Tiếng Việt | English

07/10/2021 - 15:49

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Việt Nam đang tiến tới mô hình kinh tế xanh

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận phát triển bền vững bởi Trái Đất đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất do khủng hoảng khí hậu, môi trường.


Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tại diễn đàn Bộ trưởng và Nhà chức trách Môi trường châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 4, diễn ra sáng 7/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận phát triển bền vững và đang tích cực tiếp cận theo hướng chuyển đổi mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Trái Đất, không gian sinh tồn duy nhất của chúng ta, đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất và có tính sống còn từ trước đến nay do khủng hoảng khí hậu, môi trường, sinh thái tự nhiên và đặc biệt là đại dịch COVID-19.

“Đây là hệ quả của mô hình phát triển thiếu bền vững của con người và mọi quốc gia, dân tộc đều đang bị các cuộc khủng hoảng này đe dọa,” ông Hà nhấn mạnh.

Theo ông Hà, không gian sinh tồn của con người gắn liền với thiên nhiên và sức khỏe của thiên nhiên chính là sức khỏe của con người. Thế nhưng, con người đang hủy hoại thiên nhiên bằng nhiều hình thức, từ khai thác đến bóc lột quá mức, không bền vững, thiếu trách nhiệm trong thời gian dài để phục vụ các mục đích kinh tế.

Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho rằng đã đến lúc cần phải đưa vấn đề phục hồi tự nhiên và các hệ sinh thái là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của các diễn đàn ngoại giao, chính trị, kinh tế; là tiêu chí và tiêu chuẩn đạo đức trong ứng xử với thiên nhiên, ở mọi cấp từ lãnh đạo cao nhất cho đến tất cả mọi người dân, làm căn cứ cho mọi chủ trương, quyết sách và hành động.

Với nỗi trăn trở nêu trên, ông Hà khẳng định Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận phát triển bền vững và đang tích cực tiếp cận theo hướng chuyển đổi mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) cũng đang tạo ra những thay đổi cơ bản từ nhận thức, tư duy đến hành động trong mối quan hệ với tự nhiên, xác định nền tảng phát triển bền vững phải dựa trên sự phát triển cân bằng hệ sinh thái tự nhiên và dựa trên sự tôn trọng các quy luật của nền tảng tự nhiên.

Ông Hà cũng đưa ra quan điểm kiến nghị các quốc gia trên thế giới cần thống nhất trong tư duy, nhận thức về những vấn đề liên quan đến khủng hoảng biến đổi khí hậu, sụp đổ hệ sinh thái, những báo động đỏ về môi trường và đại dịch COVID-19 hiện nay đều có sự liên quan đến các hoạt động kinh tế không bền vững; không dựa trên sự cân bằng giữa thiên nhiên và con người.

Bên cạnh các công cụ chính sách và pháp luật về môi trường thì các vấn đề biến đổi khí hậu, theo ông Hà, việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường cũng cần phải được đưa thành các tiêu chí không thể thiếu và mang tính quyết định trong các chính sách kính tế. Cụ thể là trong các quyết định đầu tư của từng dự án và chiến lược phát triển, bắt đầu từ ở cấp địa phương.

Ngoài ra, các quốc gia cần sử dụng các giải pháp toàn diện, đồng bộ, kết hợp các công cụ chính sách, công cụ tài chính, khoa học và công nghệ… cho các hành động vì thiên nhiên thông qua đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh tế sinh thái và kinh tế tuần hoàn trên cơ sở đầu tư vào vốn tự nhiên; cân bằng với tự nhiên để thay thế cho mô hình chủ yếu dựa vào khai thác và bóc lột thiên nhiên hiện nay.

Đặc biệt, trước các thách thức mang tính sống còn nêu trên, theo ông Hà, các quốc gia cần phải tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng về nhận thức từ cấp cao nhất cùng với sự đoàn kết và chung tay hành động một cách mạnh mẽ, khẩn cấp ở tất các các quốc gia và mọi thành phần bao gồm các nhà quản lý, nhà khoa học, các định chế về tài chính và khối doanh nghiệp…

Trên cơ sở đó, trong phiên họp, các Bộ trưởng và Trưởng đoàn công tác đã xem xét dự thảo Báo cáo của các quan chức cấp cao và dự thảo kết quả cấp Bộ trưởng để thông qua các nội dung về quan điểm chính sách và cam kết ở khu vực nhằm giải quyết chủ đề “Tăng cường hành động vì thiên nhiên để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết