Canh bạc của Tổng thống Macron
Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố một kế hoạch lớn nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng nghiêm trọng tại Mỹ, trong đó ban hành một loạt quy định tiêm chủng mới. Một câu hỏi đã được đặt ra là liệu việc tiêm vaccine bắt buộc có mang lại hiệu quả hay không? Ở bên kia Đại Tây Dương, Pháp đang chứng minh biện pháp này bắt đầu mang lại lợi ích.
Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Martinsburg, bang Tây Virginia, Mỹ hôm 11/3. Ảnh: Reuters.
Dù Pháp khởi động chiến dịch tiêm chủng khá chậm chạp vào đầu năm 2021, một phần do những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, mà đỉnh điểm là cuộc chiến pháp lý giữa EU với AstraZeneca do tình trạng chậm trễ giao hàng và lo ngại biến chứng đông máu sau khi tiêm vaccine, nhưng nước này đã tăng tốc chương trình vào mùa Xuân. Đến tháng 5/2021, Pháp đã đạt được mục tiêu tiêm chủng một phần cho 20 triệu người – chiếm 30% dân số.
Nhưng đến tháng 7, khi tốc độ tiêm chủng chững lại và số ca mắc Covid-19 gia tăng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ban hành yêu cầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 bắt buộc trên diện rộng để đảm bảo có thể nối lại phần lớn các hoạt động thường nhật. Theo đó, kể từ ngày 1/8, bất cứ ai không có “thẻ thông hành y tế” để chứng minh đã được tiêm phòng hoặc có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong thời gian gần nhất, sẽ không thể vào các nhà hàng, quán bar hoặc di chuyển đường dài bằng tàu hỏa. Khoảng 2,7 triệu nhân viên chăm sóc sức khỏe - chưa được tiêm phòng tính đến ngày 1/9, sẽ đối mặt với nguy cơ bị sa thải hoặc bị đình chỉ công việc. Quyết định của Tổng thống Macron được coi là canh bạc có tính toán tại một quốc gia nơi nhiều người dân đề cao chủ nghĩa cá nhân và có tâm lý do dự tiêm vaccine.
Mặc dù trong lịch sử Pháp được coi là cái nôi của ngành khoa học và công nghệ điều chế vaccine, đồng thời là quê hương của 2 “gã khổng lồ” dược phẩm Sanofi và Viện Pasteur, nhưng người Pháp từ lâu vẫn giữ tâm lý hoài nghi với vaccine. Một cuộc khảo sát của Wellcome Global Monitor được công bố vào năm 2019 cho thấy, cứ 3 người Pháp thì có 1 người cho rằng vaccine không an toàn. Tỷ lệ này cao hơn bất cứ quốc gia nào trong số 144 nước được khảo sát.
Khi Pháp áp đặt đợt phong tỏa lần thứ 2 để kiểm soát dịch Covid-19 vào tháng 12/2020, các cuộc thăm dò do Ipsos có trụ sở tại Paris và Viện Công luận Pháp tiến hành cho thấy, khoảng 60% số người được hỏi cho biết họ sẽ không tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Ông Bruno Cautres, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị tại Sciences Po ở Paris nhận xét: “Rõ ràng, Tổng thống Emmanuel Macron đã mạo hiểm. Ông ấy đã mạo hiểm khi nói rằng ông sẽ khiến cuộc sống của những người không tiêm phòng trở nên khó khăn. Đây là tuyên bố chứa đựng rất nhiều rủi ro đối với một nhà lãnh đạo”.
Khi đề xuất của Tổng thống Macron đến tay các nhà lập pháp Pháp, hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình để phản đối quy định “thẻ thông hành y tế”. Nhưng sau tất cả những ồn ào, phần lớn người Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ quy định này.
Mỹ đang học tập mô hình của Pháp?
Bất chấp sự phản đối ban đầu, canh bạc của Tổng thống Macron đã gặt hái được những thành quả tích cực. Ngay sau bài phát biểu của ông vào ngàu 12/7, đã có sự gia tăng đột biến số lượt đăng ký tiêm chủng ở Pháp. Doctolib - ứng dụng chính để đăng ký tiêm phòng tại Pháp đã nhận được 1 triệu cuộc hẹn trong 24 giờ.
Nhờ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm và ban hành quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Delta, Pháp phần lớn đã tránh được làn sóng thứ 4 quét qua châu Âu.
Một tháng sau khi quy định “thẻ thông hành y tế” được ban hành, dữ liệu từ các cơ quan y tế Pháp cho biết đã, số người phải nhập viện điều trị do Covid-19 và nằm giường ICU giảm đáng kể so với mức cao nhất trong mùa Hè.
Vittoria Colliza - nhà dịch tễ tại trung tâm nghiên cứu Inserm của Pháp cho biết: “Chỉ vài phút sau thông báo của Tổng thống Macron, số người đặt hẹn tiêm chủng đa gia tăng mức kỷ lục và hiện giờ con số này vẫn gia tăng. Tôi nghĩ biện pháp nói trên thực sự hiệu quả. Thẻ thông hành y tế ngoài việc thúc đẩy người dân tiêm vaccine cũng có tác dụng khác là hạn chế các rủi ro khi chúng ta tiếp xúc với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, số ca mắc có thể giảm”.
Hiện giờ, Pháp là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với 73% người dân được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, theo dữ liệu của Our World in Data.
Tại Mỹ, chiến dịch tiêm chủng đang bị chững lại. Theo một cuộc thăm dò của Axios-Ipsos, chỉ có khoảng 62% dân số Mỹ được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Giờ đây, Mỹ đang tìm cách học tập một số thành công của Pháp.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu tất cả các chủ lao động đang sử dụng hơn 100 nhân công phải tiêm vaccine hoặc xét nghiệm hàng tuần cho người lao động. Quy định này có thể ảnh hưởng đến 80 triệu người Mỹ. Khoảng 17 triệu nhân viên y tế tại các cơ sở nhận tài trợ của chương trình Medicare hoặc Medicaid của Chính phủ Mỹ cũng sẽ bị yêu cầu tiêm chủng. Các trường hợp miễn trừ là vì lý do tôn giáo hoặc dành cho người khuyết tật.
“Chúng tôi đã kiên nhẫn, nhưng sự kiên nhẫn có giới hạn và việc từ chối tiêm phòng của các bạn đã khiến tất cả chúng ta phải trả giá”, Tổng thống Biden cho biết.
Kế hoạch nói trên cho thấy sự thay đổi đáng kể trong chiến lược chống dịch bệnh của chính quyền Biden vốn luôn cố gắng né tránh các yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine trong thời gian qua. Tại Mỹ, quy định bắt buộc đeo khẩu trang và tiêm vaccine do chính quyền địa phương quyết định. Tuy nhiên, khi nỗ lực tiêm chủng bị đình trệ trong những tháng gần đây, chính phủ Mỹ bắt đầu áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn.
Những người phản đối cho rằng, quyết định của chính quyền Biden sẽ chỉ làm gia tăng mức độ do dự ở những người không muốn tiêm vaccine. Cùng chung quan điểm này, Heidi Larson, người sáng lập Dự án Niềm tin về Vaccine lưu ý, sự ép buộc của chính phủ rất khó trở thành “viên đạn bạc” để thay đổi suy nghĩ của những người chưa được tiêm vaccine.
“Chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu với rất nhiều người tại Anh, đặt ra nhũng câu hỏi về hộ chiếu vaccine. Những người ủng hộ vaccine và chấp nhận chúng thì không vấn đề gì, còn với những người không muốn tiêm vaccine, thì quy định đó khiến họ trở nên do dự hơn và nhiều khả năng sẽ từ chối nếu họ cảm thấy bị buộc phải làm điều đó”. Một số quốc gia, trong đó có Anh nói rằng họ sẽ không áp dụng mô hình hộ chiếu vaccine.
Theo các chuyên gia, đối với những người còn lo ngại về các loại vaccine mới được phát triển, việc khuyến khích họ dần chấp nhận là điều cần thiết.
Trước khi ban hành quy định “thẻ thông hành y tế”, chính phủ Pháp đã cố gắng áp dụng các biện pháp khuyến khích và đưa ra những lời kêu gọi bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nỗ lực này vẫn được tiếp tục thực hiện khi quy định đó có hiệu lực. Vào tháng 8/2021, Điện Elysee bắt đầu tiến hành chiến dịch thu hút giới trẻ Pháp tiêm phòng thông qua mạng xã hội. Tổng thống Macron đã đăng tải các video trên TikTok và Instagram từ nơi nghỉ dưỡng của ông, kêu gọi người dân Pháp đi tiêm phòng.
"Hãy tự tiêm phòng nếu bạn yêu thương người thân, bạn bè, anh chị em và cha mẹ của mình. Bởi vì khi tiêm phòng, bạn cũng đang bảo vệ họ", ông Macron nói trên Instagram./.
VOV.VN(Theo CNN)