Modric hay Pogba, ai sẽ là bộ não xuất sắc hơn của trận chung kết?
Thật khó để xuyên phá một đối thủ được phòng ngự chặt chẽ và có tổ chức. Nhưng khi đối thủ mất bóng, đó là khi cơ hội của mình mở ra. Điều đó cũng có nghĩa là khi bạn mất bóng, bạn phải phản ứng cực nhanh để không mở ra cơ hội cho đối thủ".
Đó chính là quan điểm của Jose Mourinho, một trong 5 HLV hàng đầu hiện nay về lối chơi chuyển đổi nhanh trạng thái (cùng với Simeone, Pep Guardiola, Jurgen Klopp và Ranieri).
Và cũng từ Mourinho cùng những HLV hàng đầu kể trên, chuyển đổi trạng thái nhanh đang là cái mốt, mà trong đó, Didier Deschamps đang là người bắt kịp trào lưu nhất.
Marcelo Bielsa có nói một câu ngắn gọn, nhưng đủ sức mạnh thuyết phục rằng: "Kiểm soát bóng là Vua, nhưng chiến thắng cuối cùng mới là quan trọng nhất".
Câu nói của Bielsa có thể cho chúng ta mường tượng lại trận bán kết giữa Croatia và Anh. Ở đó, Anh cầm bóng hơn 55% thời gian. Con số ấy cho thấy giữa họ và đối thủ, họ là "Vua".
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như những học trò của Southgate biết pressing tốt hơn, biết chuyển đổi trạng thái nhuần nhuyễn hơn.
Anh có khả năng tấn công rất tốt, hay nói đúng hơn là tạo ra những đợt tấn công nguy hiểm. Nhưng khi mất bóng, đội hình của Southgate đã không phản ứng kịp thời. Họ không co lại tạo thành một hệ thống phòng ngự có tổ chức chặt chẽ trước khung thành.
Vì thế, Croatia có cơ hội để chơi giãn rộng hơn, rồi bất thần có những đường phục kích từ biên, trong khi tuyển Anh lại quá chú trọng vào trung lộ bởi họ chủ quan nghĩ rằng nếu Croatia tạt từ biên, Anh có thế thượng phong hơn trong tranh chấp bóng bổng.
Croatia thực chất cũng không phải đội bóng có khả năng chuyển đổi nhanh tốt. Họ thường nhập cuộc nhanh, tỏ ra sắc bén trong tấn công ở những phút đầu trận nhưng họ cũng hay thua trước (Croatia để cả Đan Mạch, Nga và Anh dẫn bàn trước ở 3 vòng đấu vừa rồi).
Điều đó có nghĩa là Croatia phản ứng chậm trong các tình huống mất bóng khi các đợt tấn công của họ bị bẻ gãy.
Pháp của Deschamps năm nay chơi khác hẳn với họ từ xưa tới giờ. Đã không còn một đội bóng chủ quan và kiêu ngạo nữa mà thay vào đó, Deschamps hoàn thành việc xây dựng 1 đội bóng cẩn trọng, tôn trọng tất cả các đối thủ, kể cả là đội bóng yếu hơn mình nhiều.
Pháp có thể chủ động để đối phương cầm bóng và chớp thời cơ rất nhanh khi đoạt lại được bóng. Cơ bản, họ dựa trên tốc độ của tuyến tấn công (điển hình là Mbappe) và nhãn quan cực nhạy của hàng tiền vệ.
Và thực tế, để xây dựng một đội bóng chuyển đổi nhanh, ngoài việc từng cầu thủ phải có ý thức chiến thuật tốt để đóng góp vào lối chơi chung, mỗi đội bóng đều cần một cầu thủ bộ não, hay nói đúng hơn là một "cầu thủ chủ mưu" (thinking player) theo định nghĩa của các HLV hiện đại.
Ở một "cầu thủ chủ mưu" như thế, thứ năng lực đòi hỏi cần phải có, và tối thượng nhất, chính là "tốc độ". Ở đây không phải thứ tốc độ thể lý kiểu những bước chạy của Mbappe. Nó là tốc độ tư duy bao gồm: tốc độ nhận biết tình thế, tốc độ cảm nhận, tốc độ ra quyết định, tốc độ hành động.
Khi đội bóng tấn công và mất bóng, cầu thủ ấy phải lập tức lập trình ngay trong não bộ rằng mình buộc phải lui về vị trí nào để giữ hệ thống phòng ngự có tổ chức tối ưu nhất. Khi đội bóng đoạt lại được bóng từ việc bẻ gãy một đợt tấn công của đối thủ, cầu thủ ấy lập tức phải nhận thức ngay nếu bóng đến chân mình thì nó sẽ phải được triển khai về đâu.
Đó chính là tốc độ nhận biết tình thế và tốc độ cảm nhận để đưa mình di chuyển đến đúng vị trí phù hợp với cả hệ thống. Và khi họ bước vào cuộc chiến 1 đối 1, tức tranh chấp hay chuyền bóng cho đồng đội, họ phải ra quyết định cực nhanh và để tối ưu hoá khả năng chính xác của mình (từ nhận biết tình thế, cảm nhận tình huống, lựa chọn quyết định nhanh) họ phải thực hiện bằng tốc độ hành động.
Tất nhiên, muốn làm được điều đó, họ rất cần phẩm chất kỹ thuật và tư duy chiến thuật cao. Và với tất cả những yếu tố kể trên, chúng ta bắt đầu dễ dàng bài toán so sánh để tìm ra ai mới là bộ não của trận chung kết World Cup 2018 này.
Luca Modric sẽ là cái tên nhiều người nhắc tới bởi phẩm chất của anh ở Real Madrid là không thể phủ nhận. Nhưng thực sự, từ đầu mùa giải World Cup tới nay, chưa trận nào Modric cho thấy anh có được những tốc độ kể trên. Chính vì thế, Croatia chơi chuyển đổi trạng thái không hề tốt chút nào.
Điều đó có thể dễ dàng được lý giải rằng chính HLV Dalic không xây dựng đội bóng trên triết lý đó, nên một bộ não tuyệt vời như Modric đã bị lãng phí trong một tập thể chưa ở tầm của mình.
Và tương tự với Modric là Rakitic. Nếu chúng ta nhìn lại những đường chuyền bóng lỡ nhịp của Rakitic và Modric trước Anh chúng ta sẽ hiểu ra rằng không phải hai cầu thủ ấy có lỗi hoàn toàn.
Lỗi nằm ở đồng đội của họ nữa, những người không di chuyển theo cái "nhịp" mà họ đã quen ở Real hay Barca.
Trong khi đó, ở Les Bleus, chúng ta chưa nhận thấy Pogba là một ngôi sao xứng tầm giá trị chuyển nhượng. Song, cách chơi của Pogba lại rất hữu dụng trong lối chuyển đổi trạng thái nhanh mà Deschamps xây dựng.
Hãy nhìn vào ví dụ, là bàn mở tỷ số trước Argentina ở vòng 1/8. Pogba đoạt được bóng. Pháp đang co cụm lại bỗng bung ra rất nhanh. Pogba đưa bóng nhanh và chuẩn cho Griezmann. Griezmann đẩy đúng tầm chạy như gió của Mbappe. Argentina phạm lỗi và Pháp có penalty.
Ngoài Pogba, Griezmann là bộ não xuất sắc trong chuyển đổi trạng thái. Chính Diego Simeone đã chọn Griezmann là con bài chủ chốt trong lối chơi của Atletico.
Ở đó, Griezmann có thể di chuyển sâu xuống trung lộ đón đường bóng phản công, có thể lòn sau lưng hàng thủ đối phương để tiếp cận khung thành và anh cũng có thể cầm bóng để là người mở ra nhịp tấn công cho đội nhà.
Và Griemann đang có những trợ thủ đắc lực để chất "chủ mưu" của mình phát huy. Ví dụ như Giroud. Anh ta có thể bị chê là chân gỗ nhưng không ai có thể phủ nhận lối di chuyển rộng, tạo áp lực trực tiếp lên các trung vệ đối phương của anh đã khiến Griezmann và Mbappe có không gian khi phản công.
Chính trận gặp Bỉ, hệ thống phòng ngự 3 người của Martinez đã bị Giroud phá nát bằng cách quấy đảo rất khó chịu của một người chấp nhận đóng vai thầm lặng.
Ngoài Giroud, tốc độ của Mbappe chính là vũ khí nguy hiểm nhất mà Pháp có trong tay. Trong khi đó, Mandzukic của Dalic đã có tuổi, và cồng kềnh hơn rất nhiều.
Chính Mandzukic có thể sẽ là chìa khoá cuộc chơi, khi anh bị những Kante, Varane, Umtiti đoạt bóng để giúp Pháp tạo nên những pha phản đòn bùng nổ.
Với việc Croatia bị vắt kiệt bởi 3 trận liên tiếp chơi 120 phút, người Pháp rất có thể chơi kiểu càng để trận đấu kéo dài càng khiến đối thủ kiệt sức. Nhưng song song đó, tốc độ chơi bóng cao của Pháp cũng có khả năng là thứ khiến Croatia bị hụt hơi.
Và chắc chắn, Pháp cũng sẽ nhường cho Croatia quyền kiểm soát nhiều hơn, để từ đó có những cú hồi mã thương trầm trọng.
Nhưng nếu như Pháp thay đổi, và chủ động chơi tấn công phủ đầu như một kẻ bề trên, họ sẽ kết thúc World Cup 2018 bằng một trận chung kết đáng nhớ thực sự. Trước một đối thủ thua thiệt hơn mình về thể lực, lựa chọn ấy có khi cũng không tồi./.
Theo tuoitre.vn