Tiếng Việt | English

07/10/2022 - 13:53

Chuyển đổi số mở ra không gian mới cho sự phát triển của xã hội

Xác định được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số (CĐS), hiện nay, các cấp chính quyền, sở, ngành trong tỉnh Long An chủ động xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Tỉnh ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh và Kho Cơ sở dữ liệu dùng chung, thể hiện sự quyết tâm trong thực hiện chuyển đổi số

Tập trung chuyển đổi số toàn diện

Để CĐS thành công, tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng, phát triển dữ liệu; xây dựng, phát triển dịch vụ đô thị thông minh;... Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Bùi Nguyên Khởi cho biết: Hiện nay, hệ thống máy tính, mạng tại các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu. Tỉnh triển khai mạng nội bộ, thiết bị tường lửa, mạng truyền số liệu chuyên dùng; duy trì vận hành hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh, đáp ứng kết nối 2 chiều (hỗ trợ tối đa 250 điểm cầu và 10 phòng họp). 15/15 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành đầu tư hội nghị trực tuyến 2 chiều đến 100% UBND cấp xã. Các sở, ngành như Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh triển khai thuê dịch vụ hội nghị truyền hình (MyTV, MegaVNN).

Đặc biệt, ngày 26/4/2022, tỉnh ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) và Kho Cơ sở dữ liệu dùng chung. Qua đây, cho thấy sự quyết tâm của tỉnh trong thực hiện CĐS. “Hiện Kho Cơ sở dữ liệu dùng chung thu thập hơn 2 triệu tệp dữ liệu từ các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, tài nguyên và môi trường, doanh nghiệp. Các dữ liệu được cập nhật liên tục, đồng bộ với các hệ thống dữ liệu chuyên ngành của các đơn vị. IOC cùng với Kho Cơ sở dữ liệu dùng chung là nơi thu thập, lưu trữ, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu trên tất cả lĩnh vực, giúp lãnh đạo tỉnh, các cấp theo dõi, chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định đối với các hoạt động của tỉnh, của các sở, ngành và địa phương” - ông Bùi Nguyên Khởi thông tin.

Việc đưa vào vận hành IOC của tỉnh góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, tỉnh cài đặt, sử dụng app Long An IOC phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo; tuyên truyền, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số tương tác giữa chính quyền với người dân: App Long An số, tổng đài 1022, hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp (https://1022.longan.gov.vn); triển khai các hạng mục “Hệ thống thiết bị camera giám sát an ninh, trật tự và giao thông”, “Thuê mạng dùng riêng phục vụ vận hành hệ thống camera cấp tỉnh và IOC tỉnh”; thử nghiệm 5G (lắp đặt và phát sóng thử nghiệm 5 trạm BTS 5G (Viettel) tại TP.Tân An và các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa). Đây được xem là bước ngoặt quan trọng tạo sự lan tỏa để phủ sóng 5G trên toàn tỉnh, từng bước giúp tỉnh hoàn thiện CĐS và hình thành mô hình đô thị thông minh.

Huyện Đức Hòa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út, CĐS tác động sâu, rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, lĩnh vực KT - XH, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Vì vậy, để đề cao ý nghĩa CĐS như là một phương thức mới, mở ra những không gian mới cho sự phát triển của xã hội, tỉnh tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm 2022 vào ngày 10-10 với chủ đề “CĐS giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Theo đó, tỉnh tổ chức một số hoạt động hưởng ứng như triển lãm, trưng bày, giới thiệu các giải pháp, sản phẩm về CĐS, an toàn thông tin; ra quân phổ biến, hỗ trợ người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số; giao lưu, họp mặt các cá nhân tiêu biểu tổ công nghệ số cộng đồng;...

“Hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia góp phần lan tỏa và thu hút sự hưởng ứng tích cực của hệ thống chính trị và toàn xã hội với công cuộc CĐS của tỉnh, hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên” - ông Nguyễn Văn Út nhấn mạnh.

Tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp

UBND tỉnh triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác định điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tới các sở, ngành và UBND của 15 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Theo đó, Đề án hướng đến 5 nhóm tiện ích về phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); phục vụ phát triển KT - XH; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Theo ông Nguyễn Văn Út, để thực hiện hiệu quả Đề án, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư, giải quyết TTHC, cung cấp DVCTT; triển khai theo dõi, giám sát, đánh giá các chỉ tiêu kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ xác thực, định danh và giải quyết TTHC.

Hiện TTHC được tỉnh tập trung giải quyết trên môi trường điện tử thông qua DVCTT mức độ 3, 4, từng bước tạo được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, Cổng DVCTT của tỉnh cung cấp 100% mức độ 2; 215 DVCTT mức độ 3 (đạt 11%) và 1.248 DVCTT mức độ 4 (đạt 66%), bảo đảm duy trì cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4. 9 tháng năm 2022, tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ (HS) trực tuyến đạt 79,15%; trên 255.108 HS nộp trực tuyến qua Cổng DVCTT của tỉnh (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước), đạt 42,32% trên tổng số HS giải quyết (đối với DVCTT 3, 4 có phát sinh HS).

“Để phục vụ CĐS, huyện Đức Hòa trang bị máy tính cho 100% cán bộ, công chức các phòng ban chuyên môn huyện và cán bộ, công chức UBND 20 xã, thị trấn. Đến nay, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số của UBND huyện đạt 99,7%; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số của các phòng, ban chuyên môn huyện đạt 97,54%; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số UBND xã, thị trấn đạt 98,74%. Số lượng HS tiếp nhận, giải quyết mức độ 4 là 23.094/24.829 HS, chiếm 93,01%; trong đó, cấp huyện 13.355 HS, chiếm 96,2% và cấp xã 9.739 HS, chiếm 88,97%.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Trường Chinh, để thực hiện CĐS thành công, hiện nay, ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai sử dụng hiệu quả các phần mềm dùng chung,... huyện còn tăng cường tuyên truyền sâu, rộng đến người dân, doanh nghiệp về các dịch vụ công trên môi trường trực tuyến. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được sự cần thiết, hiệu quả, tiện ích, tiết kiệm,... khi thực hiện TTHC mà đồng tình ủng hộ, tham gia cùng địa phương trong triển khai, thực hiện CĐS.

Mục tiêu CĐS của tỉnh là đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn địa bàn, bao trùm lên các ngành, lĩnh vực và trên các mặt của đời sống KT - XH. Qua đó, góp phần đưa Long An vào nhóm các địa phương CĐS tốt, trở thành tỉnh có chỉ số cao về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của cả nước./.

Hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia góp phần lan tỏa và thu hút sự hưởng ứng tích cực của hệ thống chính trị và toàn xã hội với công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên”.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hàng năm là ''Ngày Chuyển đổi số quốc gia''. Qua đây nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết