Do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây sạt lở thời gian dài, nhiều đoạn đai rừng phòng hộ của tỉnh Cà Mau ngày càng mỏng dần, một số vị trí sạt lở đã khoét sâu, lở hàm ếch vào phía trong. Đặc biệt, trong mùa mưa bão hiện nay, nước biển dâng cộng với sóng to, gió lớn, đã phát sinh diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm đối với 6 đoạn bờ biển, tổng chiều dài khoảng 29.150m.
Nhiều đoạn bờ biển của tỉnh Cà Mau sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến khu dân cư
Cụ thể, các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm gồm đoạn cửa biển Hốc Năng, chiều dài 2.500m; Kênh Năm đến kênh Chùm Gọng, chiều dài 4.100m; Kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy, chiều dài 7.150m; Kiến Vàng đến Ông Tà, chiều dài 6.400m; cửa biển tại ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi (đoạn L3) chiều dài 1.000m; Hố Gùi đến Bồ Đề, với chiều dài 8.000m.
Hiện diễn biến sạt lở ngày càng gia tăng, với tốc độ sạt lở như hiện nay không được xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ đe dọa đến các khu dân cư tập trung xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi); các trường học, trụ sở cơ quan nhà nước, hệ thống công trình lưới điện, diện tích đất sản xuất của người dân, đặc biệt là công trình hạ tầng quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Ngọc Hiển.
Sạt lở khiến nhiều diện tích rừng phòng hộ Cà Mau bị tàn phá
Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở NNPTNT phối hợp UBND các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn và Đầm Dơi khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn; bố trí lực lượng theo dõi diễn biến sạt lở. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án phòng, chống sạt lở nêu trên theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định; đối với các địa phương cần bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; cấm mọi tác động vào các khu vực này, không để xảy ra tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn./.
Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL