Đoạn văn cậu bé viết từ Hà Nội gửi cho người bố Thượng tá Phạm Thành Trung - Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (tỉnh Long An)
Đang trong những ngày cùng đồng đội bám biên cương phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Quốc gia thì Thượng tá Phạm Thành Trung - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp nhận được thư của con trai 8 tuổi gửi từ Hà Nội vào.
Mở ra xem, đó là một bài văn ngắn của con trai viết về anh. Bài văn ngắn gọn, mộc mạc của cậu con trai gửi bố - người chiến sĩ biên phòng, được đồng đội chia sẻ lên mạng xã hội nhận được nhiều sự động viên, chia sẻ.
Trong bài văn, cậu bé viết: Xã hội chúng ta có rất nhiều nghề có ích cho đất nước. Và người em muốn nói chính là bố em. Bố em tên là Phạm Thành Trung. Bố em làm "nghề bộ đội".
Bố em đang công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp. Hằng ngày bố em chỉ huy cán bộ, chiến sĩ bảo vệ chủ quyền an ninh Quốc gia, chống buôn lậu, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép.
Mỗi lần thấy bố trên ti vi em rất tự hào về bố em. Vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành nên lâu rồi bố em không về với em. Em rất thương bố. Em mong cho dịch Covid-19 sớm bị dập tắt để bố được về với em. Em rất yêu bố.
Theo Thượng tá Phạm Thành Trung - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, đoạn văn trên do con trai Phạm Minh Quang năm nay lên lớp 3 gửi từ Hà Nội vào.
Đọc đoạn văn ngắn của con trai, anh rất xúc động. Dù con còn nhỏ nhưng đã hiểu vì công việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Quốc gia và ngăn chặn nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch nên bố lâu nay không về quê được.
"Đọc đến đoạn "Em rất thương bố. Em mong cho dịch Covid-19 sớm bị dập tắt để bố được về với em", với tôi, đây cũng là lời động viên để tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" - Thượng tá Phạm Thành Trung chia sẻ.
Được biết, Thượng tá Phạm Thành Trung vào công tác tại Long An đã hơn 20 năm, trong khi đó, vợ con vẫn ở Hà Nội. Anh có 2 người con trai, con lớn học lớp 7 và con nhỏ là cậu bé Phạm Minh Quang năm nay lên lớp 3 - viết bài văn gửi cho anh như trên.
Từ ngày chưa có dịch Covid-19, hàng năm, anh vẫn có chế độ phép hoặc thỉnh thoảng được Bộ Chỉ huy giải quyết, tạo điều kiện về Hà Nội thăm gia đình ít ngày. Thế nhưng, kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, anh chưa thể về Hà Nội thăm vợ con mà ở lại bám đồn, bám chốt, bám địa bàn bảo vệ biên giới, phòng chống dịch Covid-19.
Được biết, vợ anh ở Hà Nội công tác trong ngành quân y quân đội nên thường xuyên tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian gần đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, vợ anh ở lại đơn vị làm nhiệm vụ, vậy là 2 cậu con trai phải đưa về nhờ ông bà nội chăm nom.
Nỗi nhớ vợ con thì da diết lắm nhưng anh Trung bảo, là người lính thì phải vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh hiểu rằng, còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đều đang vất vả; nhiều lực lượng khác, nhất là những người đang công tác trong ngành y tế cũng đang có những đóng góp thầm lặng theo cách khác nhau.
Hơn nữa, là Chỉ huy ở đơn vị, anh Trung còn có trọng trách khác rất quan trọng là quan tâm thăm hỏi, động viên, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ cấp dưới yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hàng ngày, Thượng tá Phạm Thành Trung vẫn cùng cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng chống dịch
Nhớ vợ con nên tranh thủ chút thời gian khi nghỉ ngơi, anh lại gọi điện trò chuyện, hỏi han. "Mình luôn tự hứa với lòng sẽ quyết tâm vượt qua mọi gian khó, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó", Thượng tá Trung tâm sự.
Thời gian qua, anh Trung đã cùng các cán bộ, chiến sĩ phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ kịp thời nhiều vụ buôn hàng cấm, xuất, nhập cảnh trái phép, góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan qua tuyến biên giới đất liền.
"Thời gian qua, mỗi lần con trai gọi điện nhõng nhẽo, hỏi bố khi nào về, tôi cũng nhiều lần hứa sẽ sớm về thăm con, đưa con đi chơi, mua quần áo đẹp, đồ chơi. Thế nhưng, dịch bệnh còn phức tạp nên chưa thực hiện được. Mong cho dịch bệnh sớm bị đẩy lùi, cuộc sống trở lại bình yên và khi đó tôi sẽ sớm thực hiện được lời hứa với con trai mình". /.
Lê Đức