Gắn kết những tâm hồn đồng điệu
Long An không chỉ được biết đến là nơi có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử mà còn được xem là một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ. Hiện nay, loại hình nghệ thuật này phát triển khắp các địa phương trong tỉnh thông qua hình thức sinh hoạt các CLB ĐCTT. Đây được xem là một trong những phương thức bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT.
Các câu lạc bộ đờn ca tài tử hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân
Định kỳ 20 giờ, thứ năm hàng tuần, các thành viên CLB ĐCTT TP.Tân An tổ chức sinh hoạt và giao lưu với người mộ điệu. Không phân biệt già trẻ, trai gái, trí thức hay nông dân,... tất cả đều hòa mình cùng những giai điệu bổng trầm, ngọt ngào và sâu lắng của tiếng đờn, lời ca. Chủ nhiệm CLB ĐCTT TP.Tân An - Nghệ nhân dân gian Trần Đức Nhẫn cho biết: “Hiện CLB có 28 thành viên nòng cốt, trong đó có 10 thành viên là “ứng cử viên” tham gia các liên hoan ĐCTT trong và ngoài tỉnh. CLB không chỉ tổ chức giao lưu, sinh hoạt mà còn hướng dẫn đờn, ca cho những người mộ điệu. Đây là cách mà các thành viên truyền lửa đam mê cho thế hệ sau, góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT”.
Ông Lê Văn Út (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) trải lòng: “Từ nhỏ, tôi đã đam mê ĐCTT nhưng không có điều kiện để theo đuổi con đường ca hát. Giờ đây, cuộc sống ổn định, con cháu thành đạt, tôi có điều kiện tham gia sinh hoạt CLB và học bài bản về nghệ thuật ĐCTT. Sau một thời gian, tôi có thể mạnh dạn đứng trên sân khấu ca chắc nhịp nhiều bài tổ và bài ngự”.
Trước đây, người dân thị trấn Tân Trụ và xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ thường chơi ĐCTT theo kiểu tự phát. Điều này làm cho nghệ thuật ĐCTT nơi đây có thời gian trầm lắng. Do đó, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện quyết định thành lập CLB ĐCTT thị trấn Tân Trụ. CLB tổ chức sinh hoạt 2 lần/tháng.
Các thành viên, người mộ điệu nghệ thuật ĐCTT được cán bộ Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện hướng dẫn 8 bài ngự và 20 bài tổ. Tuy mới hoạt động được 6 tháng nhưng CLB góp phần vực dậy phong trào ĐCTT của địa phương.
Phó Chủ nhiệm CLB ĐCTT thị trấn Tân Trụ - Trần Văn Vân chia sẻ: “Tôi rất đam mê ĐCTT. Cuối tuần, gia đình tôi thường tập hợp các anh em trong xóm lại chơi. Khi đó, tôi đờn còn yếu, chưa đờn được nhiều bài, ca thì chưa chắc nhịp. Khi thành lập CLB ĐCTT, tôi mừng lắm! Nhiều lúc CLB không có kinh phí, tôi bỏ tiền túi hoặc vận động người thân đóng góp để duy trì hoạt động nhằm gắn kết các thành viên, cùng gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống”.
Có mặt tại buổi sinh hoạt ĐCTT của các CLB mới cảm nhận được sức sống của loại hình nghệ thuật vùng sông nước. Các CLB thật sự là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích ĐCTT Nam bộ. Và chính niềm đam mê ĐCTT đã gắn kết những tâm hồn đồng điệu qua từng điệu đờn, câu hát.
Nơi nuôi dưỡng đam mê
CLB Lân sư rồng Tân Hoa Đường (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) được thành lập từ năm 2008 đến nay. Đây là “mái nhà chung” của những bạn trẻ đam mê nghệ thuật múa lân sư rồng. Lúc đầu, CLB chỉ có 10 thành viên tham gia, đến nay có 25 thành viên từ 13-20 tuổi cùng tham gia sinh hoạt, tập luyện.
Chủ nhiệm CLB Lân sư rồng Tân Hoa Đường - Võ Quang Thành cho biết: “CLB được thành lập nhằm thỏa mãn đam mê của tôi và nhiều bạn trẻ khác; đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh, thiếu niên. Đa phần các thành viên CLB có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chúng tôi thường khuyên bảo các em hỗ trợ, chia sẻ cùng nhau trong cuộc sống, không tham gia các tệ nạn xã hội”.
Các thành viên Câu lạc bộ Lân sư rồng Tân Hoa Đường tích cực tập luyện nhằm mang đến những tiết mục hấp dẫn, đặc sắc phục vụ khán giả
Tham gia CLB, các thành viên không chỉ được dạy kỹ thuật múa lân sư rồng mà còn được học lễ nghĩa như tôn sư trọng đạo, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Em Nguyễn Thanh Nhân (17 tuổi, ngụ xã Nhị Thành) chia sẻ: “Năm 2011, em biết đến CLB nên xin tham gia từ đó đến nay. Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 18 giờ, em cùng các bạn tập luyện. Nhờ tham gia CLB mà em thỏa niềm đam mê của mình và được đi biểu diễn nhiều nơi, có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi”.
CLB Lân sư rồng Tân Hoa Đường thường xuyên lưu diễn các tỉnh, thành phố, tham gia các giải đấu và đoạt nhiều giải thưởng cao. Ngoài ra, CLB nhận biểu diễn các dịp giao lưu văn hóa - văn nghệ, mừng khai trương các doanh nghiệp, cửa hàng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Đây là động lực giúp các thành viên trong CLB tích cực tập luyện nhằm mang đến những tiết mục hấp dẫn, đặc sắc phục vụ khán giả.
Năm 2017, CLB Văn nghệ Đồng Tâm (ấp Đồng Tâm, xã Long Trạch, huyện Cần Đước) được thành lập với 13 thành viên, sinh hoạt định kỳ vào tối thứ năm hàng tuần. Nội dung sinh hoạt ngày càng đa dạng, phong phú với những bài tân nhạc, cổ nhạc,... Ngoài tổ chức sinh hoạt định kỳ, CLB còn tham gia biểu diễn trong các chương trình văn hóa - văn nghệ tại địa phương.
Chị Nguyễn Ngọc Thu (thành viên CLB Văn nghệ Đồng Tâm) chia sẻ: “Tham gia sinh hoạt CLB giúp chúng tôi không chỉ giải trí, vui chơi sau những giờ lao động vất vả mà còn thỏa niềm đam mê ca hát. Qua mỗi buổi luyện tập, biểu diễn, chúng tôi còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, từ đó thêm gắn kết tình làng, nghĩa xóm, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”.
Không chỉ mang lời ca, điệu đờn, điệu múa,... đến các chương trình văn hóa - văn nghệ của địa phương để phục vụ khán giả, các CLB còn là sân chơi lành mạnh, bổ ích. Việc phát huy hiệu quả của các CLB này góp phần giữ gìn nét sinh hoạt văn hóa dân gian, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc./.
Lê Ngọc - Thùy Minh