Tiếng Việt | English

02/02/2022 - 21:55

Đạo diễn Hồ Tây nhân chứng cuối cùng của Điện ảnh bưng biền

Điện ảnh bưng biền ra đời từ năm 1947 và được xem là tiền thân của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Giữa vùng Đồng Tháp Mười trũng ngập, không điện, thiếu nước ngọt, những chiến sĩ cộng sản vẫn làm ra những thước phim giá trị. Giờ đây, trong số những người đã góp công tạo nên huyền thoại về Điện ảnh bưng biền ngày ấy chỉ còn lại mỗi đạo diễn Hồ Tây.

Đạo diễn Hồ Tây

Đạo diễn Hồ Tây

Đạo diễn Hồ Tây năm nay đã gần 90 tuổi. Căn nhà nhỏ của ông ở xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long ngập đầy ký ức những ngày làm điện ảnh. Hai giá sách đầy ắp trong phòng khách và phòng ngủ có nhiều sách văn học, điện ảnh. Trên tường, ngoài ảnh do chính đạo diễn chụp còn có bức ảnh tượng đài Điện ảnh Khu 8 tại thị xã Kiến Tường. Nhắc về Điện ảnh bưng biền, đạo diễn Hồ Tây nói say sưa nhiều giờ liền. Ông kể về những vất vả, khó khăn, tình đồng đội và sự kiên gan của những người tay ngang làm nên huyền thoại. 

“Mấy ông quay phim gan quá!”

Người đạo diễn kỳ cựu bây giờ, khi ấy là thanh niên trẻ, rời trường trung học theo Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh thuộc Quân khu 8. Ông kể: “Hồi đó, chú tôi có máy chụp ảnh nên tôi cũng biết chụp sơ sơ. Tôi vừa theo học ở trường trung học kháng chiến, vừa làm việc tại Ty Thông tin Vĩnh Long. Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh đi công tác có ghé lại Ty Thông tin. Thấy mấy anh quay phim, tôi mê quá nên xin theo. Ba, bốn tháng sau gia đình mới hay”. Mấy mươi năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày sống ở Đồng Tháp Mười cùng các bậc đàn anh học làm điện ảnh rồi trở thành người quay phim chiến trường vẫn còn in sâu trong ký ức đạo diễn Hồ Tây. Quay phim chiến trường là nhiệm vụ nguy hiểm. Người chiến sĩ với máy quay, phim, súng, xẻng phải luôn chạy  vượt lên, đi trước đồng đội để có được những thước phim quý mang về. “Mấy ông quay phim gan quá!” là câu mà đạo diễn Hồ Tây nghe được nhiều nhất trong quá trình quay phim chiến trường. Khi tiếng “xung phong” hô lên vang dội cũng là lúc người quay phim phải chạy lên trước cả những chiến sĩ tiên phong để quay cảnh tiến công. Mưa bom, lửa đạn nhưng không “gan” sao được khi nhiệm vụ đã yêu cầu. Cầm súng trên tay, chiến sĩ tiêu diệt kẻ thù. Người cầm máy quay thì phải mang về những thước phim đắt giá. 

Thời điểm đó, phim rất quý và khó kiếm. Để làm được đoạn phim dài 10 phút, người quay chỉ được nhận 15 phút phim. Giữa bom đạn chiến trường, người cầm máy vẫn dặn lòng mỗi lần bấm máy là một lần “ăn chắc”, nếu không, sự kiện qua rồi, phim hết rồi sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Cầm máy quay lên dù thế nào cũng phải quay được phim về. Và nhiều đạo diễn, quay phim đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, nhưng đã chọn nghề nghĩa là không bao giờ lùi bước. 

Sau này, đảm nhận nhiều công việc khác nhau, có mặt khắp các chiến trường miền Đông, miền Tây và cả Campuchia, đối diện với những phút giây sinh tử, đạo diễn Hồ Tây vẫn cho rằng những năm tháng đầu tiên gầy dựng Điện ảnh bưng biền tại Đồng Tháp Mười là gian nan nhất. Ở đó, Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh được thành lập trong điều kiện thiếu thốn cả về vật chất lẫn con người. Lần giở cuốn lịch Điện ảnh bưng biền, đạo diễn Hồ Tây chỉ tay vào bức ảnh quyển sách cũ có tên Ciné Almanach Prisma và nói: “Đây là cuốn sách gối đầu giường của anh em hồi đó. Anh em học làm điện ảnh từ cuốn sách này”.

Giữa vùng Đồng Tháp Mười mênh mông, trũng thấp, không điện, thiếu nước ngọt,… Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh vẫn làm nên kỳ tích, quay và chiếu được phim, đặt “viên gạch” đầu tiên cho nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Chỉ riêng việc giữ để máy móc không bị ẩm ướt giữa vùng đồng sâu, nước lũ đã là một nỗ lực. Không có hút ẩm, nylon thì các chú, các anh dùng gạo rang để giữ khô máy móc. Ngày rang gạo 2, 3 lần là chuyện thường tình. 

“Chúng tôi đã làm được điện ảnh trong điều kiện không có điện”, đạo diễn Hồ Tây nói lẫn giữa tự hào và hoài niệm. Đó là những tháng năm ông cùng đồng đội bất chấp hiểm nguy, đi mua từng cây nước đá, xin từng can nước ngọt về tráng phim. Riêng việc in, tráng phim cũng lắm gian nan. Phim quay xong phải chờ tráng, có khi cả tuần sau mới xem được. Với người làm phim chiến trường, đó là quãng thời gian chờ đợi trong hồi hộp. 

Gắn bó với Đồng Tháp Mười

Gần 90 tuổi, đạo diễn Hồ Tây vẫn minh mẫn. Khi kể về chuyện làm phim năm cũ, ông nói chậm rãi, rõ ràng, nhớ cụ thể từng cột mốc thời gian. Những hình ảnh, kỷ vật, kỷ niệm về Điện ảnh bưng biền, Điện ảnh Tây Nam bộ được ông cất giữ như báu vật và đã trao lại cho các bảo tàng, người có trách nhiệm bởi ông muốn thế hệ sau biết đến những tháng ngày đáng tự hào của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Dưới chân bàn sách của ông là túi nylon buộc kỹ, trong đó có bộ lịch Điện ảnh bưng biền. Ông chậm rãi chỉ rõ, đây là hình ảnh Khương Mễ quay Tiểu đoàn 307 hành quân, kia là ảnh các đạo diễn, quay phim quay kỹ xảo, quay bản đồ. Tất cả đều rõ nét và được chú thích rõ ràng. 

Đạo diễn Hồ Tây (áo đen, bìa trái) quay kỹ xảo cho phim Đả đảo đế quốc cùng đồng đội tại Đồng Tháp Mười (Ảnh chụp lại)

Đạo diễn Hồ Tây (áo đen, bìa trái) quay kỹ xảo cho phim Đả đảo đế quốc cùng đồng đội tại Đồng Tháp Mười (Ảnh chụp lại)

Trong ký ức của đạo diễn Hồ Tây, Đồng Tháp Mười là nơi khó thể nào quên được. Ở đó, ngoài đồng bưng mênh mông còn có tình nghĩa người dân dành cho cách mạng. Nhắc tới Đồng Tháp Mười, ông nhớ rõ từng địa danh như người bản địa và xem “chém vè” là đặc sản của chiến trường Đồng Tháp Mười. Sau quãng đời dài cống hiến, xông pha, giờ đây, đạo diễn Hồ Tây chẳng muốn giữ lại gì cho mình ngoài kỷ niệm. Đó là lý do ông tặng hết tư liệu, hình ảnh cho các bảo tàng. Một số hình ảnh của ông hiện được trưng bày tại Nhà lưu niệm Cơ quan Chính trị Quân khu 8 tại xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh. Ông còn bỏ nhiều tâm sức vào việc xây dựng tượng đài Điện ảnh Khu 8 tại thị xã Kiến Tường, tượng đài Điện ảnh Tây Nam bộ tại Năm Căn, Cà Mau.

Được biết, tiền thân của tượng đài Điện ảnh Khu 8 là bức phù điêu ở huyện Tân Thạnh nhưng về sau, do một số lý do, bức phù điêu không còn nữa. Thăm lại chiến trường xưa, không tìm thấy bức phù điêu, đạo diễn Hồ Tây buồn nhiều. Về sau, nhờ sự ủng hộ của lãnh đạo huyện Mộc Hóa lúc bấy giờ, tượng đài Điện ảnh Khu 8 được xây dựng tại khu vực trung tâm thị xã như hiện nay. Toàn bộ kinh phí xây dựng do đạo diễn Hồ Tây và đồng đội đóng góp và vận động.

Đạo diễn Hồ Tây khá gắn bó với Long An. Khi còn làm Giám đốc Phòng Sản xuất phim thuộc Đài Truyền hình TP.HCM, ông từng về Long An nhiều lần, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho Đài Phát thanh và Truyền hình Long An. Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mỗi năm ông đều về thăm chiến trường xưa dù tuổi cao, sức yếu. Những chuyến đi đơn giản chỉ là thăm bức tượng đài, tìm gặp lại những người bạn cũ.

Sau cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng và điện ảnh, giờ đây, đạo diễn Hồ Tây lui về cố quận. Mỗi ngày, ông vui với việc chăm hoa, đọc sách bên người bạn đời của mình. Trên bàn đọc của ông, quyển Những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng vẫn còn đang để mở./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết