Tiếng Việt | English

16/07/2020 - 18:51

Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nguy cơ tăng trở lại

Do việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp sẽ tập trung sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Tnh hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và hoạt động buôn lậu (BL) qua biên giới tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại.

Số vụ kinh doanh, vận chuyển hàng lậu tăng

Thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện 1.563 vụ vi phạm kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, gian lận thương mại, giảm gần 200 vụ so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong thời gian ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, giá mặt hàng thuốc lá (TL) ngoại trong thị trường nội địa tăng mạnh, dao động tăng từ 5-8 ngàn đồng/gói tùy từng loại. Từ việc chênh lệch giá thuốc lớn, một số đối tượng BL và người dân trên tuyến biên giới lợi dụng đêm tối khi lực lượng chức năng có lúc sơ hở trong tuần tra, kiểm soát vẫn lén lút đưa hàng hóa, chủ yếu là TL ngoại qua biên giới, sau đó tập kết đưa lên ôtô vận chuyển vào nội địa đưa đi các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM để tiêu thụ. Ngoài TL điếu, một số mặt hàng nhập lậu vào địa bàn tỉnh còn có khẩu trang y tế, rượu ngoại, đường cát, heo và xe môtô phân khối lớn đã qua sử dụng. Theo đó, mặc dù tổng số vụ vi phạm giảm gần 200 vụ so với cùng kỳ nhưng riêng về kinh doanh, vận chuyển hàng lậu có mức tăng đột biến và tăng hơn 200 vụ vi phạm. Các cơ quan chức năng tịch thu, tạm giữ hơn 1,1 triệu gói TL ngoại nhập lậu, 37,7 tấn đường cát, 43 xe ôtô và 241 xe môtô là phương tiện vận chuyển. Ngoài tình trạng BL thuốc lá, 6 tháng đầu năm 2020, trên tuyến biên giới tỉnh còn nổi lên tình trạng BL heo và khẩu trang y tế. Trong đó, riêng lực lượng Công an tỉnh phát hiện 6 vụ nhập lậu, vận chuyển trái phép 327 con heo; lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh thu giữ trong các vụ việc với số lượng 152 con heo không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giấy phép kiểm dịch.

Chuyển đổi phương thức, thủ đoạn buôn lậu

Theo Chủ tịch UBND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh, thời gian qua, trên địa bàn nổi lên tình trạng kinh doanh TL điếu nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong đó, các ngành chức năng TP.Tân An phối hợp PC03, Công an tỉnh triệt phá nhiều điểm tập kết TL lậu trên địa bàn phường 6 với số lượng TL lậu thu giữ trên 300 ngàn gói.

Còn tại huyện biên giới Đức Huệ, 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù hoạt động BL có giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn là một trong những địa bàn nóng về hoạt động BL. Thông tin từ Công an huyện Đức Huệ, dịch bệnh Covid-19 đã khiến các mặt hàng như khẩu trang y tế, TL trong nội địa tăng giá đột biến, cùng với đó dịch tả heo châu Phi khiến nguồn cung thịt heo trong nước thiếu, đây là nguyên nhân chính khiến hoạt động BL từng lúc, từng nơi trên địa bàn huyện còn diễn biến phức tạp, nhất là BL TL. Các đối tượng cầm đầu đường dây, tổ chức BL có sự chuyển đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động như thuê người dân tại địa phương đai vác hàng lậu qua biên giới theo các đường mòn, lối mở, đường tiểu ngạch và nghiên cứu, nắm quy luật tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng để tìm cách đối phó, tránh bị phát hiện, bắt giữ. Phương tiện vận chuyển các đối tượng sử dụng là loại xe môtô có ngăn chứa hoặc ngụy trang vào hàng hóa khác để vận chuyển với số lượng nhỏ, lẻ khoảng 5-10 cây lén lút đưa vào nội địa. Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển còn có sự tham gia của một số đối tượng lưu động ở các tỉnh, thành lân cận như Tây Ninh, TP.HCM và Đồng Nai gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quản lý đối tượng, đấu tranh phòng, chống BL.

Học sinh, công nhân, người già tham gia buôn lậu

Theo Đại tá Phan Văn Phúc - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, trong lúc giá thuốc lá trong nước tăng cao, xuất hiện tình trạng học sinh, công nhân, người già tham gia vận chuyển thuốc lá nhỏ, lẻ qua biên giới, nhất là khu vực huyện Đức Huệ và thị xã Kiến Tường, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. “Như tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, khi chúng ta làm đường tuần tra biên giới xong, phía đối diện là khu vực chợ trời, khoảng 200m, có lúc số lượng người già, học sinh tập trung khoảng 70-100 người đứng 2 bên đường tuần tra ném thuốc lá qua từ 3-5 cây. Khi lực lượng chức năng đến thì số người này lại dạt qua phía bên kia biên giới, gây rất nhiều khó khăn. Thậm chí, những người này còn lăng mạ, chửi bới lực lượng chức năng. Sau đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp Công an thị xã Kiến Tường tập trung tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho buôn lậu; khoảng gần nửa tháng mới ổn định, lắng đọng và đi vào nền nếp”.

Để hạn chế tình trạng học sinh, công nhân, người già tiếp tay cho buôn lậu, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động còn thực hiện biện pháp mạnh tay như buộc cách ly các đối tượng tham gia buôn lậu khi phát hiện các đối tượng thực hiện hành vi mang vác thuốc từ biên giới vào nội địa.

Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nguy cơ tăng trở lại

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong 6 tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt trên cả nước, các doanh nghiệp sẽ tập trung hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ bình thường trở lại. Do đó, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và hoạt động BL qua biên giới sẽ tiềm ẩn những nguy cơ tăng trở lại.

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần yêu cầu các lực lượng tiếp tục tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống BL, gian lận thương mại, hàng giả, kết hợp chặt chẽ với việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn tuyến biên giới, không chủ quan, mất cảnh giác, vừa kiểm soát người qua lại biên giới, vừa ngăn chặn không cho hàng lậu vào nội địa. Đồng thời, các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường và UBND các huyện biên giới, huyện trọng điểm cần có biện pháp tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình BL trên tuyến biên giới, tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng để xây dựng phương án, kế hoạch và có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, không để tình trạng BL, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra phức tạp, kéo dài, nhất là trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán với quyết tâm kéo giảm hoạt động BL, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng.

Dùng ôtô vận chuyển thuốc lá lậu, thủ đoạn không mới nhưng khó xử lý

Vài năm trở lại đây, các đối tượng chủ yếu dùng ôtô vận chuyển thuốc lá lậu. Đây là một trong những thủ đoạn không mới nhưng rất khó phát hiện và xử lý. Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Thủ đoạn này chứng tỏ các đối tượng buôn lậu đã nghiên cứu luật rất kỹ. Trước khi thực hiện hành vi vận chuyển giữa người vận chuyển và chủ phương tiện thường thảo sẵn một hợp đồng thuê mượn xe. Do đó, khi các lực lượng chức năng tiến hành bắt giữ thì chỉ vài ngày sau, chủ phương tiện mang giấy tờ lên để xác nhận. Trong các vụ việc bắt giữ đối tượng buôn lậu thuốc lá, chúng ta chỉ thu giữ được hàng hóa vi phạm chứ hầu như không tịch thu được phương tiện vi phạm”.

“Trước đây, có thời gian xử lý theo hướng định giá xe vi phạm, yêu cầu đối tượng vi phạm đóng phạt bằng với giá trị định giá cùng với mức phạt hành chính. Tuy nhiên, thực tế triển khai, các đối tượng vi phạm thường thuộc nhóm “3 không” và chỉ là người làm thuê nên hình thức đóng phạt này không khả thi. Vì vậy, các ngành chức năng cần kiến nghị, hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền gỡ nút thắt này, tạo điều kiện cho các lực lượng thuận lợi hơn trong công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu cũng như răn đe đối với các đối tượng vi phạm” - Đại tá Phạm Thanh Tâm cho biết thêm./.

Thụy Anh

Chia sẻ bài viết