Nhân ngày Ngày thế giới phòng chống bệnh lao (24/3), các chuyên gia y tế cảnh báo người mắc bệnh lao phổi thuộc nhóm nguy cơ trở nặng, thậm chí dễ tử vong nếu mắc Covid-19.
Mặc dù đã giảm được một nửa số ca mắc và số người tử vong do bệnh lao so với năm 2000, nhưng Việt Nam vẫn xếp thứ 16 trong số 30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới và xếp thứ 13 về ca bệnh lao kháng đa thuốc. Mỗi năm, Việt Nam vẫn có khoảng 13.000 người chết vì bệnh lao, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông.
(Ảnh minh họa)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, bệnh nhân nếu cùng mắc lao phổi và Covid-19 sẽ rất nguy hiểm: “Theo số liệu thống kê tại Italy - nơi có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, ngoài người già ra, có 50% số trường hợp có 3 bệnh nền, 1/4 số trường hợp có 2 bệnh nền, 1/4 có 1 bệnh nền. Số ca tử vong không có bệnh nền chỉ dưới 1%. Bệnh nền có nhiều loại như đái tháo đường, cao huyết áp… nhưng chỉ với 1 bệnh phổi nền thì đã rất nguy hiểm. Ví dụ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, lao phổi. Nếu đang bị lao mà mắc Covid-19 thì rất nguy hiểm”.
Bệnh viện đã khuyến cáo bệnh nhân thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng và hạn chế tối đa đến nơi đông người trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đang căng thẳng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung cho biết thêm: “Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh nhân Lao chiếm khoảng 30%, còn lại là những bệnh nhân mắc bệnh phổi khác. Ngay từ đầu vụ dịch, chúng tôi đã coi trọng phòng chống Covid-19 tại bệnh viện, cảnh giác cao độ, tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế và chúng tôi phát triển những hướng dẫn cụ thể, xây dựng những quy trình chia sẻ cho toàn bộ hệ thống mạng lưới bệnh viện chuyên khoa lao, bệnh phổi”.
Năm qua, ước tính cả nước có hơn 120.000 trường hợp mắc mới. Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 trường hợp, còn lại gần 30.000 bệnh nhân lao chưa được phát hiện trong cộng đồng./.
Văn Hải/VOV.VN