Tiếng Việt | English

14/04/2022 - 09:50

Cơ hội cho du lịch đồng bằng (Bài 2)

Ngay khi Việt Nam vừa mở cửa đón khách, các hoạt động kết nối du lịch TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được khởi động, nhanh chóng trở lại "đường đua".

Bài 2: Nhiều tiềm năng phát triển du lịch

ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch miệt vườn, sông nước,... Quá trình tái khởi động du lịch trong điều kiện "bình thường mới", các tỉnh, thành trong khu vực cần có sự liên kết và khai thác thế mạnh của từng địa phương để tạo điểm nhấn mang tính chất đặc trưng.

Nhiều điểm đến hấp dẫn

Vùng ĐBSCL có các điều kiện tự nhiên về sinh thái, sông nước, đồi núi, biển, đảo,... cùng với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc là nguồn tài nguyên để các địa phương phát triển nhiều dòng sản phẩm thuộc các loại hình du lịch khác nhau. Đó là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với sông nước, miệt vườn, gắn với hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt, hệ sinh thái biển, đảo hoặc loại hình du lịch văn hóa, tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội, làng nghề, tập quán canh tác sản xuất nông nghiệp,...

Bạc Liêu là vùng đất hấp dẫn du khách không chỉ với giai thoại về công tử Bạc Liêu mà còn bởi những điểm đến thú vị, trong đó phải kể đến: Cánh đồng quạt gió Bạc Liêu, Khu du lịch Nhà Mát, chùa Xiêm Cán, Quan âm Phật đài, vườn nhãn cổ,... Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều, toàn tỉnh Bạc Liêu có 15 điểm du lịch, trong đó TP.Bạc Liêu có đến 8/9 điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm đến tiêu biểu nên ngành du lịch kỳ vọng sẽ sớm nhộn nhịp đón khách trở lại.

“Trước mắt, chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 đón hơn 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch khoảng 10 ngàn tỉ đồng, chiếm khoảng 7% trong tổng GRDP của tỉnh. Để làm được điều đó, tỉnh đề ra nhiều giải pháp đồng bộ: Tập trung nguồn lực đầu tư; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch; hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; tăng cường các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh, nhất là du lịch văn hóa, sinh thái; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch,... trong đó, việc hợp tác với các địa phương, nhất là với TP.HCM và ĐBSCL luôn được chú trọng” - ông Thiều nói.

Chùa Xiêm Cán - ngôi chùa tráng lệ ở Bạc Liêu

Cần Thơ là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Cần Thơ với khí hậu ôn hòa, có chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, bến Ninh Kiều thơ mộng,... Tất cả đều trở thành những điểm đến phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn. Những năm gần đây, tại các địa phương ở Cần Thơ như huyện Phong Điền, quận Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt, xuất hiện càng nhiều điểm du lịch cộng đồng khai thác từ nông nghiệp với những vườn cây xanh mát, trái cây tươi ngon. Du khách đến những điểm du lịch này được trải nghiệm thực tế về cách chăm sóc cây ăn trái, tham gia làm vườn, hái rau, quả,...

Trong khi đó, tỉnh Kiên Giang lại nổi bật với dòng sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng tại các vùng biển, đảo thuộc phía Tây Nam đất nước. Nhiều hòn đảo lớn, nhỏ ở TP.Phú Quốc, quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải) hay quần đảo Hải Tặc (TP.Hà Tiên),... với không khí trong lành trở thành những điểm đến có sức hấp dẫn rất đặc biệt đối với du khách. Ngoài ra, các điểm khác cũng có bước phát triển ấn tượng: Cụm cù lao Long - Lân - Quy - Phụng (tỉnh Bến Tre, Tiền Giang), mũi Cà Mau, Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), núi Sam (tỉnh An Giang),...

Khách Tây trải nghiệm du lịch tại Phong Điền, Cần Thơ

Mang đến sự trải nghiệm

Long An - mảnh đất trù phú thuộc ĐBSCL, giàu truyền thống lịch sử và nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ kết nối giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ; giáp với TP.HCM, tỉnh: Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp và tỉnh Svay Rieng, Prey Veng (Vương quốc Campuchia), Long An có hệ thống hạ tầng du lịch khá thuận lợi. Ngoài vị trí đắc địa, Long An có tiềm năng khá phong phú về tài nguyên du lịch, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An - Nguyễn Anh Dũng, trong quy hoạch phát triển du lịch của Việt Nam, Long An được xác định là một trong những địa điểm du lịch sinh thái quan trọng của vùng du lịch phía Nam với nhiều nguồn tài nguyên như Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập,...

Nhiều trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Long An

Không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng 2 con sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông mang phù sa bồi đắp cho những vườn trái cây trĩu quả quanh năm, Long An còn có những cánh đồng lúa bạt ngàn, hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, tất cả tạo nên một bức tranh làng quê Long An yên bình, mát dịu và trù phú. Đó là những điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch nông thôn. Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) có diện tích 135ha và vùng đệm khoảng 500ha.

Tất cả diện tích được quy hoạch tập trung cho việc khai thác, phát triển và hình thành khu du lịch sinh thái nổi bật của tỉnh nói riêng, bao gồm toàn bộ vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười nói chung. Đến đây, du khách sẽ có dịp hòa mình với thiên nhiên, có cái nhìn một cách đầy đủ, chân thật nhất về nét đẹp yên bình đặc trưng của miền Tây sông nước. Bất kỳ khoảnh khắc nào, du khách cũng có thể cảm nhận được hương vị đồng quê với đầy đủ nắng, gió, hoa, chim và cây rừng tạo nên một sắc thái riêng biệt và thư thái.

Chị Nguyễn Thị Như Hiệp (quận 5, TP.HCM) chia sẻ, khi cuộc sống trở lại bình thường sau đại dịch, nhóm của chị rủ nhau làm một chuyến du lịch ngắn ngày về Long An. Sáng sớm cuối tuần, nhóm chị chạy xe máy từ TP.HCM, xuôi theo Quốc lộ 62 để đến Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập. “Nghe bạn bè giới thiệu ở đây có nhiều điểm check-in lý tưởng nên cả nhóm háo hức. Đến đây, chúng tôi tham quan cung đường đal xuyên rừng tràm, tháp quan sát, cảnh quan cầu chữ X, hồ bán nguyệt,... và thưởng thức các món ăn đậm chất vùng Đồng Tháp Mười,...

Tiếp theo hành trình này, chúng tôi còn đến Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận tại thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa. Nơi đây từng là bối cảnh chính của phim Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đây là điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên, thích hợp là nơi thư giãn. Không những vậy, chúng tôi còn được trải nghiệm tham quan, tự tay chưng cất tinh dầu tại Nhà máy Sản xuất dược liệu Mộc Hoa Tràm với công nghệ hiện đại chuyên sản xuất các loại tinh dầu nguyên chất, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ cây tràm và các loại thảo dược khác” - chị Hiệp nói./.

(còn tiếp)

Thanh Nga

Bài 3: Phục hồi và phát triển du lịch

Chia sẻ bài viết