Trẻ suy dinh dưỡng được đặc biệt quan tâm về chế độ dinh dưỡng hàng ngày
Theo dõi chiều cao, cân nặng trẻ
Trẻ trong độ tuổi mầm non, mẫu giáo phát triển nhanh và đề kháng còn yếu nên dễ mắc bệnh. Trong khi đó, phần lớn thời gian trẻ ở trường nên công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục mầm non. Do đó, các trường mầm non, mẫu giáo luôn đặc biệt quan tâm công tác này và chủ động ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh nhằm giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
Tại Trường Mầm non thị trấn Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An), hình ảnh trẻ lần lượt được cân, đo, khám sức khỏe trở nên quen thuộc với cả cô và trẻ. Theo đó, trường tiến hành cân, đo 3 tháng/lần và khám sức khỏe 2 lần/năm cho trẻ. Dựa theo chiều cao, cân nặng và tình trạng sức khỏe của trẻ, trường có cách chăm sóc riêng. Những trẻ suy dinh dưỡng dạng béo phì có khẩu phần ăn bảo đảm năng lượng và cho tham gia các trò chơi vận động để tăng cường sức khỏe, khắc phục tình trạng béo phì. Những trẻ suy dinh dưỡng dạng thấp còi thì giáo viên luôn theo sát để nhắc trẻ ăn hết phần ăn của mình, tăng cường sữa và tham gia một số trò chơi phù hợp để tăng chiều cao và khỏe mạnh.
Cô Lê Thị Chuyền - giáo viên lớp chồi, Trường Mầm non thị trấn Thạnh Hóa, cho biết: “Đối với những trẻ suy dinh dưỡng dạng béo phì và dạng thấp còi, tôi theo dõi chiều cao, cân nặng hàng tháng để kịp thời điều chỉnh nếu trẻ có sự thay đổi dù theo hướng tăng hoặc giảm. Ngoài ra, tôi còn phối hợp phụ huynh để áp dụng chế độ dinh dưỡng cho trẻ tại nhà, giúp tăng hiệu quả. Nhờ vậy, so với đầu năm học, trẻ suy dinh dưỡng ở cả 2 dạng đều giảm”.
Bên cạnh theo dõi chiều cao, cân nặng, trường cũng quan tâm các vấn đề khác trong chăm sóc sức khỏe trẻ. Trường lập danh sách về độ tuổi của trẻ gửi địa phương để nhắc nhở lịch tiêm ngừa các loại bệnh. Trường phối hợp ngành y tế địa phương phun, xịt toàn bộ không gian trường khi có các dịch bệnh theo mùa; đồng thời, chủ động giữ gìn vệ sinh không gian chăm sóc, giáo dục trẻ, vệ sinh lớp học, đồ dùng, đồ chơi của trẻ.
“Giáo dục trẻ tự chăm sóc sức khỏe bản thân là tiêu chí đầu tiên của nhà trường trong chăm sóc sức khỏe trẻ. Theo đó, trẻ biết rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, đánh răng sau khi ngủ dậy. Mỗi bé có 1 cái ca uống nước và khăn lau mặt riêng. Nếu có trường hợp trẻ bệnh, nhân viên y tế trường sẽ chăm sóc cho trẻ và báo ngay cho phụ huynh. Những trẻ bị bệnh sốt, cảm, tay - chân - miệng và các bệnh có thể lây thì được nghỉ học để gia đình chăm sóc” - Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thạnh Hóa - Nguyễn Thị Vân Trúc chia sẻ.
Phòng y tế - địa chỉ tin cậy tại trường của học sinh khi có vấn đề về sức khỏe
Chăm sóc sức khỏe ban đầu
Đối với cấp phổ thông, công tác chăm sóc sức khỏe càng nhiều vấn đề hơn. Đó là chăm sóc sức khỏe về thể chất, tinh thần và cung cấp những kiến thức, kỹ năng để phòng, chống bệnh tật, bạo lực học đường, áp lực tâm lý, sức khỏe sinh sản vị thành niên và biết tự bảo vệ mình, nhất là HS nữ. Để giúp HS “khỏe mạnh” về thể chất lẫn tinh thần, các trường phổ thông phải nỗ lực rất nhiều và có sự kết hợp chặt chẽ với gia đình, xã hội.
Đau đầu, chóng mặt, sốt, trầy xước hay ngất xỉu trong giờ học thể dục,... là HS Trường THPT Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh) lại tìm đến phòng y tế của trường. Các em được đo nhịp tim, mạch, huyết áp và hỏi kỹ các triệu chứng trước đó trước khi cho thuốc.
Nguyễn Hồng Thảo - HS lớp 10C8, Trường THPT Tân Thạnh, đến phòng y tế trong tình trạng mệt mỏi và sốt. Theo đó, nhân viên y tế khám, cho thuốc Thảo uống ngay tại chỗ và nhắc nhở về những lưu ý trong chăm sóc sức khỏe đối với tình trạng của em; đồng thời, không quên động viên em cố gắng ăn uống đầy đủ, ngủ đúng giờ.
Nhân viên y tế Trường THPT Tân Thạnh - Nguyễn Thị Truyền chia sẻ: “Tôi trực xuyên suốt theo thời gian học của HS. Phòng Y tế được trang bị đủ thuốc và một số thiết bị để sơ cứu ban đầu cho HS có vấn đề về sức khỏe. Ngoài ra, tôi còn khám sức khỏe định kỳ và theo dõi lịch sử bệnh, tiêm phòng của HS. Những HS có vấn đề phát sinh trong quá trình khám tổng quát thì được tư vấn đến các đơn vị y tế tuyến trên để kiểm tra”.
Ngoài ra, mỗi tháng, trường còn tuyên truyền về các vấn đề liên quan chăm sóc sức khỏe tùy theo chủ đề, chủ điểm và dịch bệnh theo mùa trong tiết sinh hoạt dưới cờ. Các nội dung tuyên truyền như phòng, chống sốt xuất huyết, thủy đậu, tay - chân - miệng, đau mắt đỏ, tác hại của thuốc lá, sức khỏe sinh sản vị thành niên,... Qua đó, HS được cung cấp những kiến thức, kỹ năng quan trọng; đồng thời, biết cách phòng, chống các bệnh thường gặp và tự bảo vệ bản thân.
“Được cung cấp kiến thức về y tế, em hiểu hơn các loại bệnh và cách phòng, tránh. Ngoài ra, khi có vấn đề về sức khỏe, em đến phòng y tế để xin thuốc và nhờ tư vấn” - Trương Lê Tuấn Kiệt - HS lớp 12C1, Trường THPT Tân Thạnh, chia sẻ.
Ngoài ra, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho HS cũng được trường quan tâm. HS có thể đặt câu hỏi thắc mắc tại tổ tư vấn tâm lý học đường. Bên cạnh đó, HS được giáo dục các kỹ năng sống cần thiết để biết cách xử lý tình huống và bảo vệ mình khi có vấn đề phát sinh.
Chăm sóc sức khỏe trong học đường tuy được quan tâm nhưng kết quả chưa như mong đợi, đặc biệt là “sức khỏe” tinh thần của HS khi đâu đó vẫn còn tình trạng HS bắt nạt bạn, bạo lực học đường và những sự cố ngoài ý muốn của HS nữ do thiếu kiến thức về giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên./.
Ngọc Thạch