Tiếng Việt | English

10/10/2022 - 15:38

Chuyển đổi số: Khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Với quyết tâm đưa tỉnh vào nhóm các địa phương chuyển đổi số (CĐS) tốt, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh, chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số.

Chuyển đổi số mạnh mẽ từ cơ quan hành chính nhà nước

Trung ương chỉ đạo năm 2022 là “Năm Tổng tiến công chuyển đổi số”. Tỉnh xác định năm 2022 là “Năm hành động, tạo bước ngoặt chiến lược về chuyển đổi số”. Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, hôm nay, tỉnh tổ chức họp mặt đại diện tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn. Trước đó, tỉnh đã tổ chức Lễ ra quân phổ biến, hỗ trợ người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số và khai mạc Triển lãm các giải pháp, sản phẩm về chuyển đổi số, an toàn thông tin.

Để thúc đẩy CĐS toàn dân, toàn diện, nhanh và bền vững, ngày 20/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về CĐS tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, UBND tỉnh ban hành Chương trình số 3288/CTr-UBND, ngày 08-10-2021 cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU bằng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tạo bước đột phá trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số trên phạm vi toàn tỉnh.

Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông, để thúc đẩy quá trình CĐS, Sở trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thí điểm CĐS cho 3 xã trên địa bàn tỉnh năm 2021 - 2022 gồm xã Dương Xuân Hội (huyện Châu Thành), thị trấn Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) và phường 4 (TP.Tân An). Đồng thời, Sở phối hợp các địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chuyên trang Thông tin CĐS tỉnh (https://chuyendoiso.longan.gov.vn); thành lập ở mỗi ấp, khu phố một tổ công nghệ số cộng đồng để phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số.

“Việc thí điểm mô hình CĐS cấp xã giúp chính quyền tăng cường tương tác với người dân; giúp người dân, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã mở rộng cơ hội tiếp cận với công nghệ số, dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, đặc trưng của địa phương trên môi trường số”- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bá Luân nhấn mạnh.

Lãnh đạo tỉnh, sở, ngành tham quan, trải nghiệm các gian hàng giới thiệu giải pháp, sản phẩm về chuyển đổi số, an toàn thông tin tại hoạt động triển lãm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 của tỉnh

Là 1 trong 3 địa phương được tỉnh chọn thí điểm thực hiện CĐS, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc tận dụng cơ hội, ứng dụng công nghệ số vào quá trình chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp trong hệ thống chính quyền, phát triển kinh tế và các lĩnh vực của xã hội. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cần Giuộc - Trần Lâm Việt Trung cho biết: Hiện thị trấn sử dụng tốt phần mềm Một cửa điện tử, vận hành hệ thống bắt số tự động. Việc tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp (DN) đều qua không gian mạng. Đến nay, thị trấn có 80% hộ gia đình, 100% trường học đều có kết nối Internet cáp quang; lắp 5 điểm Wifi công cộng miễn phí; phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 98,88% dân số.

Ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, DN, UBND phường 4, TP.Tân An còn đẩy mạnh thanh toán điện tử, ví điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong thanh toán không tiền mặt (34/34 hộ kinh doanh, 204/204 DN, chiếm 100%); phối hợp Mobifone triển khai 5 cụm loa truyền thanh thông minh trên địa bàn; thành lập 8 tổ công nghệ số cộng đồng với 100 thành viên.

Thông tin từ UBND phường 4, hiện phường nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận, triển khai sử dụng nền tảng Chính quyền số cấp xã do Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông chuyển giao; đẩy mạnh thanh toán điện tử tại các cửa hàng quán ăn, kết hợp hướng dẫn sử dụng các sàn thương mại điện tử cho người dân, DN trên địa bàn; lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân theo hướng dẫn của Sở Y tế, bảo đảm 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; lập các nhóm Zalo tổ công nghệ số cộng đồng phường, các khu phố.

Chuyển đổi số toàn diện trong quản trị doanh nghiệp

CĐS đang là xu thế được DN quan tâm và đầu tư trong thời gian gần đây. Để đồng hành cùng DN, tỉnh tổ chức hội thảo giúp các DN gặp gỡ các chuyên gia, đơn vị, DN (Misa, Viettel, VNPT, FPT) thảo luận, trao đổi, trình bày nhiều giải pháp quan trọng trong CĐS, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ. “Việc hỗ trợ các DN thực hiện CĐS nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tiếp cận khách hàng và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển KT - XH”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh - Phạm Tấn Hòa thông tin.

Phát huy sức trẻ, lực lượng đoàn viên, thanh niên “tiên phong” trong việc đẩy mạnh các ứng dụng chuyển đổi số

Xác định được tầm quan trọng của việc thực hiện CĐS, Công ty (Cty) TNHH La Vie (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) cải tiến và áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ trong triển khai công việc. Trưởng phòng Hệ thống (ISIT) Cty TNHH La Vie - Đỗ An Vỹ cho biết: Nhiều ứng dụng được áp dụng thành công như tự động hóa từ khâu mua hàng, quản lý sản xuất, quản lý kho, vận chuyển, bảo trì và tài chính; hệ thống quản lý nhà phân phối (DMS); hệ thống quản lý chấm công và tiền lương, tự động hóa một số quy trình về quản lý nhân sự; ứng dụng bán hàng di động (Mobility sales); ứng dụng Quản lý an ninh ra vào cổng, xe vận tải chở hàng và các công việc trực tiếp tại dây chuyền sản xuất;… Qua đây, góp phần giảm sức lao động, giảm thiểu lượng giấy sử dụng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường.

Với việc thực hiện hiệu quả CĐS trên nhiều lĩnh vực giúp hoạt động giữa các phòng, ban, các tổ chức, đoàn thể của Cty Cổ phần May xuất khẩu Long An (phường 4, TP.Tân An) được xuyên suốt, ổn định và chặt chẽ hơn. Theo Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Cty Cổ phần May xuất khẩu Long An - Văn Ngô Thụy Diễm, hiện Cty triển khai các cuộc họp online, một số trường hợp sẽ biểu quyết, bình chọn thông qua hình thức online; làm việc với khách hàng trực tuyến; khảo sát người lao động theo yêu cầu khách hàng bằng mã QR; người lao động cài đặt VSSID để theo dõi quá trình bảo hiểm xã hội. Đồng thời, Đoàn Thanh niên, Công đoàn của Cty triển khai “Long An số”; cài đặt các ứng dụng thanh toán điện tử.

Trong thời đại công nghệ 4.0, CĐS không đơn giản là nâng mức ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin mà chính là khâu đột phá trong phát triển KT - XH. Vì vậy, để CĐS thành công, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu về CĐS; chịu khó vượt qua những rào cản bước đầu, có bước tiến vững chắc, góp phần thúc đẩy công cuộc CĐS của tỉnh đạt các mục tiêu đề ra./.

Mục tiêu đề ra trong chuyển đổi số của tỉnh là quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt trên mức trung bình cả nước đối với các chỉ tiêu chuyển đổi số; 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4; hoàn thành xây dựng Kho dữ liệu dùng chung, hình thành Cổng dữ liệu mở của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số chiếm 10% GRDP; hạ tầng mạng băng rộng phủ trên 80% hộ gia đình và phủ tới 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; hoàn thành triển khai các dịch vụ đô thị thông minh cơ bản tại TP.Tân An.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết