Tại Diễn đàn “Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nông thôn mới” vừa được tổ chức, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh rằng, nông nghiệp Việt Nam phát triển thiếu bền vững, hiện đang đối mặt với những vấn đề kinh tế nan giải, đó là: giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo và khả năng sinh lời thấp của sản xuất nông hộ quy mô nhỏ.
Đầu tư èo uột, nông nghiệp xuống dốc
Về thực trạng nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình đánh giá: Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Thực tế, Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực, đến nay không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho hơn 90 triệu dân, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng; nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn đạt thứ hạng cao trên thế giới như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ chế biến…
Tăng thu hút đầu tư vào nông nghiệp đang là một bài toán không dễ giải (Ảnh minh họa: KT)
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Bình, tăng trưởng và phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong vài thập kỷ qua chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên. Đáng lưu ý là, kể từ năm 1990, tốc độ tăng trưởng năng suất đã chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực do lợi nhuận từ thâm canh đất đã đạt đến mức tới hạn.
Dẫn ví dụ chứng minh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tăng trưởng năng suất lao động ngành nông nghiệp trung bình giai đoạn 2000-2013 của Việt Nam chỉ đạt 3,4%, chưa bằng 50% so với Hàn Quốc giai đoạn 1980-1995, hay Trung Quốc cùng giai đoạn (đạt 7,5%). Hơn nữa, năm 2014, năng suất lao động của ngành nông nghiệp chỉ bằng 39% năng suất lao động chung của nền kinh tế.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, yếu kém trên, theo ông Bình, là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết. Đặc biệt, dù nước ta có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp nông nghiệp phát triển còn rất chậm (năm 2014 số lượng doanh nghiệp nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% các doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp nông thôn chưa tương xứng, đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng bổ sung thêm nguyên nhân là do thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn rất hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp, thiếu ổn định; số lượng doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản còn ít và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Còn chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, dù nhiều tiềm năng nhưng thu hút đầu từ vào nông nghiệp còn ít là vì sản xuất nông nghiệp rủi ro cao, độ co giãn tiêu dùng nông sản là rất thấp; bảo hiểm về nông nghiệp đã triển khai nhưng chưa thực sự hiệu quả; thực hiện theo mô hình liên kết, nhưng các doanh nghiệp trong chuỗi lại không hợp tác với nhau, hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa bền chặt.
Cần đột phá chính sách, tránh ỉ lại vào Nhà nước
Nông sản xuất khẩu chiếm tới 1/3 kim ngạch xuất khẩu cả nước, nhưng những năm qua, thành tựu của ngành nông nghiệp chủ yếu đến từ kinh tế hộ. Mô hình này đến nay cũng đã bộc lộ nhiều khuyết điểm, chủ yếu là làm ra sản phẩm thô, giá trị gia tăng còn thấp. Trong khi đó, thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn rất hạn chế.
Rõ ràng, kinh tế hộ đã phát triển đến giới hạn. Động lực của tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay phải là doanh nghiệp. Đòi hỏi của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay là phải gắn với thị trường, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất bền vững, sản xuất theo chuỗi. Để làm được điều này, không ai khác, chính các doanh nghiệp phải vào cuộc.
Nhưng ở Việt Nam, lâu nay lực lượng doanh nghiệp vẫn cho rằng việc đầu tư vào nông nghiệp có xác suất rủi ro khá cao do phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm. Vì lý do đó nên họ không muốn mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực này mà chủ yếu tham gia vào các kênh đầu tư mang lại lợi nhuận lớn và thu hồi vốn nhanh (chứng khoán, bất động sản, dịch vụ…).
Vậy cách nào để thu hút đầu tư vào nông nghiệp? Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhiều chuyên gia đề nghị, Nhà nước cần có những đột phá về chính sách, cần phải xóa bỏ tư duy xin - cho, đặc biệt là tránh ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Quan điểm của Hội Nông dân Việt Nam là, cần có những cơ chế ưu đãi, đủ sức hấp dẫn để mời gọi được nhiều doanh nghiệp về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đây là nhân tố quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, “đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp nhằm thay đổi bức tranh nông nghiệp lạc hậu và lối tư duy cũ. Để thực hiện thành công mô hình này, nguồn lực đất đai và sự ủng hộ của nhân dân là những yếu tố cực kỳ quan trọng. Nếu có sự ủng hộ của nông dân, cùng đồng sức đồng lòng cùng chính quyền và doanh nghiệp thì những dự án mang tính đột phá mới thành công.
Trên thực tế, mọi chủ trương về nông nghiệp chỉ thành công khi hàng triệu hộ nông dân cùng với cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc cùng với Nhà nước. Vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam thông qua công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của nông dân về vai trò và tác động của các doanh nghiệp trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân là hết sức quan trọng và cần thiết”- Hội Nông dân Việt Nam khẳng định.
Nhóm nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, cần có những đổi mới chính sách căn bản như: Thúc đẩy môi trường nghiên cứu và ứng ựng khoa học công nghệ nông nghiệp; Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp; Đổi mới hệ thống khuyến nông để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân…./.
Xuân Thân/VOV.VN