Các y bác sĩ điều trị bệnh nhân ung thư tại khoa chăm sóc giảm nhẹ Trung tâm ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: Nhật Linh
Đó là một trong những nội dung thảo luận ở chuyên đề “Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư” tại hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên 2016 diễn ra ở Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 26-8, do Bệnh viện Trung ương Huế cùng với Hội Ung thư Việt Nam, Mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ châu Á - Thái Bình Dương (APHN) và nhiều bệnh viện, trường đại học quốc tế phối hợp tổ chức.
Lo sợ khiến bệnh nhẹ thành nặng
Theo các chuyên gia, việc cải thiện tâm lý, tinh thần cho người bệnh ung thư bằng các hoạt động chăm sóc giảm nhẹ là điều vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị. Tiến sĩ Ednin Hamzah, người sáng lập Tổ chức Hospis Malaysia - một tổ chức từ thiện về chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư ở Malaysia, cho biết rất nhiều bệnh nhân bị chứng trầm cảm, tinh thần suy sụp sau khi biết mình mắc bệnh ung thư.
Kéo theo đó là hàng loạt các biểu hiện như chán ăn, buồn bực dẫn đến suy nhược cơ thể. Người bệnh không còn sức khỏe để chịu được thuốc kháng sinh hay xạ trị, dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng.
Ngoài ra, một vài triệu chứng của bệnh như nôn ói, tiêu chảy do ung thư dạ dày; khó thở do ung thư phổi… cộng với tâm lý lo lắng, sợ xã hội dị nghị khiến việc điều trị bệnh rất khó khăn.
Tất cả các trường hợp trên đều được điều trị bước đầu bằng hoạt động chăm sóc giảm nhẹ để cải thiện tinh thần, giảm bớt cơn đau do bệnh gây nên.
Nói về điều này, bác sĩ Võ Thế Thọ, trưởng khoa chăm sóc giảm nhẹ thuộc Trung tâm ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế, đưa ra trường hợp của một bệnh nhân sau khi được chẩn đoán là ung thư dạ dày đã vô cùng hoang mang, chán ăn khiến trọng lượng liên tục giảm.
Dù bệnh được phát hiện mới giai đoạn đầu nhưng các bác sĩ không thể tiến hành điều trị vì bệnh nhân quá yếu. Ngay lập tức bệnh nhân này được chuyển vào khoa chăm sóc giảm nhẹ để điều trị bằng thuốc kết hợp với việc cải thiện tâm lý. Sau một thời gian ngắn, bệnh nhân đã ổn định tinh thần, tăng cân trở lại và có thể bước vào giai đoạn xạ trị.
Quan trọng nhất là “liệu pháp người thân”
Bác sĩ Thọ còn cho biết thêm có nhiều cách để cải thiện tâm lý bệnh nhân như cho họ nói chuyện với những người bị mắc bệnh tương tự nhưng hiện vẫn khỏe mạnh, tổ chức các hoạt động văn nghệ… nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố người thân.
Đồng ý với ý kiến này, các chuyên gia tại hội thảo cho rằng người nhà bệnh nhân phải như là một bác sĩ tâm lý, bởi việc thường xuyên ở bên động viên, chăm sóc bệnh nhân sẽ giúp người bệnh ổn định tinh thần, có niềm tin trong việc chữa bệnh.
Theo bác sĩ Amy Chow đến từ Mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ châu Á - Thái Bình Dương, người chăm sóc bệnh nhân ung thư cần phải nắm rõ quá trình phát bệnh, biểu hiện cũng như tình trạng bệnh lý trước đó của bệnh nhân để cung cấp cho bác sĩ những thông tin chính xác nhất về bệnh.
Người nhà bệnh nhân cần nghe theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, nhất là trong việc cho bệnh nhân ăn uống bởi không thể cho bệnh nhân ăn uống theo sở thích được, nhất là những người bị ung thư giai đoạn cuối. Đặc biệt, hội nghị đã nêu rõ người nhà bệnh nhân cũng là một đối tượng cần được quan tâm đến các hoạt động chăm sóc giảm nhẹ.
Tiến sĩ Hyun Sook Kim (Đại học Quốc gia Hàn Quốc) cho rằng ở Việt Nam vẫn chưa có các tổ chức quan tâm đến những gia đình có người thân là bệnh nhân ung thư qua đời. Những gia đình này cũng là những người bị tổn thất về mặt tinh thần nên cần được chăm sóc giảm nhẹ, giúp họ vượt qua nỗi đau vẫn còn kéo dài./.
Nhật Linh/tuoitre.vn