Đong đầy kỷ niệm
Căn nhà ấm cúng với không gian xanh tại khu phố 5, phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An là nơi cư ngụ của bà Trần Kim Oanh (68 tuổi) - nguyên cán bộ Tiểu ban Thông tấn - Báo chí, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8. Gắn bó nhiều năm với nghề điện báo trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, đối với bà Oanh, 3 chữ “điện báo viên” luôn gợi lên những cảm xúc đặc biệt mà có lẽ chỉ những người làm trong ngành Thông tin liên lạc vào những năm “lửa đạn bom rơi” mới hiểu. Đã mấy mươi năm sau ngày giải phóng nhưng bà vẫn nhớ như in, thuộc lòng từng ký tự, cách bỏ dấu và cách đánh morse,... “Chữ V là tịch, tịch, tịch, tà (…_); chữ I là tịch, tịch (..); chữ E là tịch (.); chữ T là tà (_); hay tà, tịch, tịch (_..) là chữ N; tà, tịch (_.) là chữ A; tà, tà, tà (_ _ _) là chữ M...”, bà vừa nhịp tay trên chiếc bàn trà, vừa hướng dẫn cho tôi xem kiểu đánh morse ngày ấy.
Bà Trần Kim Oanh hồi tưởng những ngày còn làm điện báo viên
Bà Oanh kể lại: “Năm 1969, khi đó, tôi mới 15 tuổi, lãnh đạo thấy tôi “có trình độ học vấn” (do ba tôi xuất thân là thầy giáo), lại hiền lành, chất phác, viết chữ coi cũng được, gia đình có truyền thống cách mạng nên được chọn đi học lớp điện báo viên tại tỉnh An Giang. Sau này, tôi về công tác tại Tiểu ban Thông tấn - Báo chí”. Khi ấy, điện báo viên là một trong bộ ba thực hiện nhiệm vụ thông tin giữa chiến trường hay trong căn cứ (gồm phóng viên tin, phóng viên ảnh và kỹ thuật viên, điện báo viên). Họ là lực lượng âm thầm, không kém phần vất vả với vô số trang thiết bị cồng kềnh phải mang theo. Thế nhưng, họ luôn là “cánh tay nối dài” đưa truyền tin tức nhanh nhất về căn cứ, góp phần nhanh chóng đưa thông tin đến bạn đọc và người dân. Với thể trạng gầy yếu nhưng vào đơn vị, “vũ khí” gồm pin, máy phát tín hiệu morse khá nặng lúc nào cũng được bà mang theo bên mình. “Có hôm cả đoàn nhận nhiệm vụ hành quân, đi bộ hàng chục kilômét nhưng vì bị lạc đường nên phải nhịn đói, đúng lúc đó trực thăng lượn trên bầu trời để ném lựu đạn... Ẩn nấp an toàn, chúng tôi lại nhanh chóng làm nhiệm vụ” - bà Oanh nói.
Nhiều căn cứ bị địch càn quét, trên trời chúng dùng máy bay ném bom, dưới đất thì pháo hạng nặng, xe bọc thép, xe tăng chà đi xát lại. Những lúc ấy, phóng viên, điện báo viên vừa phải chiến đấu bảo vệ căn cứ như những chiến sĩ thực thụ, vừa phải bảo đảm khai thác và truyền phát tin một cách nhanh nhất... Và đã có không ít đồng đội ngã xuống.
“Hồi đó, mấy anh chị phóng viên đi đâu là mình theo đó, luôn có mặt mọi lúc, mọi nơi trên chiến trường theo sự chỉ đạo của lãnh đạo để kịp thời phát đi những thông tin tuyên truyền, những tin tức quan trọng trên các cơ quan như Đài Phát thanh Giải phóng. Có những ngày ngồi giữa trời nắng trên miệt biên giới, vừa lo đọc và phát tín hiệu morse, bom của địch vụt qua trước mặt… Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là chắc mình may mắn nên bom... “tránh” mình thôi” - bà Oanh nhớ lại.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, những tin tức này thường xuyên vang lên đã củng cố niềm tin tất thắng, động viên đồng bào đóng góp hết sức mình vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Những ký ức không phai
Từ năm 1957 đến 1959, công tác tuyên huấn ở Long An và Kiến Tường tập trung vào hoạt động vũ trang tuyên truyền, xây dựng và phát triển lực lượng chính trị quần chúng, làm nền tảng xây dựng lực lượng võ trang cách mạng. Với nhiều tên gọi khác nhau (Tuyên truyền - Báo chí, Tuyên truyền - Cổ động, Tuyên văn giáo), cơ quan làm công tác tuyên huấn tại 2 tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; bảo đảm cho phong trào cách mạng địa phương vừa không đi trái với đường lối, chủ trương của Trung ương, vừa bảo toàn được lực lượng và thúc đẩy khí thế đấu tranh của quần chúng.
