Biểu tượng Facebook tại London, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Vài ngày qua, thế giới đã rúng động về việc hơn 50 triệu người dùng Facebook bị Cambridge Analytica, hãng phân tích dữ liệu của Anh thu thập và sử dụng trái phép thông tin.
Theo đó, Cambridge Analytica đã mua lại dữ liệu người dùng từ một giảng viên đại học Cambrigde – Aleksandr Kogan. Kogan thu thập thông tin người dùng qua một ứng dụng khảo sát được thực hiện với mục đích nghiên cứu học thuật. Ứng dụng yêu cầu người dùng cấp quyền truy cập hồ sơ cá nhân, vị trí của họ. Ngoài ra, có rất nhiều ứng dụng khác yêu cầu người dùng cấp quyền tương tự để có thể tiếp tục sử dụng như: ứng dụng tìm việc làm, ứng dụng hẹn hò ứng dụng chia sẻ ảnh - video… và người dùng thường chấp nhận.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, đại diện Trung tâm giám sát và điều hành an ninh mạng của Công ty CMC Infosec cho hay, hiện Facebook phủ nhận việc "rò rỉ thông tin" bởi người dùng đã biết và chủ động chấp thuận những thông tin mà họ cung cấp trên các ứng dụng trò chơi, bài trắc nghiệm… mà họ truy cập qua Facebook.
Mỗi ứng dụng này đều sử dụng bộ thư viện lập trình do Facebook cung cấp và bộ thư viện này cho phép quyền liệt kê thông tin người dùng (tùy theo mục đích của người lập trình).
Như vậy, theo chuyên gia của CMC Infosec, với trường hợp này, có thể hệ thống Facebook không bị thâm nhập hay mật khẩu bị lộ mà có thể do đơn vị cung cấp ứng dụng bán thông tin cho các bên thứ 3 vì mục đích lợi nhuận.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quản Trị và An ninh mạng Athena thì cho hay, vụ việc này xảy ra nhiều khả năng do chính sách nội bộ của Facebook. Do đó, mạng xã hội này cần thay đổi, hạn chế quyền của các đơn vị cung cấp ứng dụng.
Về phía mình, phía CMC Infosec khuyến cáo người dùng nên cân nhắc thật kỹ và xác minh mức độ uy tín của các nhà cung cấp khi cấp quyền truy cập ứng dụng trên Facebook…; Không chia sẻ những thông tin nhạy cảm như thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tài khoản email qua các đoạn chat trên Facebook Messenger.
Mặc dù với vụ việc này, người dùng không nhất thiết phải thay đổi ngay lập tức thông tin mật khẩu của Facebook, song đại diện của CMC Infosec khuyến cáo nên nâng cấp lên các mật khẩu mạnh (gồm 8 ký tự, trong đó có các ký tự viết hoa, số và ký tự đặc biệt) và thay đổi mật khẩu theo chu kỳ 3 đến 6 tháng mỗi lần và đặc biệt là sử dụng các xác thực đa lớp.
Ông Võ Đỗ Thắng thì nói người dùng đừng đợi “mất bò mới lo làm chuồng” mà cần nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Những thông tin mang tính chất riêng tư, dữ liệu quan trọng thì không nên đưa lên Facebook cũng như cần thay đổi mật khẩu đủ mạnh.
“Trong trường hợp có những thông tin ở chế độ chỉ người dùng mới có quyền xem thì nên sao lưu rồi xóa khỏi tài khoản để tránh bị lộ lọt do đó là thông tin cá nhân, bí mật,” ông Thắng nói.
Ở một góc độ khác, với việc bảo mật của người dùng còn khá lỏng lẻo và với sự phát triển tài khoản dễ dàng như hiện nay, các trang mạng xã hội như Facebook đang tiềm ẩn nhiều mặt trái.
Ông Thắng cho hay hiện pháp luật Việt Nam đã có những quy định xử phạt nghiêm với những trường hợp như vậy. Vấn đề ở đây là thực hiện luật nghiêm túc và có mối quan hệ tương hỗ với Facebook để xử lý sai phạm.
Trong một cuộc tiếp xúc với đại diện Facebook hồi đầu năm, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ có trên 50 triệu người dùng Việt Nam sử dụng mạng xã hội này. Tuy nhiên, có một thực tế là trên Facebook có rất nhiều tài khoản giả mạo có hoạt động gây chia rẽ, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức, quảng bá hình ảnh dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực…
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa ra các giải pháp hợp lý để ngăn chặn thông tin xấu độc, bảo vệ người dùng của mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới là hết sức cần thiết./.
Theo TTXVN