Tiếng Việt | English

25/08/2021 - 11:27

Chậm tiêm vaccine sẽ khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 2.300 tỷ USD

Theo một phân tích, các quốc gia chưa tiêm chủng cho 60% dân số của họ vào giữa năm 2022 sẽ phải chịu thiệt hại nặng về kinh tế, tương đương với khoảng 2.300 tỷ USD trong 4 năm tới.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nghiên cứu được công bố ngày 25/8 của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro EIU thuộc Tập đoàn Economist cho thấy việc chậm triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ khiến sản lượng kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 2.300 tỷ USD.

Báo cáo trên của EIU nêu rõ, những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nơi các chương trình tiêm chủng đang được tiến hành với tiến độ và quy mô kém xa so với các nước giàu hơn, sẽ phải gánh chịu những thiệt hại đó.

Nghiên cứu của EIU được đưa ra khi các quốc gia phát triển trên thế giới đang hướng tới việc cung cấp các mũi tiêm nhắc lại cho người dân của họ trong khi vẫn nỗ lực tham gia các chương trình nhân đạo quốc tế để cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia nghèo hơn, vốn đang còn nhiều bất cập.

EIU tính toán rằng, các quốc gia chưa tiêm chủng cho 60% dân số của họ vào giữa năm 2022 sẽ phải chịu thiệt hại nặng về kinh tế, tương đương với khoảng 2.000 tỷ euro (2.348 tỷ USD), trong giai đoạn 2022-2025.

EIU cho biết, các nền kinh tế mới nổi sẽ gánh chịu khoảng 2/3 mức thiệt hại này, càng làm trì hoãn quá trình hội tụ kinh tế của họ với các nước phát triển hơn. Cơ quan này cảnh báo việc chậm triển khai chương trình vaccine có thể gây ra sự phẫn nộ, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội ở các nền kinh tế đang phát triển.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất xét về giá trị tuyệt đối, chiếm gần 3/4 số thiệt hại nêu trên. Nhưng tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP, khu vực châu Phi cận Sahara sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Theo nghiên cứu của EIU, khoảng 60% dân số ở các nước có thu nhập cao đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 vào cuối tháng 8/2021, so với chỉ 1% ở các quốc gia nghèo hơn.

Agathe Demarais, tác giả của báo cáo trên cho biết, nỗ lực quốc tế để cung cấp vaccine COVID-19 cho các quốc gia nghèo theo Cơ chế COVAX, đã không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Bà nói thêm, có rất ít khả năng rằng sự phân chia đồng đều khả năng tiếp cận vaccine trên toàn cầu sẽ được cải thiện, khi các nước giàu chỉ đang cung cấp một phần nhỏ những gì cần thiết.

Bà Demarais lưu ý, việc các nền kinh tế phát triển đang chuyển sang sử dụng liều tăng cường của vaccine ngừa COVID-19 sẽ gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu thô và tắc nghẽn sản xuất.

EIU cho biết, nghiên cứu trên của họ được thực hiện bằng cách kết hợp các dự báo nội bộ về lịch trình tiêm chủng ở khoảng 200 quốc gia và dự báo tăng trưởng GDP./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết