn ruộng bán rồi lấy gì sinh nhai. Hân không ngờ cuộc đời này cô gặp được người tốt bụng như vợ chồng Trung.

Nhưng ông trời có chiều lòng người bao giờ. Trên đường đi làm về, Hiền gặp tai nạn giao thông. Nghe tin, Hân vội vã đến bệnh viện cũng là lúc nhìn Hiền lần cuối. Hiền siết mạnh tay cô như muốn nhắn nhủ nhiều lắm nhưng đành bất lực. Hân chỉ kịp nghe Hiều thều thào: “Hứa với chị, lo cho bé Trang, cho anh Trung giúp chị...”.

Minh họa: Thiện Mỹ

Hiền mất, Hân chuyển nhà trọ sang gần nhà Trung để tiện chăm sóc bé Trang. Cha mẹ e ngại nhưng Hân trấn an mọi người, chỉ vì cô muốn qua đó chăm sóc bé Trang. Tội nghiệp con bé, mới 3 tuổi đầu phải chịu cảnh mồ côi.

Làm mẹ ở tuổi 22, lại là mẹ ghẻ thật không dễ. Mấy ngày đầu, con bé khóc suốt, đêm nào nó cũng giật mình khóc thét đòi mẹ. Rồi nó trở nên lầm lì, ít nói. Ai bảo con nít không biết gì, Trang dường như biết hết, chỉ là không muốn nói mà thôi. Chiều rước con bé về, lời cô giáo cứ văng vẳng bên tai: “Chị nên đưa bé Trang đi khám, em thấy con bé có dấu hiệu tự kỷ, nó không muốn chơi với bạn bè và hay nổi giận vô cớ”. Suy nghĩ cả đêm, cô nói với Trung cô sẽ nghỉ làm, không thể để con bé thế này được. Nó đã chịu bất hạnh quá lớn rồi. Trung lại không muốn phá hỏng cả tương lai của Hân. Xin được vào công ty đâu phải dễ, công việc của Hân lại đang ổn định. Nhưng Hân đã quyết, không chỉ vì lời hứa với Hiền mà ở đó còn có cả tình thương vô bờ bến của cô dành cho bé Trang.

Từ ngày nghỉ làm, Hân dành hết thời gian cho con bé. Sáng sáng, cô chở con đến trường dành cho trẻ tự kỷ. Bé Trang học, cô cũng học, cô tìm tòi cách dạy dỗ, tiếp cận với những trường hợp như Trang. Tối tối, cô lại đưa con bé đi nhà sách, đến khu vui chơi. Cô tập cho Trang nuôi chó để con bé cảm nhận được tình yêu thương động vật, rồi cô tìm hiểu từng sở thích của con để cùng con nấu ăn, chơi đùa. Ngày con bé chuẩn bị vào lớp 1, cô mới nhận lời cầu hôn của Trung. Hơn 3 năm nay, chắc con bé cũng cảm nhận được tình thương của cô dành cho nó thế nào. Ngày đưa con gái về nhà chồng, mẹ Hân khóc suốt, mẹ nói: "Sao vượt qua định kiến "mấy đời bánh đúc có xương" được hả con?”.

Không biết bé Trang nghe ai mà cả tháng nay, nó thay đổi thái độ với Hân. Nó không thèm ăn cơm do Hân nấu, không thèm nói chuyện với ba nó. Trung khuyên bảo thì nó xẵng giọng: “Bà ấy có phải mẹ con đâu, bà ấy vào nhà mình vì muốn giành lấy ba của con thôi”. Hân nghe hết, cô cố nhẫn nhịn và tìm cách gần gũi con nhưng tình hình dường như căng thẳng hơn, mãi đến khi nghe cô giáo nói Trang thường kể với cô giáo: “Nếu lỡ mai mốt ba Trung với mẹ Hân sinh thêm em bé, chắc ba mẹ không còn thương con nữa, mẹ cũng chỉ là mẹ ghẻ mà thôi”, Hân mới vỡ lẽ.

Trước ngõ nhà Trung có cái tiệm sửa xe nhỏ xíu, chiều nào, anh cũng thấy thằng bé mang càmen cơm ra cho cha nó. Hôm nay, xe bể bánh, anh mới có dịp trò chuyện cùng cha con người sửa xe. Thằng bé cỡ tuổi bé Trang, nước da đen nhẻm, lăng xăng phụ cha hết cái này đến cái khác. Thấy cha mệt, nó chạy múc ca nước đá lạnh cho cha. Cha nó kể, anh không phải cha ruột. Mẹ thằng bé bệnh hiểm nghèo qua đời, hàng xóm định đưa nó vào trại trẻ mồ côi nhưng anh thấy tội nên nhận nuôi. “Dù gì tôi cũng sống một mình, giờ có thêm thằng nhỏ cho vui cửa, vui nhà. Mình thương nó thì nó thương lại mình thôi!”. Trung chợt nghĩ ra điều gì đó rồi thì thầm với người sửa xe, anh cười rạng rỡ: “Được, để đó tôi giúp cho!”.

Liên tiếp cả tuần sau đó, ngày nào Trung cũng dắt bé Trang đi bộ trong xóm, khi ngang qua tiệm sửa xe, Trung cố tình đi thật chậm để Trang nhìn thấy cảnh thằng bé đem cơm cho cha nó rồi chăm chú nhìn cha ăn hết phần cơm mới thôi. Chiều nay, cô bán hoa đầu xóm tặng nó cành hoa hồng đỏ. Nó hí hửng cài trên ngực áo rồi khoe với Trang:

- Cô Tư nói, ai diễm phúc còn cha, còn mẹ trên đời mới được cài hoa hồng đỏ nhân ngày Vu Lan.

- Nhưng mẹ tôi mất rồi...

- Mẹ tôi cũng mất nhưng tôi được cha nhận về nuôi. Cha thương tôi như con ruột. Như vậy là hạnh phúc quá rồi. Ở trên thiên đường, mẹ thấy tôi cài hoa hồng đỏ chắc mẹ vui lắm!

Trang nghe khóe mắt cay cay. Thằng bé nắm lấy tay Trang chạy ù ra chỗ cô Tư:

- Cô Tư ơi, cho nhỏ này bông hồng đỏ nữa đi cô. Mẹ nó cũng mất rồi nhưng mẹ ghẻ thương nó lắm cô. Vậy là nó cũng được cài bông hồng đỏ phải không cô?

Cô Tư cười hiền, lấy một bông hồng đỏ cài lên áo Trang. Con bé hớn hở quay về nhà, ôm chầm lấy Hân “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ!”.

Thanh Trúc

Chia sẻ bài viết