Tiếng Việt | English

03/12/2023 - 16:40

Cô giáo vùng biên

Ảnh: Internet

Ngày còn bé, tôi thường ganh tị với học sinh của má. Không chỉ được má yêu thương mà dường như ngay cả sự dịu dàng, má cũng dành cho chúng bạn, ít khi dành cho tôi. Mấy mươi năm làm nghề cũng là từng ấy thời gian tôi đi theo má, không biết chuyển trường bao nhiêu lần.

Năm lên bảy, tôi vào học trường làng. Ngôi trường chỉ duy nhất có hai giáo viên là má tôi và một cô tình nguyện viên. Trường nằm lọt thỏm nơi cuối xóm, chỉ vỏn vẹn hai lớp học. Ba tôi mất từ sớm, hai má con tôi rau cháo nuôi nhau đoạn những tháng những ngày. Mỗi ngày, tôi học xong, chơi quanh quẩn tại trường, chờ má dạy hết ca chiều rồi cùng về ăn vội bữa cơm, má lại đến trường dạy phụ đạo ca tối. Má là giáo viên nhiệt huyết với nghề, thức khuya soạn giáo án để học trò hiểu bài nhanh hơn.

- Con thấy bạn Đông học chậm chỗ nào?

- Bạn ấy không tập trung, còn bạn Mi thì thường nói chuyện trong lớp nhưng rất thông minh, có thể kèm bạn Đông được.

Vì là giáo viên chủ nhiệm nên má hỏi tôi về các bạn để có thể điều chỉnh hướng dạy tốt hơn nhưng ít khi má hỏi về tôi, Trong lòng tôi bắt đầu nảy sinh ganh tị. Đôi khi, được cho nải chuối hay mấy quả ổi, má đều dặn tôi lên lớp chia cho các bạn. Từ ganh tị, tôi bắt đầu hình thành sự ích kỷ. Đỉnh điểm là có lần, tôi không thuộc bài, má phạt tôi trước lớp. Về nhà, tôi bỏ cơm, thậm chí còn tức giận với má:

- Má chỉ cần công việc này thôi chứ má không cần con.

Khi tôi hét lên câu đó, má sững người, yên lặng không nói gì. Đến khuya, khi ôm tôi vào lòng, má mới nhỏ nhẹ:

- Đây là công việc, là kế sinh nhai của má con mình, nếu má không làm tốt thì má con mình sống thế nào. Má có thương học trò thì má vẫn quan tâm đến con. Má nói con chia đồ ăn cho các bạn vì xóm mình còn nghèo, đùm bọc lẫn nhau là điều tốt và con có thêm bạn. Còn má phạt con vì má cũng là cô giáo của con, con sai là phải phạt thì mới nên người...

Năm tôi lên cấp hai, má chuyển công tác đến vùng biên giới. Đời sống ở đây vô cùng khó khăn. Tôi theo má và các cô chú đi gõ cửa từng nhà, động viên phụ huynh cho con em đến trường. Nhiều đêm, má trằn trọc vì lo cho tương lai mấy đứa trẻ nơi đây. Cũng không hiểu từ lúc nào, nhiệt huyết của má, của thầy cô đã lây sang tôi và phụ huynh nơi đây.

Tôi nhớ như in những tiếng trống trường khai giảng với học sinh kín cả sân trường. Sự háo hức in hằn trên gương mặt học trò là sự đền đáp cho những giọt mồ hôi của các thầy, cô đã rơi trên vùng đất khi khô cằn nắng cháy, khi lũ lụt tràn đồng.

- Má xin lỗi vì để con sống ở nơi khó khăn như thế này, lại không có nhiều thời gian chăm sóc cho con.

- Con lớn rồi, đã đến lúc con phải chăm sóc cho má rồi. Mà má biết không, con đã hiểu hơn về những lo lắng của má. Con cũng ước mơ sau này làm cô giáo.

Ngày tôi chọn ngành sư phạm, má hơi bất ngờ, chỉ mỉm cười.

- Con muốn trở thành cô giáo tận tụy như má./.

Lê Hứa Huyền Trân

Chia sẻ bài viết