Giai đoạn 1965-1968 và 1969-1972 là những năm tháng phong trào cách mạng Long An, Kiến Tường nói chung và công tác tuyên huấn nói riêng đứng trước những thử thách hết sức cam go, ác liệt bởi những thủ đoạn đánh phá tàn bạo và xảo quyệt của địch. Đây là quãng thời gian đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác tuyên huấn ở Long An, Kiến Tường chịu nhiều hy sinh, tổn thất nhất. Trong bối cảnh đó, ngành tuyên huấn vừa phải lo bảo toàn, củng cố và xây dựng lực lượng; vừa phải bám sát chiến trường, nắm bắt diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tìm mọi cách duy trì các hoạt động thông tin tuyên truyền, báo chí, minh ngữ, huấn học, giáo dục, văn hóa - văn nghệ,...
Với nhà báo Lê Vân, những năm tháng làm phóng viên chiến trường tuy hiểm nguy nhưng rất đỗi tự hào
Đối với nhà báo Lê Vân - nguyên Tổng Biên tập Báo Long An, dù đã nhiều năm trôi qua nhưng những ký ức, kỷ niệm về những ngày còn là phóng viên chiến trường vẫn đọng lại mãi trong tâm trí ông. Đó là những tháng ngày tác nghiệp giữa làn mưa bom bão đạn của địch, cùng sống, cùng chiến đấu với các chiến sĩ và hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1963, ở độ tuổi ngoài 20, chàng trai trẻ Tạ Lê Vân lên đường tòng quân, trở thành phóng viên trẻ của Báo Quyết Tiến (tiền thân của Báo Long An ngày nay) thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Long An. Lúc ấy, tờ báo chỉ có vài người, sách báo, tài liệu thì hiếm nhưng được sự hỗ trợ của đàn anh, ông bắt đầu sự nghiệp làm báo mà sau này khi hồi tưởng lại, ông cho rằng: Đó là những năm tháng không thể nào quên!
Nhà báo Lê Vân nhớ lại, lúc đầu, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Tiểu ban Thông tấn - Báo chí đóng tại Giồng Nhỏ (xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ). Sau đó, trước sự càn quét dữ dội của Mỹ, Tiểu ban phải dời căn cứ sang “vùng đất chết” Giồng Lức - Giồng Dinh sát biên giới. Đứng chân ở căn cứ mới chưa lâu, một số cán bộ của Tiểu ban đã lên đường theo các đơn vị bộ đội, các đội du kích đến các xã, ấp chiến đấu, các công trường chế tạo vũ khí,... để làm nhiệm vụ thu thập tin tức, viết bài tuyên truyền cổ động. Theo sát từng trận đánh của lực lượng võ trang cách mạng, phát hiện, giới thiệu những gương điển hình diệt Mỹ, những anh du kích, những chị dân quân, những bà mẹ nuôi giấu cán bộ,... Đội ngũ cán bộ, phóng viên Tiểu ban Thông tấn - Báo chí đã đưa hơi thở sinh động của thực tế chiến trường Long An lên những trang Báo Quyết Tiến, cổ vũ phong trào thi đua “Giết Mỹ lập công”, giành các danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt máy bay”,... Với sự xông xáo của đội ngũ cán bộ, phóng viên, Báo Quyết Tiến ngày càng được nâng chất.
“Tôi cùng với các đồng chí: Quốc Hùng, Vinh Quang, Bảy Châu xuống vùng hạ, bám vành đai Rạch Kiến rồi sang vành đai Nhựt Tảo. Các đồng chí khác lên nằm vùng ở Đức Hòa. Từ đây, những bài báo với nội dung nêu bật chiến công, thành tích của quân - dân Long An trên vành đai Rạch Kiến, phong trào chiến tranh nhân dân ở Đức Hòa, những tấm gương kiên cường, dũng cảm trên các “vành đai diệt Mỹ”, công trạng của những trái mìn diệt tăng ở An Ninh, Hiệp Hòa, Lộc Giang, Đức Lập,... được truyền tải kịp thời” - nhà báo Lê Vân cho hay.
Những kinh nghiệm tuyên truyền trong điều kiện chiến tranh ác liệt vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay, cần được tiếp tục kế thừa và phát huy./.
Song Nhi