Tiếng Việt | English

05/05/2020 - 13:44

Bộ Nội vụ: Giảm số lượng biên chế, tăng số cục thuộc các bộ

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, số lượng người làm việc do Bộ Nội vụ giao hoặc thẩm định năm 2020 giảm 150.040 người so với năm 2015, tương ứng giảm 7,56%.


Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa ký ban hành báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII; Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 100/2019/QH14 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Số cục vẫn tăng

Theo báo cáo này, số lượng người làm việc do Bộ Nội vụ giao hoặc thẩm định năm 2020 giảm 150.040 người so với năm 2015, tương ứng giảm 7,56%. Trong đó, các bộ, ngành giảm 27.347 người (17,23%); địa phương giảm 122.693 người (6,72%) so với năm 2015.

Hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP giảm 13.322 người (15,84%), trong đó khối bộ, ngành giảm 21,79%; địa phương giảm 14,91%.

Về sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, có 249 vụ và tương đương (giảm 12 tổ chức/giảm 4,6%); 126 cục (tăng 7 tổ chức/tăng 5,88%); 31 tổng cục và tương đương, gồm: 21 tổng cục và 10 tổ chức tương đương tổng cục (tăng 2 tổng cục/tăng 6,9%).

Nếu tính giảm 6 tổng cục thuộc Bộ Công an thì số tổng cục giảm là 4. Có 100 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 10 tổ chức/giảm 9,09%).

Tổ chức bộ máy của các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục có 226 vụ và tương đương (tăng 7 tổ chức/tăng 3,2%); 419 cục, gồm: 37 cục ở cơ quan Tổng cục, 67 cục khu vực (Đường bộ, Hải quan, Dự trữ nhà nước, Môi trường, Địa chất và Khoáng sản), 315 cục ở cấp tỉnh (Thi hành án dân sự, Thống kê, Thuế, Kho bạc Nhà nước, Quản lý thị trường); 130 đơn vị sự nghiệp công lập (tăng 6 tổ chức/tăng 4,84%).

Tổ chức bộ máy của các cơ quan thuộc Chính phủ có 52 ban và tương đương (giảm 01 tổ chức/giảm 1,89%), 142 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 24 tổ chức/giảm 14,46%).

Bộ máy hành chính của chính quyền địa phương ở cấp tỉnh giảm về số cơ quan chuyên môn (0,42%), số phòng (11,24%), chi cục (11,79%), phòng thuộc chi cục (26,43%) và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh (8,45%). Số đơn vị sự nghiệp công lập cũng giảm 3.819 đơn vị (7,33%).

Báo cáo cho thấy, tổng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đã thực hiện hợp nhất, sáp nhập là 20 cơ quan (tại 14 địa phương). Trong đó, có 2 cơ quan thí điểm hợp nhất với cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy đảng cùng cấp (giảm 2 đầu mối); 11 cơ quan thí điểm hợp nhất với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh (giảm 22 đầu mối).

Có 3 cơ quan chuyên môn hợp nhất với 3 cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ liên thông với nhau (giảm 3 đầu mối); 1 cơ quan sáp nhập vào cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh (giảm 1 đầu mối).

Tổng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện thực hiện hợp nhất, sáp nhập là 322 cơ quan (tại 35 địa phương). Trong đó, có 178 cơ quan thí điểm hợp nhất với cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy đảng cùng cấp (giảm 178 đầu mối); 144 cơ quan sáp nhập vào cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện (giảm 144 đầu mối).

Hiện có 11 địa phương đăng ký thực hiện hợp nhất, sáp nhập 12 cơ quan cấp tỉnh và 41 cơ quan cấp huyện.

271 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại

Báo cáo về kết quả thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ cho biết, từ năm 2019 đến nay, Bộ Nội vụ đã tiến hành 28 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch về quản lý, sử dụng biên chế công chức; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế; tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch đối với công chức, viên chức...

Bộ tiến hành 6 cuộc kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ về những nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Trong đó có việc kiểm tra, xác minh một số nội dung về công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Nội vụ do Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện; kiểm tra công tác tổ chức thi và chấm thi nâng ngạch công chức từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính năm 2018 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình; rà soát lại các nội dung phản ánh, tố cáo của đối với Hội Chiến sỹ thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Bộ đã kiểm tra, xác minh đơn tố cáo tại Đại học Quốc gia Hà Nội theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ; đơn tố cáo ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa; khiếu nại của ông Nguyễn Thành Nhơn, nguyên Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang khiếu nại Quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cách chức đối với ông.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các cuộc thanh tra về công tác tổ chức cán bộ, trong thời gian từ 2017 đến hết 2019, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 3.572 cuộc thanh tra, kiểm tra, đối với 4.287 cơ quan, tổ chức thuộc, trực thuộc, trong đó có 3.245 cuộc theo kế hoạch, 327 cuộc đột xuất, tiếp nhận 4.140 thông tin phản ánh từ phương tiện thông tin đại chúng và công dân.

Đối với những sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và các hình thức xử lý đối với cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm.

Đặc biệt, có 252 trường hợp bị thu hồi quyết định tuyển dụng; 271 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động bổ nhiệm; 118 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định thăng hạng chức danh nghề nghiệp; 53 trường hợp bị xếp lại ngạch công chức, hạng viên chức; 53 trường hợp bị thi hành kỷ luật; 955 trường hợp bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm; 967 trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý khác.

Ngoài ra, qua công tác thanh tra trực tiếp của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thấy sai sót và tự khắc phục, thu hồi quyết định tuyển dụng theo chính sách thu hút của 133 trường hợp; thu hồi, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm 7 trường hợp; thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận đối với 45 trường hợp. Có 8 trường hợp bị xếp lại ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; 61 trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Bộ Nội vụ kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thu hồi quyết định tuyển dụng theo chính sách thu hút đối với 59 trường hợp; thu hồi, hủy bỏ quyết định bổ nhiệm đối với 27 trường hợp, quyết định tuyển dụng, tiếp nhận đối với 87 trường hợp, quyết định nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp đối với 2 trường hợp, xếp lại ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức đối với 7 trường hợp, chấm dứt hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ đối với 2.176 trường hợp.

Bộ Nội vụ cũng kiến nghị xử lý theo Kết luận số 43-TB/TW và Kết luận số 48-KL/TW về kiểm tra, rà soát thực hiện công tác cán bộ đối với 249 trường hợp./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết