Tiếng Việt | English

24/07/2019 - 13:59

Cần Giuộc chuyển mình từ chương trình đột phá sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chương trình đột phá sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đã tác động sâu, rộng và tạo chuyển biến trong nhận thức của nông dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Nhiều nông dân chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang ƯDCNC vào sản xuất nhằm giảm đến mức thấp nhất chi phí đầu tư, tạo ra lợi nhuận lớn cũng như mang lại nông sản chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Sau 4 năm thực hiện chương trình đột phá sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, tư duy làm nông nghiệp kiểu mới đang lan tỏa trong nông dân huyện Cần Giuộc.

Từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao

Mặc dù Cần Giuộc là huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ với việc hình thành hàng loạt khu, cụm công nghiệp nhưng nơi đây còn được biết đến là vùng chuyên canh rau lớn nhất của tỉnh với các loại rau có mùi vị đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Huyện sản xuất từ 1.400 -1.750ha rau màu, cung cấp ra thị trường mỗi năm khoảng 140.000 tấn. Tuy nhiên, trước thời điểm năm 2015, hầu hết việc sản xuất rau tại huyện Cần Giuộc vẫn còn manh mún, nhỏ, lẻ, sản phẩm không có thương hiệu và hầu như chưa đưa được vào hệ thống các nhà hàng, siêu thị. Thị trường tiêu thụ bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, nông dân không chủ động được thời vụ sản xuất. Mặt khác, trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng hạn chế, việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp cũng đặt ra những thách thức nhất định đối với nông dân cũng như chính quyền địa phương.

Bí thư Huyện ủy – Phạm Văn Bốn khảo sát tại vườn rau của hộ ông Trần Tiết Giao, xã Phước Hậu.

Bí thư Huyện ủy – Phạm Văn Bốn (bìa phải) khảo sát tại vườn rau của hộ ông Trần Tiết Giao, xã Phước Hậu

Từ thực tế đó, Đại hội Đảng bộ huyện Cần Giuộc nhiệm kỳ 2015-2020 xác định đưa sản xuất nông nghiệp ƯDCNC là một trong số các chương trình đột phá của nhiệm kỳ với mục tiêu đến năm 2020, địa phương sẽ có 1.000ha rau sản xuất ƯDCNC. Đây cũng là nghị quyết nhằm cụ thể hóa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, trước khi bắt tay vào thực hiện chương trình, để thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân, huyện tổ chức cho hàng trăm hộ dân đi thực tế tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất rau ƯDCNC tại các địa phương có thế mạnh sản xuất rau như Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Song song đó, hệ thống chính trị của huyện cũng thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân cũng như thực hiện các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất rau ƯDCNC. 

Từ những đợt tham quan, những lớp tập huấn, những mô hình trồng rau ƯDCNC đầu tiên bắt đầu xuất hiện trên địa bàn huyện. Đó là việc áp dụng nhà màng cho sản xuất rau xà lách xoong, chuyển đổi sử dụng các loại phân bón thân thiện với môi trường, ít độc hại như phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh đến việc áp dụng đồng bộ hệ thống nhà lưới, nhà kính, tưới nước tự động tiết kiệm, sản xuất theo phương pháp thủy canh.

Những nông dân mạnh dạn đi đầu trong việc ƯDCNC vào sản xuất phải kể đến ông Trần Tiết Giao (xã Phước Hậu), khi ông mạnh dạn đầu tư đồng bộ hơn 4.000m2 nhà lưới để trồng rau và đang mở rộng thêm quy mô sản xuất. Theo ông Trần Tiết Giao, mặc dù việc đầu tư bước đầu tốn kém nhưng rất hiệu quả khi giảm được đến mức thấp nhất chi phí sản xuất, nhân công lao động cũng như tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. “Nếu như trước đây, để tưới 4.000m2 rau ít nhất cũng phải tốn 1-2 nhân công thì nay, tôi chỉ cần đứng một chỗ bấm nút là xong. Chưa kể việc bón phân cũng được tích hợp luôn qua hệ thống tưới tự động, tiết kiệm” - ông Trần Tiết Giao cho biết. Hay như trường hợp của nông dân trẻ Đinh Bạt Quy (xã Mỹ Lộc), từ cảm hứng xây dựng sản phẩm nông nghiệp sạch đã trở thành ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm dưa lưới cùng Hợp tác xã Tam Nông Việt. Đến nay, ngoài mô hình trồng dưa lưới tại xã Mỹ Lộc, anh Đinh Bạt Quy còn phối hợp nhiều nông dân khác nhân rộng mô hình tại các địa phương như huyện Châu Thành, TP.Tân An,...

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính ngày càng phổ biến tại huyện Cần Giuộc

Những con số ấn tượng

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Ngô Bảo Quốc, đến thời điểm hiện tại, diện tích sản xuất rau ƯDCND của huyện đã được 785,5ha, đạt 78,55% so với Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện và đạt 82,6% so với Nghị quyết Tỉnh ủy với các mô hình như sản xuất rau sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà màng, nhà lưới, nhà kính, sản xuất rau theo phương pháp thủy canh,... Tại xã Long Hậu còn có mô hình trồng rau với các sản phẩm siêu sang, siêu sạch, đủ tiêu chuẩn đưa vào hệ thống nhà hàng, khách sạn lớn thay thế các loại rau vốn trước đây chỉ được nhập khẩu. “Hiệu quả trong ƯDCNC vào sản xuất mang lại đã tạo sức lan tỏa ở các địa phương. Hầu hết người dân đã tiếp cận và từng bước ƯDCNC vào sản xuất. Sự thay đổi tư duy làm nông nghiệp kiểu mới mang lại hiệu quả tích cực khi sản phẩm rau Cần Giuộc đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường với các sản phẩm an toàn cho người sử dụng, nông dân có thu nhập ổn định và cao hơn so với cách sản xuất truyền thống trước đây” - ông Ngô Bảo Quốc cho biết.

Tại huyện Cần Giuộc, ngoài ƯDCNC trong sản xuất rau thì việc tăng cường ƯDCNC trong nuôi tôm nước lợ cũng bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực khi người nuôi tôm mạnh dạn ứng dụng một phần công nghệ vào nuôi trồng như việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, xử lý môi trường, xi-phông đáy ao, nuôi nhiều cấp, sử dụng máy biến tần, máy cho ăn,... với 397 hộ dân tham gia. Theo UBND huyện Cần Giuộc, đến năm 2020, toàn huyện phấn đấu có 200ha nuôi tôm ƯDCNC.

Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo ƯDCNC huyện Cần Giuộc - Đồng Quang Đôn cho biết: “Cái được lớn nhất sau gần 4 năm thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC chính là đã tạo được sự chuyển biến từ nhận thức đến tư duy của nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân đã và đang chuyển dần từ việc canh tác truyền thống sang ƯDCNC vào sản xuất, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giảm tối đa chi phí đầu vào, tạo lợi nhuận lớn hơn cho nông dân. Ngoài ra, việc ƯDCNC vào sản xuất còn giúp địa phương chủ động và bảo đảm được nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp. Qua phân tích của Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản và đánh giá của các nhà phân phối, dư lượng chất độc hại trên các sản phẩm nông nghiệp của huyện đã giảm rất nhiều so với trước đây, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe trong bảo đảm an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng đón nhận. Đó cũng là cách để sản phẩm nông nghiệp huyện Cần Giuộc xây dựng được thị trường tiêu thụ ổn định hơn. Kết quả ban đầu như vậy là rất khả quan. Sắp tới, UBND huyện sẽ phối hợp các đơn vị liên quan xúc tiến tổ chức hội thảo để xây dựng thương hiệu rau Cần Giuộc”./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích