Lễ hội Làm Chay được người dân địa phương tổ chức hàng năm nhằm cúng tế các nghĩa sĩ hy sinh, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, người dân làm ăn thuận lợi. Lễ hội được tổ chức tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, thu hút rất đông du khách. Do có lượng người tham gia đông đúc nên công tác giữ gìn ANTT, phòng, chống tội phạm luôn được chính quyền, lực lượng chức năng và Ban Tổ chức lễ hội đặc biệt quan tâm, đặt ra những giải pháp thực hiện tốt công tác bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; phòng, chống cháy, nổ và trộm cắp, cướp giật.
Lực lượng công an, dân phòng, quân sự, tổ bảo vệ dân phố, tình nguyện viên,... luôn túc trực, sẵn sàng bảo vệ khu hành lễ, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông ở các điểm, chốt, tuyến đường trong suốt thời gian diễn ra lễ hội
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Hà Minh Tuấn chia sẻ, để bảo đảm an toàn cho người dân địa phương cũng như khách thập phương đến dự, huyện chỉ đạo lực lượng công an, quân sự, Ban Tổ chức lễ hội xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm ANTT và đề nghị lực lượng Công an tỉnh hỗ trợ để lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, vui vẻ, văn minh. Đặc biệt, huyện cũng chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm, tổ chức hậu cần, phục vụ ăn uống cho khách đến dự.
Từ chiều ngày 05/02, nhằm ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão, tại các cổng vào lễ hội, khu vực hành lễ, xe hoa,... đều có lực lượng dân phố, dân quân trực, canh gác. Tổ phó Tổ bảo vệ dân phố khu phố 1, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Phúc cho biết, người dân địa phương ai có của góp của, ai có công góp công, ai có sức góp sức để tổ chức lễ hội. Đã trở thành truyền thống, hàng năm, các thanh niên đăng ký tình nguyện tham gia bảo vệ an ninh lễ. Không chỉ vậy, lực lượng công an, dân phòng, quân sự tăng cường lực lượng, luôn túc trực, bảo vệ khu hành lễ; giữ gìn ANTT, an toàn giao thông ở các điểm, chốt, tuyến đường trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Ngoài ra, đình Tân Xuân còn thành lập đội trật tự sân lễ. Đây là lực lượng phối hợp tăng cường gồm 20 người tình nguyện để bảo vệ đoàn xe hoa, Chiêu u đường bộ, Chiêu u đường sông. Ngày diễn ra lễ Chiêu u, các thành viên trong đội chia nhau theo các xe để kiềm chế các phần tử quá khích, bảo đảm Chiêu u diễn ra an toàn, trật tự. Theo phong tục, đoàn xe đi “đánh động” qua một số tuyến đường, ghé lại các “động” định sẵn để “đánh động”, “bắt” ma quỷ nên trong quá trình di chuyển, nhiều người dân đi theo đoàn, hò hét, đánh trống,... Để bảo đảm ANTT, an toàn giao thông, các phương tiện theo đoàn Chiêu u đều phải đăng ký trước với đội, có thành viên theo sát trong quá trình diễu hành.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Đào (xã Bình Quới, huyện Châu Thành) cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng đi Lễ hội Làm Chay. Nhìn chung, lễ hội diễn ra khá an toàn, chu đáo. Công an tuyên truyền, khuyến cáo không nên đeo vàng bạc, trang sức có giá trị nên khi tham gia lễ hội, tôi và gia đình nghiêm túc chấp hành. Tự bảo vệ chính mình là trên hết!”.
Tham gia lễ hội, xin lộc là tín ngưỡng tâm linh của nhiều người. Trong Lễ hội Làm Chay, xô giàn đốt ông Tiêu (Tiêu diện Đại sĩ), phát bánh, kẹo, vật phẩm cúng tế cho người tham gia được xem là nghi thức quan trọng nhất. Trước nay, Lễ tất Đăng đàn chẩn tế, xô giàn đốt ông Tiêu xong mới phát lộc thì người dân tập trung rất đông, dễ xảy ra chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp nhau. Do đó, để không mất đi ý nghĩa phát lộc, năm nay, Ban Tổ chức lễ hội thống nhất với Ban Quản lý sẽ phân tán, phát lộc trước giờ đốt ông Tiêu, để người dân được nhận lộc an toàn, ý nghĩa.
Với sự chuẩn bị chu đáo, tin rằng, người dân Tầm Vu nói riêng và khách thập phương nói chung có mùa lễ hội vui tươi, ý nghĩa, an toàn để khởi đầu một năm hanh thông, thuận lợi./.
Hà Lan