Tiếng Việt | English

10/08/2015 - 05:02

Kiên quyết chấm dứt tình trạng dạy trước lớp 1

Chuyện học trước lớp 1

Mặc dù ngành giáo dục đã có những quy định cụ thể, cấm việc dạy trước chương trình lớp 1, nhưng thực tế cấm vẫn cấm còn việc dạy vẫn dạy.

“Nếu không đi học trước chương trình lớp 1, khi vào học con bạn sẽ như đứa chậm tiến dù làm đúng theo quy định. Con bạn sẽ ngu ngơ giữa một rừng cánh tay giơ lên trước một bài học được cho là mới, chị Nguyễn Thanh Nhàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ về câu chuyện không cho con đi học trước lớp 1 như vậy.

Không đi học trước mới khác người

Chuyện đi học trước chương trình lớp 1 những năm trở lại đây không còn xa lạ nữa. Là một gia đình tri thức, chị Nguyễn Thanh Nhàn cũng không ít lần suy nghĩ về chuyện này. Sau khi tham khảo nhiều ý kiến, chị quyết định không cho con đi học trước chương trình lớp 1. Thay vì để con đi luyện chữ, học trước chương trình, chị cho con về quê ngoại chơi cả tháng hè với ông bà. Năm học bắt đầu, con gái chị vào học một trường công lập đúng tuyến trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội).


Muốn chấm dứt tình trạng học trước lớp 1 cần giải quyết cả từ cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và thầy cô giáo.

Nhưng ngay từ những ngày học đầu tiên, chị nhận ra điều không vui trên nét mặt con gái. Gặng hỏi thì được biết, mỗi lần học đến bài mới, các bạn xung quanh đều giơ tay, biết kết quả rồi và “bạn nào cũng biết viết”. Nói đến đây, con gái chị bỗng òa khóc. Chị Nhàn tâm sự: “Tôi lấy vở của cháu ra để kiểm tra thì thấy cháu vẫn tập viết như hướng dẫn của cô giáo. Những điều này phù hợp với việc mới học. Nhưng tôi nhận ra tâm lý của cháu khá nặng nề. Đem tâm sự này đến với giáo viên, tôi được cô giáo nói rằng, chương trình học như vậy, nếu muốn con giỏi lên, bố mẹ ở nhà cần kèm cặp thêm cho con...”.

“Sau hai tuần học, tình hình con cũng như một số bạn không được đi học như trong trạng thái bị cô lập, tôi đã lập kế hoạch để học cùng con vào mỗi tối. Tôi thường xuyên động viên để cháu bình tĩnh vượt qua giai đoạn này và gần như là chỗ dựa để cháu thấy dù có “hạng bét” nhưng vẫn cố gắng tập trung học. Nhưng quả thực, những cháu đi học trước chương trình đã ảnh hưởng không nhỏ đến lớp học. Và tình trạng này ở lớp học nào cũng có, trường học nào cũng có, ngày càng đông. Chắc chắn nếu không đồng hành cùng con, con sẽ dễ rơi vào khủng hoảng tiền lớp 1 ngay lập tức”, chị Nhàn cho hay.

Chuyện cho con đi học trước lớp 1 giờ không còn mới nữa. Có mặt tại một trung tâm luyện chữ trên phố Bạch Mai, Hà Nội sau mỗi giờ tan tầm, chúng tôi chứng kiến có đến hàng chục phụ huynh đón đợi con ở đây. Chị Thanh Hương (phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết : “Từ tháng 4, tôi đã cho cháu nghỉ ở trường mầm non, gửi hẳn đến trung tâm và nhà cô giáo để con được học trước chương trình. Nếu không đưa con đi học trước, vào năm học sẽ không theo được bạn bè. Trong khi, vì công việc tôi không có thời gian theo sát con”.

Một số phụ huynh trong lúc đứng đợi con khi được hỏi đều cho biết, dù biết quy định của ngành giáo dục là không dạy trước chương trình lớp 1 nhưng vẫn phải cho con đi học trước vì sợ tâm lý thua kém bạn bè. Hơn nữa, chuyện học thêm, học trước chương trình là bình thường. Bởi trên lớp sĩ số lớp học quá đông, giáo viên không thể sâu sát từng học sinh một nên “phải lo cho con mình trước”.

Quan sát lớp học ở trung tâm này cho thấy có khoảng 14 học sinh/lớp. Các bài học được trích từ sách giáo khoa tiếng Việt, các bé này chủ yếu rèn nét chữ cái bằng bút chì. Được biết, các bé vào đây hầu hết đã nhận biết được mặt chữ cái từ trường mầm non, nếu chưa nhận biết được thì trung tâm không nhận. Việc làm chủ yếu của cô giáo là rèn nét chữ cho đúng ô li và chỉnh những lỗi sai chính tả.

Làm giảm sự hứng thú của trẻ

Cô Vũ Thị Hải (giáo viên Trường Tiểu học Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Đầu vào lớp 1 giờ cũng có mấy trình độ: Giỏi, khá, trung bình… bởi các con đã được đi học trước. Những bé đã biết rồi thì rất hồn nhiên trả lời, còn những bé chưa biết thì lắng nghe, có khi là hốt hoảng vì bạn bên cạnh biết rồi. Với những bé nhạy cảm thì thực sự là khó vì con buồn, thậm chí con khóc vì không làm được giống các bạn. Nguyên nhân này theo tôi xuất phát từ tâm lý phụ huynh thường sợ con thua thiệt nên mới cho con đi học. Điều hành một lớp như này còn vất vả hơn rất nhiều so với một lớp mà các con chưa được học gì”.

Còn TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Chương trình tiểu học được sắp xếp thống nhất trên cả nước theo từng tuần học. Nên dù học trước hay không thì vào lớp học sinh phải học các bài theo thứ tự giống nhau. Do đó, không những không có chuyện trẻ nếu không học trước sẽ khó theo kịp tiến độ, mà việc học trước này thực là chất hoàn toàn là vô ích. Các con đã học rồi, đến lớp học lại sẽ rất chán và thích phá phách. Đây chính là lý do tại sao nhiều cha mẹ than phiền là con mình thiếu tập trung và chán học”.

Vừa tham gia đào tạo các khóa kỹ năng sống cho lứa tuổi mầm non, tiểu học, TS Vũ Thu Hương cho rằng: “Các phụ huynh hãy thử xem lại xem con đã có khả năng tự lo cho bản thân trong khi ở trường hay chưa, hơn là việc lo con chưa được học chữ trước. Con đã có kĩ năng thoát hiểm, kĩ năng bảo vệ cơ thể, kĩ năng kết bạn, kĩ năng làm việc cùng cả lớp và cô giáo trước khi băn khoăn về bài học hay chưa. Cha mẹ còn có trách nhiệm làm con yêu trường, yêu lớp, yêu cô và thích học. Con cũng cần hiểu rõ việc học là việc của chính mình để làm cho tốt. Đó mới là những thứ con cần để chuẩn bị bước qua cánh cửa trường tiểu học”.

Theo bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học thì kết cấu chương trình của Bộ GD - ĐT hiện nay dành cho từng lứa tuổi là hợp lý. Ở tuổi lên 5, khi ở trường mầm non, trẻ được học và làm quen với chữ, tập viết. Có nhiều hoạt động để trẻ làm quen với chữ như cô đọc sách cho trẻ nghe, trong sách có chữ hay là giáo viên hướng dẫn trẻ cách đọc chữ từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Điều quan trọng ở đây là tạo được sự hứng thú cho trẻ. Nếu trẻ học trước sẽ sinh ra tâm lý ỉ lại, chán nản, khi dạy tới những bài đã biết thì chủ quan. Do đó, việc học thêm trước khi vào lớp 1 rất phản khoa học, về lâu dài không hề tốt cho trẻ, làm giảm hứng thú của trẻ khi đến trường. Không phải ngẫu nhiên mà có quy định lứa tuổi nào thì học mầm non, lứa tuổi nào thì học tiểu học... Trẻ 6 tuổi đạt yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non hiện hành đều đủ điều kiện vào học lớp 1 mà không cần thiết phải học thêm bất cứ chương trình nào khác.

Anh Phan Thanh Hải (khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội): Quản lý phải làm mạnh

Tôi thấy có các quy định cấm dạy trước chương trình lớp 1, cấm dạy thêm, học thêm, nhưng trung tâm vẫn mở, các cô giáo vẫn mở lớp. Ai cũng nhìn thấy, vậy sao không bị xử lý, không làm mạnh tay? Những lớp học ở nhà cô giáo vẫn tồn tại, trung tâm rèn chữ vẫn tồn tại, có nghĩa là quản lý chưa mạnh. Điều này rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành giáo dục. Tôi chưa thấy một trung tâm có tiếng luyện chữ nào phải đóng cửa hay cô giáo nào phải nghỉ việc mặc dù học đang làm trái quy định. Họ vẫn tồn tại và “làm ăn phát đạt” từ cả chục năm nay rồi.

Cô V.H.T (giáo viên trường tiểu học Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội): Phải tuyên truyền mạnh mẽ

Việc dạy trước chương trình khi vào lớp 1 đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần nhưng nhiều phụ huynh vẫn làm. Vấn đề là ngành giáo dục phải tuyên truyền, giúp phụ huynh yên tâm, chỉ ra cho phụ huynh rõ về những tác hại của việc học trước.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết