Tiếng Việt | English

29/04/2021 - 13:10

Bảo vệ vườn cây ăn quả trong mùa khô

Thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu, bệnh gây hại trên cây ăn trái phát triển. Nhằm bảo đảm sản xuất đạt hiệu quả, hiện nay, ngành chức năng cùng nhà vườn triển khai nhiều biện pháp chăm sóc vườn cây và phòng, chống các đối tượng dịch hại.

Thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu, bệnh gây hại trên cây ăn trái phát triển. Nhằm bảo đảm sản xuất đạt hiệu quả, hiện nay, ngành chức năng cùng nhà vườn triển khai nhiều biện pháp chăm sóc vườn cây và phòng, chống các đối tượng dịch hại.

Nông dân chủ động thực hiện các giải pháp phòng trừ sâu, bệnh để bảo vệ cây ăn quả

Chủ động phòng, trừ sâu bệnh

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, toàn tỉnh có hơn 25.000ha cây ăn trái. Thời điểm hiện tại, trên cây ăn trái xuất hiện một số loại sâu, bệnh: Sâu đục cành, bệnh thán thư, cháy lá,... gây hại ở mức độ nhẹ, chủ yếu xảy ra ở một số địa phương có diện tích cây ăn quả lớn như Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa và Thạnh Hóa.

Huyện Châu Thành có hơn 11.800ha thanh long. Theo khảo sát của ngành Nông nghiệp huyện, trong mùa nắng nóng, cây thanh long dễ bị bệnh thối cành, thán thư, đốm trắng, đốm nâu, rệp sáp,... Để hạn chế dịch bệnh, nông dân cần chăm sóc, bón cân đối phân NPK, không nên bón thừa đạm; sử dụng các loại phân có hàm lượng lân, canxi, magie cao để bón định kỳ. Đồng thời, những cành thanh long bị bệnh nặng cần được tỉa bỏ, tiêu hủy và phun thuốc trừ bệnh để ngăn ngừa sự lây lan.

Do thời tiết nắng nóng nên thanh long xuất hiện bệnh vàng cành, ông Lê Văn Đạm, ngụ xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, đã sử dụng nhiều loại thuốc sinh học để phun cho cây, tăng cường bón các loại phân bón có chứa kali cao; đồng thời bón bổ sung trung vi lượng để tăng tính chống chịu bệnh cho thanh long.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, để bảo đảm đủ lượng nước tưới cho các diện tích sản xuất nông nghiệp, huyện chủ động đầu tư nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn cho biết: “Để bảo vệ các diện tích thanh long trong mùa nắng nóng, nhất là thời điểm chuẩn bị vào mùa thu hoạch rộ, nông dân cần theo dõi thông tin diễn biến của thời tiết, tình hình độ mặn trên các tuyến sông; thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe của thanh long, phủ thảm cỏ cho gốc cây, tưới nước đủ ẩm và tăng cường phòng, ngừa các loại sâu, bệnh bằng các loại phân bón hữu cơ,...”.

Thạnh Hóa cũng là địa phương trọng điểm của tỉnh về canh tác cây ăn trái với diện tích hơn 1.500ha, chủ yếu trồng chanh, mít Thái, sầu riêng,... Anh Đoàn Văn Tiến, ngụ ấp 3, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Tôi đang canh tác khoảng 11ha mít Thái. Vào mùa khô hạn, ngoài khó khăn về nguồn nước tưới thì những loại sâu, bệnh gây thối, nứt trái cũng xảy ra. Tôi áp dụng các biện pháp sinh học để tăng cường thiên địch, hạn chế sâu, bệnh gây hại nhằm tránh ảnh hưởng đến năng suất, giảm hiệu quả kinh tế”.

Để sản xuất hiệu quả

Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường thông tin, để chủ động ứng phó với mùa khô 2020-2021, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các địa phương tuyên truyền nông dân trồng cây ăn quả theo kế hoạch, theo vùng quy hoạch; xây dựng và gia cố hệ thống đê bao xung quanh vườn để ngăn nước mặn xâm nhập; chủ động dự trữ nước ngọt trong mương, ao để tưới cho cây trong thời gian nước ngoài kênh có độ mặn cao. Thời tiết nắng nóng, hạn, mặn kéo dài, nguồn nước dự trữ thiếu hụt, sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc, giữ ẩm cho đất. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa, không để trái nhằm hạn chế tối đa thoát hơi nước. Tăng cường bón phân hữu cơ, lân, canxi, hạn chế việc sử dụng phân hóa học, có thể kết hợp bón phân bón lá có chứa kali, canxi, silic, các chế phẩm có chứa axit amin giúp tăng sức đề kháng cho cây.

Về lâu dài, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ xây dựng các phương án và giải pháp bảo vệ cho từng vùng sản xuất cây ăn quả với các mức độ ảnh hưởng của hạn, mặn khác nhau; tiến hành đánh giá tính thích nghi và phát huy hiệu quả tốt nhất của một số cây trồng phù hợp với từng loại đất sản xuất ở các vùng sinh thái và biện pháp phát triển các loại cây ăn trái phù hợp, thích ứng lâu dài.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích