Tiếng Việt | English

16/03/2023 - 09:01

Chăm lo người gốc Việt di cư tự do từ Campuchia về sinh sống trên địa bàn tỉnh

Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội vừa đến thăm nơi sinh sống của kiều bào Campuchia tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An để đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ hòa nhập xã hội; vấn đề quốc tịch, hộ tịch cho trẻ em, người gốc Việt từ Campuchia trở về nước.

Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thăm hỏi đời sống kiều bào Campuchia tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng

Chú trọng công tác chăm lo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa cho biết, việc người gốc Việt di cư tự do từ Campuchia trở về Việt Nam diễn ra từ rất lâu, theo từng giai đoạn, có những trường hợp đã 20-30 năm. Đỉnh điểm là từ năm 2000 trở lại đây, số lượng người gốc Việt từ Campuchia trở về nước khá lớn, số liệu biến động thường xuyên. Đến nay, có 632 hộ, hơn 1.900 nhân khẩu người gốc Việt từ Campuchia trở về, tập trung chủ yếu ở 6 huyện vùng Đồng Tháp Mười. Những trường hợp này hiện có cuộc sống rất khó khăn.

Hiện nay, lãnh đạo tỉnh, chính quyền các địa phương cố gắng hỗ trợ họ mọi mặt như mua bảo hiểm y tế; trường hợp trẻ em có giấy khai sinh hoặc đủ các điều kiện khác được đi học trong các trường công lập theo quy định. Đối với những em thuộc trường hợp khác hoặc người lớn tuổi không có điều kiện học thì chính quyền địa phương tổ chức những lớp phổ cập, chủ yếu do lực lượng bộ đội biên phòng dạy để họ hiểu biết thêm về tiếng Việt. Bên cạnh đó, địa phương cũng tổ chức các lớp dạy nghề nông thôn. Về nhà, đất ở, do số lượng lớn, tỉnh cũng tạo điều kiện tối đa, tập trung cùng địa phương xây dựng những căn nhà để họ tạm sinh sống.

Huyện Vĩnh Hưng vận động, xây dựng 75 căn nhà cho người dân di cư tự do trên cụm dân cư Bình Châu B, xã Vĩnh Bình

Tại huyện Vĩnh Hưng, đến nay, người gốc Việt di cư tự do từ Campuchia về nước sinh sống là 256 hộ với 835 nhân khẩu. Thời gian qua, bằng các nguồn lực, huyện hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần để họ yên tâm ổn định cuộc sống. Huyện vận động, xây dựng 75 căn nhà cho người dân di cư tự do trên cụm dân cư Bình Châu B, xã Vĩnh Bình. Những căn nhà đều được bố trí người vào ở ổn định. Đồng thời, huyện đăng ký cấp thẻ thường trú cho 379 trường hợp, lập thủ tục đăng ký khai sinh cho 242 em là con của người dân di cư tự do từ Campuchia về sinh sống trong huyện; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc đối tượng này. Đặc biệt, thời điểm dịch bệnh Covid-19, huyện không để hộ nào rơi vào cảnh thiếu đói. Riêng trẻ em luôn được chăm lo, tặng quà vào các dịp lễ, tết.

Cần sự quan tâm từ Trung ương

Tuy nhiên, đa số người dân di cư tự do không biết chữ, không có hộ khẩu thường trú, thẻ căn cước công dân nên không tìm được việc làm ổn định hay các giao dịch khác. Họ chủ yếu làm thuê theo mùa vụ, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Chị Ngô Thị Quyền (SN 1972, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Bình) bộc bạch: “Vợ chồng tôi sinh ra và lớn lên ở Campuchia. Năm 2000, chúng tôi về Việt Nam sinh sống. Hiện tại, vợ chồng tôi và con gái đều làm thuê theo mùa vụ, thu nhập lúc có, lúc không. Tôi chỉ mong có giấy tờ tùy thân để các con có thể vào các công ty làm việc ổn định”.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình - Phan Thị Thanh Tâm cho biết: “Hiện tại, vấn đề khó khăn nhất là vướng mắc các quy định của Luật Cư trú. Rất mong các cấp chính quyền từ tỉnh, Trung ương có các chính sách đặc thù để giải quyết các thủ tục hành chính về nhà ở, đất ở, thẻ căn cước công dân hoặc một loại giấy tờ thay thế cho người di cư tự do từ Campuchia về sinh sống ổn định, thực hiện các quyền công dân tại Việt Nam. Đồng thời, sớm có chủ trương, giải pháp bố trí nguồn lực hỗ trợ địa phương xây dựng các cụm, tuyến dân cư tập trung để đưa người gốc Việt từ Campuchia về Việt Nam sống”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - Nguyễn Mạnh Tiến cho biết: “Năm nay, chúng tôi giám sát các địa phương để nắm bắt đời sống, việc thực thi pháp luật của người gốc Việt di cư tự do từ Campuchia trở về Việt Nam. Qua giám sát, nhận thấy chính quyền địa phương rất chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho họ. Tuy nhiên, hiện nay, còn một số vấn đề khó khăn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đầu tiên là giấy tờ tùy thân, đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ nghiên cứu kinh nghiệm các nước để tham mưu Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, kỹ năng, khả năng làm việc của người dân di cư tự do từ Campuchia về nước sinh sống chủ yếu là lao động đơn thuần, ít được đào tạo. Do đó, việc đào tạo nghề, kiến thức rất quan trọng, chắc chắn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể cơ sở”.

Trong chuyến đi này, đại diện các bộ, ngành liên quan cũng được nghe trực tiếp tâm tư, nguyện vọng của người dân. Qua đó, các bộ, ngành có những kế hoạch, giải pháp căn cơ để giải quyết việc làm tốt nhất cho người gốc Việt di cư tự do từ Campuchia trở về Việt Nam trong thời gian tới./.

Trà Long

Chia sẻ bài viết