Tiếng Việt | English

08/10/2019 - 14:18

Cần tỉnh táo để nhận diện thông tin xấu, độc trên mạng xã hội

Trước sự bùng nổ của mạng xã hội, thông tin xấu, độc, bôi nhọ, bịa đặt, chưa được kiểm chứng xuất hiện khá nhiều, gây hoang mang dư luận, làm suy giảm niềm tin của công chúng.

Theo thống kê của Bộ Thông và Truyền thông, cả nước có 455 MXH trong nước được cấp phép. Mặc dù số lượng giấy phép được cấp cho các doanh nghiệp trong nước khá lớn nhưng thực tế, người dùng ở Việt Nam chủ yếu sử dụng các dịch vụ của nước ngoài: Facebook, Instagram, Youtube,... 

Tính hai mặt mạng xã hội

Thông tin trên môi trường mạng có thể chia làm 2 luồng chính, luồng thứ nhất gồm báo điện tử và các MXH trong nước được cấp phép, luồng thứ hai là thông tin được chia sẻ, đăng tải trên các dịch vụ của nước ngoài được cung cấp như: Facebook, Youtube Twitter, Flickr, Google Plus, WhatsApp, Skype, Instagram,… và các trang thông tin điện tử có máy chủ ở nước ngoài, có tên miền quốc tế.

Việc đăng tải thông tin lên MXH khá dễ dàng, chỉ cần một điện thoại smartphone, máy tính bảng,… là có thể quay phim, chụp ảnh, truyền tải video, hình ảnh livestream trực tiếp tới những người tham gia MXH, tạo hiệu ứng lan truyền rộng khắp.

Một điều khá rõ nét, thông tin trên mạng và MXH là cách nhanh nhất để giới thiệu bản thân đến mọi người, bày tỏ cảm xúc, chia sẻ quan điểm cá nhân, gắn kết cộng đồng, gặp gỡ và giao lưu với mọi người trên thế giới. Ngoài ra, MXH là môi trường kinh doanh lý tưởng như bán hàng online, quảng cáo sản phẩm, tìm kiếm khách hàng,… MXH còn là nơi chia sẻ thông tin rộng rãi giúp báo chí có nhiều cơ hội khai thác thông tin; nhiều vụ việc xuất phát từ MXH, trở thành nguồn tin của báo chí gây tiếng vang, có tác động lớn đến công chúng. 

Ngoài những mặt tích cực, thông tin trên mạng còn ẩn chứa nhiều vấn đề bất cập và hiểm họa khó lường nếu người sử dụng không đúng mục đích. Thực tế, bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị thì còn vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, làm lẫn lộn đúng - sai, thật - giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch. 

Tình trạng thông tin xấu độc phát tán tràn lan trên mạng trong thời gian gần đây đã trở thành vấn đề “hot”, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội, làm ảnh hưởng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường công tác thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

Nâng cao tinh thần cảnh giác

Việc phát tán thông tin xấu độc diễn ra khá phổ biến nhưng chỉ tập trung ở các trang thông tin điện tử có tên miền quốc tế và các MXH nước ngoài: Facebook, YouTube,… có nhiều hình thức nhưng tập trung chủ yếu: Các thông tin chống phá, xuyên tạc đường lối bảo vệ Tổ quốc và đường lối đối ngoại của Đảng, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, xuyên tạc lịch sử; vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, hoài nghi lẫn nhau; truyền bá lối sống trụy lạc, xa hoa, bạo lực, lừa đảo; đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quảng cáo sai sự thật,... 

Nguyên nhân chủ yếu do ý thức đối với việc cung cấp và sử dụng thông tin chưa cao, người dùng cần xây dựng cho bản thân sức “đề kháng” với những thông tin xấu độc. Một số bộ phận vẫn chủ động tìm đọc những thông tin giật gân, phản cảm rồi cùng nhau chia sẻ làm cho số lượng thông tin xấu độc được đưa đến người dùng tăng theo cấp số nhân.

Chỉ tính riêng trong 2 năm (2017, 2018), Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý 15 vụ, trong đó có 4 vụ xử phạt hành chính, 11 vụ việc chuyển Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu Facebook gỡ bỏ tài khoản do không xác định được chủ thể vi phạm. 

Tính đến tháng 6/2019, Facebook đã gỡ 201 tài khoản cá nhân giả mạo; 109 đường link tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu, độc, kích động chống phá nhà nước; 2.444 đường link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; 214 đường link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ các lãnh đạo Đảng và nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức; 215 Fanpages về game cờ bạc, đổi thưởng. Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ gần 8.000 video vi phạm trên YouTube,…

Công tác phát hiện, xử lý vi phạm đối với các nội dung xấu độc trên mạng không hề đơn giản. Các MXH nước ngoài liên tục cập nhật, bổ sung các tính năng mới giúp kết nối, chia sẻ thông tin giữa người dùng ngày càng dễ dàng.

Trong đó, đáng chú ý nhất là các tính năng: Livestream (truyền hình trực tiếp); messenger (tích hợp quay phim, chụp ảnh, gọi thoại, gọi video, nhắn tin bằng chữ hoặc âm thanh, gửi tài liệu, hình ảnh,...); tạo nhóm kín để trao đổi; gợi ý nội dung tương tự nội dung người dùng quan tâm hoặc thích xem (tính năng “Suggest” trên Youtube); hiển thị nội dung theo mối quan tâm của từng nhóm đối tượng cụ thể (tính năng tài trợ quảng cáo “Sponsored” của Facebook); đọc tin nhanh (“Instant Article” của Facebook).

Đây là những tính năng giúp cho việc kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa người dùng MXH trở nên rất tiện lợi và bí mật, đồng thời, giúp cho các thông điệp mà người dùng MXH muốn chuyển tải đến những người khác dễ dàng và có độ chính xác rất cao theo từng nhóm đối tượng về độ tuổi, giới tính, tôn giáo, sở thích, mối quan tâm chung, công việc, khu vực, địa điểm,... 

Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia MXH phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên và lâu dài.

Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và mỗi người dân tham gia MXH cần chủ động ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên Internet và MXH. Tích cực chia sẻ những thông tin chính thống để cùng tuyên truyền vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, người dân hiểu và chấp hành pháp luật, không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật. Mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu độc. 

Mặt khác, các cấp chính quyền cần chú trọng thông tin kịp thời, chính xác các vụ việc, vấn đề nổi cộm phát sinh trên địa bàn, tránh để tình trạng nhiễu loạn thông tin để các đối tượng cơ hội lợi dụng đăng tải thông tin sai sự thật.

Đồng thời, giữ nghiêm kỷ luật thông tin, kiên quyết đấu tranh, không tin, không nghe, không đọc, không xem những đài, báo, trang mạng, bài viết, blog, video của những phần tử chống đối, phản động; xử lý nghiêm các phần tử cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cố tình làm lộ lọt, cung cấp thông tin nội bộ, hỗ trợ đưa tin sai sự thật, kích động./.

Hùng Cường

Chia sẻ bài viết