Tiếng Việt | English

14/03/2022 - 14:46

Chuyển đổi số - Xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0

Long An hiện tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình chuyển đổi số (CĐS), hướng đến bao trùm các ngành, lĩnh vực và các mặt của đời sống KT - XH. Qua đó, góp phần đưa tỉnh vào nhóm các địa phương CĐS tốt, có chỉ số cao về phát triển chính quyền số (CQS), kinh tế số, xã hội số của cả nước.

Hệ thống hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến huyện, xã - một trong các nền tảng số, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh

Tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ thí điểm CĐS cho cấp xã trên địa bàn tỉnh - Bùi Nguyên Khởi, đối với Long An, CĐS đã bắt đầu được triển khai toàn diện, đồng bộ trên cả 3 trụ cột: CQS, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, phát triển CQS sẽ giúp bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ công tốt hơn. Phát triển kinh tế số sẽ giúp doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh ứng dụng toàn diện công nghệ số trong hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh; từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát triển xã hội số sẽ giúp người dân được phổ cập sử dụng dịch vụ số, từ đó chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.

Xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, thời gian qua, Long An đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Qua đó, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác điều hành, giải quyết công việc của cơ quan nhà nước và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, DN. Đến nay, các nền tảng số dùng chung của tỉnh phát huy hiệu quả phục vụ quản lý và điều hành; 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4; an toàn thông tin, an ninh mạng cơ bản được bảo đảm; hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, CQS;...

Trong chương trình CĐS, Long An xác định 8 lĩnh vực sẽ ưu tiên CĐS: Y tế, giáo dục, giao thông - vận tải, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, tài chính - ngân hàng, năng lượng, sản xuất công nghiệp. Thông tin từ Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, hiện ngành Y tế và Giáo dục triển khai khá hiệu quả các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, góp phần tiến tới CĐS của tỉnh thành công. Trong đó, ngành Y tế tiếp tục khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý bệnh viện tại các bệnh viện, trung tâm y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh và quản lý dữ liệu ngành; đồng thời, sử dụng các phần mềm do Bộ Y tế triển khai (Hệ thống Quản lý quốc gia về đăng ký, cấp phép/chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Thống kê y tế điện tử; Quản lý báo cáo bệnh truyền nhiễm; Quản lý tiêm chủng; Quản lý cơ sở dữ liệu dân cư Mis 2018;...). Riêng năm 2021, ngành Y tế tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến, nền tảng quản lý tiêm chủng, phần mềm báo cáo Covid).

“Quan điểm CĐS thực hiện trên phương châm “4 không, 1 có”: Làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không dùng tiền mặt và luôn có câu hỏi thông tin, dữ liệu được tiếp cận đã được số hóa chưa?” - ông Bùi Nguyên Khởi cho hay.

Lợi ích của thực hiện chuyển đổi số

Phường 4, TP.Tân An là 1 trong 3 địa phương được tỉnh chọn làm thí điểm thực hiện CĐS (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành; thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc và phường 4, TP.Tân An). Theo Phó Chủ tịch UBND phường 4 - Trần Thị Mộng Ngành, khi được chọn thí điểm CĐS, phường 4 tiến hành chuẩn bị các nội dung, nhiệm vụ cụ thể và có sự phân công cụ thể cho cán bộ, công chức để triển khai theo lộ trình trong năm 2022. Phường rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình để từng bước thực hiện các nội dung về CQS, kinh tế số, xã hội số; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, DN; có sự phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác hỗ trợ thí điểm CĐS cho cấp xã trên địa bàn tỉnh để được hỗ trợ kịp thời, hướng đến thực hiện thành công nhiệm vụ CĐS.

“Việc triển khai, thực hiện CĐS góp phần nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân, DN; hình thành nhận thức, thay đổi thói quen về ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống. Ngoài ra, CĐS cũng góp phần tăng cường tương tác giữa chính quyền với người dân và DN, giúp người dân, hộ kinh doanh mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ số, quảng bá sản phẩm đặc trưng trên môi trường số; thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương” - bà Trần Thị Mộng Ngành nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Nguyên Khởi, thời gian tới, Tổ công tác thí điểm CĐS cấp xã sẽ gắn kết chặt chẽ với các địa phương trong từng nhiệm vụ CĐS theo kế hoạch đã đề ra. Theo đó, về CQS, Tổ công tác sẽ hỗ trợ các địa phương chuyển đổi nhận thức, hình thành kỹ năng số cho cán bộ, công chức, người dân; hoàn thiện các nền tảng số giúp nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của chính quyền, tăng cường và nâng cao hiệu quả tương tác với người dân thông qua các kênh giao tiếp trực tuyến. Về kinh tế số, Tổ công tác sẽ triển khai các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận thương mại điện tử, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc, tiếp cận và sử dụng thương mại điện tử để bán sản phẩm (Voso, Postmart,...), hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên Sàn giao dịch kết nối cung cầu nông sản an toàn của tỉnh.

Về xã hội số, bên cạnh việc giúp các địa phương xây dựng hoàn thiện hạ tầng số, phổ biến các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, Tổ công tác còn hỗ trợ các địa phương rà soát, tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho 100% người dân, hỗ trợ tạo lập các kênh tư vấn sức khỏe trực tuyến cho phép tư vấn sức khỏe trực tuyến cho người dân, triển khai các nền tảng số trong lĩnh vực giáo dục giúp phát triển kho học liệu số, nâng cao hiệu quả khai thác các phần mềm quản lý giáo dục đã triển khai./.

Với mục tiêu đưa công nghệ số vào mọi mặt của đời sống, KT - XH, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 21 về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Một số chỉ tiêu chủ yếu:

Đến năm 2025, Long An đạt trên mức trung bình cả nước đối với các chỉ tiêu chuyển đổi số; 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4; hoàn thành xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số chiếm 10% GRDP; hạ tầng mạng băng rộng phủ trên 80% hộ gia đình và phủ tới 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; hoàn thành triển khai các dịch vụ đô thị thông minh cơ bản tại TP.Tân An.

Đến năm 2030, Long An đạt trên mức khá cả nước đối với các chỉ tiêu chuyển đổi số; 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; tỷ trọng kinh tế số chiếm 15% GRDP; phổ cập dịch vụ Internet băng rộng, mạng di động 5G; hoàn thành xây dựng Cổng dữ liệu mở của tỉnh; triển khai toàn diện dịch vụ đô thị thông minh ở các đô thị phát triển của tỉnh; phát triển Vùng kinh tế công nghệ cao tại tỉnh.

Phong Nhã - Thu Ngân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích