Những điểm sáng vượt trội
Kỹ xảo điện ảnh - Visual Effect (viết tắt VFX - là quá trình tạo ra hoặc thay đổi các hiệu ứng hình ảnh để nâng cao chất lượng hình ảnh đã quay) vốn thuộc khâu hậu kỳ của một bộ phim, bao gồm việc thực hiện kỹ xảo, hiệu ứng về âm thanh,… giúp cho bộ phim thêm phần hoàn thiện, truyền tải đúng thông điệp, nội dung mà nhà sản xuất muốn. Công đoạn này ngày một tiến bộ trong phim Việt và đều do những studio tại Việt Nam như như: Bad Clay Studio, SPICE fx, Silver Swallows Studio, LUCIDigital, Vinamation,... thực hiện.
Hình ảnh kỳ ảo trong Trạng Tí phiêu lưu ký
Những màn “biến hóa” kỳ diệu trong Trạng Tí phiêu lưu ký (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, chiếu rạp đầu tháng 2 năm nay) như cảnh Tí sinh ra giữa đầm sen, hàng nghìn đóa sen giữa hồ bung nở và tỏa sáng, gợi cảm giác huyền bí; cảnh các vị thần xuất hiện ở cuối tạo liên tưởng đến một số tác phẩm thuộc dòng fantasy (kỳ ảo) ở Hollywood; hay trường đoạn mở đầu bằng hoạt hình 3D,… đều được ê kíp dụng công thực hiện với công nghệ kỹ thuật CGI (viết tắt từ Computer Generated Imagery, là việc tạo ra các hình ảnh tĩnh hoặc động; đồ họa 3D để tạo ra nhân vật, cảnh quan và hiệu ứng đặc biệt trong phim thông qua phần mềm máy tính).
Có thể thấy bối cảnh hoành tráng, lung linh hoặc các yếu tố thuộc về trí tưởng tượng, tâm linh trong phim đều mãn nhãn nhờ vào kỹ thuật CGI. Chính phần kỹ xảo góp phần tạo nên nhiều thước phim có hình ảnh thu hút khán giả, đồng thời là bước tiến so với Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016) cũng do Ngô Thanh Vân sản xuất.
Trong khi đó, kỹ xảo tạo hình quỷ trong Chuyện ma gần nhà (ra rạp từ 12.2) gây ấn tượng với khán giả về sự chân thật, ghê rợn, nhất là ở phân cảnh ma không đầu, lột mặt kỳ quái,... Đại diện Bad Clay Studio, đơn vị thực hiện kỹ xảo phim này, cho biết cảnh quỷ lột mặt, nhân vật bị tạt acid, ma không đầu... phải mất tới 3 tháng để làm tạo hình và thực hiện.
Trong cảnh minh tinh Ái Như (Khả Như đóng) lột mặt để thay thế nhân dạng, họ tái tạo một phần khuôn mặt của diễn viên bằng hình ảnh 3D. Một nhóm khác xử lý hiệu ứng vật lý của lớp da khi bị cào ra, với các chi tiết lớp mô, thịt và mỡ bong tróc. Sau đó ê kíp đánh sáng, làm chất liệu của các lớp da và tích hợp các hiệu ứng lại thành cảnh hoàn chỉnh.
Ở đoạn khuôn mặt một nhân vật bị hủy hoại vì tạt acid, đơn vị làm kỹ xảo áp dụng hiệu ứng sủi bọt trong hình ảnh, bao gồm hai lớp acid, sau đó tích hợp hiệu ứng lại với nhau, thêm chi tiết khói nóng tỏa ra từ bàn tay, khuôn mặt diễn viên.
Nay mọi thứ đã thay đổi, người Việt đã có kiến thức, kinh nghiệm để làm rất tốt các kỹ xảo mà nhà làm phim mong muốn. Vì thế, hầu hết phim Việt hiện giờ đều làm kỹ xảo với đội ngũ VFX tại VN
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân
|
Đạo diễn Trần Hữu Tấn của phim này cho biết: “Phân cảnh nhà ngoại cảm Bích (Vân Trang) bị sát hại là thử thách lớn nhất phim về hiệu ứng hình ảnh. Để có cảnh đầu rơi, chúng tôi phải chỉnh sửa nhiều lần trong nhiều tháng. Lúc bấm máy, tôi sử dụng thiết bị đo ánh sáng môi trường phản chiếu lên vật chủ, độ sáng - tối của bối cảnh. Sau khi phim đóng máy, Vân Trang mất thêm một buổi chụp ảnh 360 độ toàn gương mặt, để đơn vị lấy thông số, sau đó tiến hành dựng 3D mô hình chiếc đầu.
Đơn vị kỹ xảo tiếp tục thực hiện scan 3D phần đầu của diễn viên Vân Trang. Sau đó, họ xử lý sao cho mẫu 3D trông giống diễn viên nhất có thể. Họ cũng tái tạo chuyển động của phần tóc theo hiệu ứng rơi, tạo thêm phần máu chảy loang trên mặt đất. Cuối cùng, ê kíp tích hợp các hiệu ứng để hòa quyện với cảnh quay trên phim trường”.
Kỹ xảo biến hóa ma quái trong Chuyện ma gần nhà
ĐPCC
Tiềm năng lớn
Trước đó, một số phim Việt Nam cũng có phần kỹ xảo ấn tượng, có thể kể đến như Người bất tử, Chị chị em em, Mắt biếc, Song song, Lật mặt 5,… Trong đó, đáng chú ý nhất có phim Hai Phượng khi đã sử dụng VFX xuất sắc, khi đa số bối cảnh trong phim đều được quay trong phim trường trước phông xanh rồi thực hiện kỹ xảo hậu kỳ, nhưng hiệu quả mang đến lại rất sống động, nhất là cảnh đánh nhau kịch liệt trên nóc xe lửa đang lao vun vút.
Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết: “Kỹ xảo phim Việt do đội ngũ kỹ thuật trong nước trước đây làm chưa tốt, nên các nhà sản xuất phải tốn kém nhiều chi phí để làm cùng đối tác nước ngoài; nhưng nay mọi thứ đã thay đổi, người Việt đã có kiến thức, kinh nghiệm để làm rất tốt các kỹ xảo mà nhà làm phim mong muốn. Vì thế, hầu hết phim Việt hiện giờ đều làm kỹ xảo với đội ngũ VFX tại Việt Nam. Không chỉ phim hành động, kinh dị, kỳ ảo,… mới cần tới kỹ xảo mà cả phim tình cảm, lãng mạn trong nhiều cảnh cũng cần kỹ xảo để bắt mắt và đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả hơn”.
Anh Thierry Nguyễn, chủ sở hữu và điều hành Bad Clay Studio (từng có nhiều năm làm việc tại châu Âu, đã làm kỹ xảo cho Sweet Home, Detective Pikachu,…), khẳng định: “Trạng Tí phiêu lưu ký và Chuyện ma gần nhà vừa chiếu là minh chứng rõ ràng về bước đột phá của kỹ xảo điện ảnh Việt Nam. Với xu hướng mới hiện nay là làm phim theo thể loại/phong cách giả tưởng, khoa học viễn tưởng với sự tưởng tượng về thế giới tương lai, người ngoài hành tinh,… thì tôi tin nhu cầu về kỹ xảo ngày càng nhiều và phim Việt hoàn toàn có thể đi theo xu hướng làm phim này, bởi đội ngũ nhân lực, số lượng studio chuyên về kỹ xảo hiện ở Việt Nam đủ đáp ứng với chất lượng cao”.
Dù vậy, đầu tư làm kỹ xảo cho phim khá tốn kém, và không phải nhà sản xuất nào cũng đủ lực để thực hiện toàn bộ ý tưởng của biên kịch, đạo diễn. “Cái khó nhất hiện nay là do tổng kinh phí làm phim Việt không cao, chỉ trên dưới 2 triệu USD, nên ở Việt Nam các nhà sản xuất chỉ đầu tư cho kỹ xảo từ 10.000 - 100.000 USD, trong khi đó một bộ phim Hollywood sẽ có ngân sách 100 triệu USD chỉ dành cho kỹ xảo VFX,…
Nhà làm phim Việt không dành đủ kinh phí để chi trả cho chi phí làm VFX, do thị trường bán vé còn nhỏ nên họ ngại mạo hiểm. Thế nên, đòi hỏi kỹ xảo phim Việt phải như Hollywood là điều còn xa, dù tiềm năng đội ngũ Việt còn rất lớn vì những nghệ sĩ Việt này đã từng làm gia công kỹ xảo cho rất nhiều bom tấn Mỹ như Captain Marvel (Đại úy Marvel), Avenger: Infinity War (Cuộc chiến vô cực),… hay cả các tác phẩm nổi tiếng châu Á như Squid Game (Trò chơi con mực),...”, anh Thierry Nguyễn cho biết./.
Theo Thanh Niên