Tiếng Việt | English

17/10/2020 - 16:19

'Cháu đã ngã xuống ở thuỷ điện Rào Trăng 3, đau xót vô cùng...'

Vụ sạt lở kinh hoàng tại thủy điện Rào Trăng 3 đã chôn vùi lời hứa sẽ cùng vợ đưa con nhỏ đi khám bệnh của thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc. Tang thương bao trùm con hẻm nhỏ nơi gia đình anh Phúc sinh sống.

Tang thương bao trùm con hẻm nhỏ nơi gia đình thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc sinh sống. Ảnh: Huy Đạt

Tang thương bao trùm con hẻm nhỏ nơi gia đình thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc sinh sống. Ảnh: Huy Đạt

Con thơ chờ mãi lời ba đưa đi khám bệnh

Tai họa ập đến bất ngờ, những người lính áo xanh dũng cảm trên đường đi cứu người trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 đã mãi mãi nằm xuống, để lại nỗi tiếc thương, đau xót.

Dưới cơn mưa như trút nước, chúng tôi men theo đường kiệt nhỏ với nhiều vũng nước đọng trên đường Hùng Vương (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) tìm đến nhà thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc (Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế), một trong 13 người hy sinh tại trạm kiểm lâm 67, thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế).

Dưới cơn mưa lớn, nhiều người khẩn trương dựng mái che chờ đưa thiếu tá Phúc về với gia đình. Ảnh: Huy Đạt

Dưới cơn mưa lớn, nhiều người khẩn trương dựng mái che chờ đưa thiếu tá Phúc về với gia đình. Ảnh: Huy Đạt

Dưới cơn mưa lớn, nhiều người khẩn trương dựng mái che chờ đưa thiếu tá Phúc về với gia đình. Ảnh: Huy Đạt

Dưới cơn mưa lớn, nhiều người khẩn trương dựng mái che chờ đưa thiếu tá Phúc về với gia đình. Ảnh: Huy Đạt

Ở cuối con hẻm, người thân và hàng xóm đang tất bật đội mưa dựng rạp chờ đưa anh Phúc về với gia đình… Vội vã thu dọn nhà cửa chuẩn bị mai táng cháu ruột, ông Lê Văn Hùng (54 tuổi), cậu ruột thiếu tá Phúc, nghẹn ngào cho hay anh Phúc có vợ làm ở Bệnh viện Trung ương Huế, hiện vợ chồng anh Phúc cùng 2 con 2 tuổi và 6 tuổi đang sống cùng nhà với bố mẹ.

Theo lời kể của ông Hùng, ngày 11/10 cũng là lần cuối ông Hùng gặp mặt cháu mình vào buổi chiều, lúc thiếu tá Phúc vừa đi làm về. Tuy nhiên, vừa mở cổng vào nhà thì anh Phúc vội vã quay xe để đi lại. Hỏi ra thì biết đơn vị có việc gấp.

Cũng buổi chiều 11/10, trước khi quay trở đi vội vã, thiếu tá Phúc hứa với vợ xong việc sẽ về đưa đứa con nhỏ 2 tuổi đang sốt cao đi khám bệnh. Thế nhưng, trước lệnh điều động của đơn vị, anh gửi con đang ốm đau lại cho ông bà nội cùng vợ chăm sóc, anh thu xếp vài bộ quần áo rồi lên đường.

Ông Hùng đau buồn khi phép màu đã không đến, người cháu ruột đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Huy Đạt

Ông Hùng đau buồn khi phép màu đã không đến, người cháu ruột đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Huy Đạt

Ánh mắt đượm buồn nhìn về xa xăm giữa cơn mưa trắng trời, ông Hùng cho hay suốt mùa bão lũ vừa qua, là Trưởng ban Công binh, thiếu tá Phúc thực hiện nhiệm vụ, hỗ trợ các vùng hiểm yếu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mới đây nhất, khi đợt lụt lớn nhấn chìm ngay ở trung tâm TP.Huế, căn nhà nhỏ của anh Phúc bị nước lụt ngập đến gần ngực, thế nhưng anh Phúc vẫn đang thực hiện nhiệm vụ, ngôi nhà lúc đó chỉ còn cha mẹ già, cùng vợ và hai con tự xoay sở dọn dẹp.

“Mưa lớn kéo dài khiến cả khu xóm nước ngập đến thắt lưng, anh chị tôi đã lớn tuổi gồng mình dọn dẹp nhà cửa, lúc này Phúc đã lên đường đi về vùng lũ lớn để giúp bà con, bỏ lại gia đình ở phía sau. Xong việc, cháu gọi điện về nhà căn dặn đủ điều… Họ hàng mỗi người một tay dọn dẹp tránh lũ giúp nhau, rồi nói với cháu cứ yên tâm làm nhiệm vụ, ở nhà đã ổn thỏa”, ông Hùng kể.

'Từ nay vắng bóng con...'

Chậm rãi rót chén trà nóng mời những vị khách đến chia buồn cùng gia đình, ông Hùng kể lại, khi nghe tin đồng đội báo tin về cháu tôi bị mất tích ở khu vực hiểm trở và sau đó là những hung tin từ truyền thông khiến đại gia đình, hàng xóm đau xót vô cùng.

“Từ ngày cháu Phúc mất tích khi trên đường làm nhiệm vụ, cả họ hàng và làng xóm cầu trời khẩn phật mong cháu tai qua nạn khỏi. Thương lòng nhất vẫn là người mẹ già mất đứa con trai, chị tôi như chết đi rồi… từ nay vắng bóng con trai, không biết bà ấy sụp đổ mức nào”, ông Hùng xúc động.

Ngồi thẩn thờ nhìn người qua kẻ lại tất tả lợp những tấm tôn cuối cùng dài chưa tới 3 m, cố che kín con hẻm nhỏ, ông Tôn Thất Lập (60 tuổi, bác ruột thiếu tá Phúc) nghẹn giọng nói: “Chiều hôm qua (12.10), tôi còn nói với em trai tôi cứ hãy tin vào phép màu, còn một chút vẫn hy vọng, tôi tin cháu tôi sẽ bình an trở về. Thế rồi…!”, ông Lập khựng lời.

Ông Tôn Thất Lập vẫn không thể tin được cháu trai đã hy sinh trong vụ sạt lở kinh hoàng tại thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Huy Đạt

Ông Tôn Thất Lập vẫn không thể tin được cháu trai đã hy sinh trong vụ sạt lở kinh hoàng tại thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Huy Đạt

Người nhà thiếu tá Phúc đau xót trước sự mất mát to lớn. Ảnh: Huy Đạt

Người nhà thiếu tá Phúc đau xót trước sự mất mát to lớn. Ảnh: Huy Đạt

Ông Lập cho hay, lúc 10 giờ ngày 16.10, xe quân đội đã đến đón người thân là vợ và cha mẹ thiếu tá Phúc vào Bệnh viện Quân y 268. Theo thông báo, chỉ có những người này được vào, họ hàng đi theo thì chờ bên ngoài khu vực, không được vào bên trong.

Kể về cuộc đời binh nghiệp của người cháu ruột, ông Lập cho biết, cả gia đình chỉ có mỗi anh Phúc làm quân nhân, Phúc là niềm tự hào của cả gia đình, họ hàng. “Giờ đây, cháu tôi hy sinh là sự thật rồi, cháu đã ngã xuống ở thuỷ điện Rào Trăng 3, đau xót vô cùng. Làm ông nội, cứ nhìn 2 đứa cháu nội trai từ nay mồ côi cha khiến tôi lòng đau như cắt…”, ông Lập rưng rưng./.

Theo thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích