Tiếng Việt | English

02/11/2023 - 09:44

Bắt tay tìm đường cho chanh 'xuất ngoại'

Tham gia mô hình, nông dân sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cũng như những khó khăn trong trồng trọt để đưa trái chanh xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Mô hình này gọi là Cà phê nông dân trồng chanh, sinh hoạt 3 tháng/lần tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến tại Cà phê nông dân trồng chanh lần 2

Nơi tập hợp những người tâm huyết, trách nhiệm

Huyện Bến Lức là một trong những địa phương có diện tích trồng chanh lớn nhất tỉnh với trên 7.000ha, chủ yếu là chanh không hạt, tập trung ở các xã: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Hòa, Lương Bình. Đặc biệt, nơi đây có trên 30 điểm thu mua chanh, trên 5 công ty (Cty) xuất khẩu chanh sang thị trường Trung Đông với 60.000-70.000 tấn/năm, châu Âu khoảng 15.000 tấn/năm, tiêu thụ nội địa khoảng 20.000 tấn/năm.

Có lẽ vì thế mà huyện Bến Lức có nhiều người tâm huyết, trách nhiệm với cây chanh như Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức - Trần Duy Thuận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt - Nguyễn Văn Hiển, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam,...

Nhằm tập hợp những Cty, doanh nghiệp, nông dân trồng chanh để tìm giải pháp cho cây chanh phát triển bền vững, ông Lê Văn Nam bàn với ông Nguyễn Văn Hiển và ông Trần Duy Thuận tổ chức mô hình Cà phê nông dân trồng chanh. Song, tất cả thống nhất chỉ chọn những HTX, nông dân, doanh nghiệp thật sự tâm huyết, trách nhiệm, nhất là “chơi đẹp” với nhau, không bán phá giá chanh khi thành viên trong nhóm chia sẻ đơn hàng.

Ông Nguyễn Văn Hiển cho biết: “Thời gian qua, Cty nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu chanh sang các thị trường với số lượng lớn. Vì thế, Cty muốn chia sẻ lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu chanh hoặc nông dân có diện tích trồng chanh lớn. Song, để tạo được thương hiệu và nâng tầm trái chanh thì các Cty, doanh nghiệp khi được chia sẻ đơn hàng không được bán phá giá. Đây chính là nguyên nhân chúng tôi chỉ chọn những người thật sự tâm huyết, trách nhiệm với cây chanh. Thà ít người nhưng chắc!”.

Sân chơi lành mạnh, bổ ích

Buổi đầu tiên, Cà phê nông dân trồng chanh được tổ chức tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức với sự tham gia của trên 10 người ở huyện Thạnh Hóa, Bến Lức và Đức Huệ. Đây là những địa phương có diện tích trồng chanh lớn nhất tỉnh. Tại đây, các thành viên thẳng thắn đưa ra quy tắc hoạt động chung; giải pháp phòng, chống hạn, mặn trong thời gian tới; khó khăn, vướng mắc trong thu mua, xuất khẩu và chế biến chanh sau thu hoạch;...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam chia sẻ: “Kết thúc buổi cà phê, những người tham gia cảm thấy phấn khởi vì được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của người trồng chanh, thu mua, xuất khẩu chanh. Sau đó, nhiều người nhắn tin với mong muốn lần sau tổ chức Cà phê nông dân trồng chanh thì được tham gia chung. Đây là tín hiệu mừng cho thấy nhiều người cũng quan tâm đến vấn đề “sống còn” của cây chanh”.

Ngày 14/10/2023, Cà phê nông dân trồng chanh được tổ chức lần 2 tại Khu du lịch Chavi Garden (ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức). Tham gia buổi cà phê này có trên 50 người là đại diện lãnh đạo các địa phương của huyện Bến Lức, những nông dân “gạo cội”, doanh nghiệp tâm huyết với cây chanh, nhất là sự góp mặt của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại đây, những vấn đề liên quan đến kỹ thuật trồng, xuất khẩu chanh được “mổ xẻ” trên tinh thần thẳng thắn, tâm huyết,...

Anh Nguyễn Hải Âu (đại diện Nông trang Hải Âu, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) bày tỏ: “Nông dân trồng chanh cần sản xuất theo nhu cầu của thị trường Trung Đông, Đông Nam Á. Cụ thể, nông dân thu hoạch trái khi trời nắng, tránh trời mưa, thời gian thu hoạch tốt nhất từ 9 giờ sáng trở đi. Đặc biệt, nông dân thu hoạch trái phải đạt trọng lượng từ 10-18 trái/kg để tránh tình trạng rớt xuống hàng dạt. Hiện nay, thị trường vẫn quan tâm đến nông sản sạch, chất lượng; nhiều nơi cần các loại giấy tờ chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng cũng có nơi không cần bất cứ giấy tờ nào, mà chỉ kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái chanh. Do đó, nông dân cần thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang kinh tế nông nghiệp”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh khẳng định: “Cà phê nông dân trồng chanh là nơi lắng nghe những khó khăn của nông dân, doanh nghiệp trong việc trồng, xuất khẩu chanh. Ở đây, nông dân bỏ qua những lợi ích riêng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong xuất khẩu chanh sang các thị trường khó tính. Qua đó, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ nỗ lực tìm các giải pháp, góp phần cùng nông dân, doanh nghiệp đưa trái chanh phát triển bền vững”.

Chanh là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, những năm qua, nông dân, doanh nghiệp “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự liên kết, tin tưởng lẫn nhau. Việc huyện Bến Lức tổ chức Cà phê nông dân trồng chanh góp phần kết nối 4 nhà gồm: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung. Tin rằng với sự nỗ lực này, trái chanh Long An sẽ tìm được đầu ra ổn định, khẳng định thương hiệu trên các thị trường khó tính./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết