Tiếng Việt | English

06/02/2023 - 20:08

Chuyển sang cơ quan điều tra vụ gửi tiền SCB thành mua bảo hiểm

Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có phiếu chuyển đơn tố giác của người dân về việc gửi tiền tiết kiệm tại SCB nhưng lại thành hợp đồng bảo hiểm Manulife tới Cơ quan điều tra (Bộ Công an).

Nhiều người có đơn tố giác về việc gửi tiền tiết kiệm tại SCB nhưng lại thành hợp đồng bảo hiểm Manulife - Ảnh: T.T.D

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 6-2, lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết đã nhận được các đơn thư tố giác của một số công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam.

Các đơn thư cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

Do đó, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã chuyển đơn tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để được xem xét, giải quyết, điều tra theo đúng thẩm quyền.

Để đảm bảo quyền lợi của người dân khi tham gia bảo hiểm qua kênh ngân hàng, dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm, nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được ghi âm và lưu tại tổ chức tín dụng trong thời hạn ít nhất 5 năm.

Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước khi quyết định phát hành hợp đồng. Trong đó, phải có nội dung để kiểm tra việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm là trên cơ sở tự nguyện.

Doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng tư vấn bảo hiểm của các nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kịp thời phối hợp với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc tư vấn của nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và xử lý vi phạm (nếu có).

Phía Bộ Tài chính cho rằng quy định này được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng một số nhân viên ngân hàng "ép" khách vay vốn phải mua bảo hiểm./.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết