Tiếng Việt | English

13/04/2022 - 09:56

Cơ hội cho du lịch đồng bằng (Bài 1)

Ngay khi Việt Nam vừa mở cửa đón khách, các hoạt động kết nối du lịch TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được khởi động, nhanh chóng trở lại "đường đua".

Bài 1: Tạo "luồng gió mới" cho du lịch

Hơn 2 năm qua, tình hình thế giới và Việt Nam, trong đó có TP.HCM và vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là lĩnh vực du lịch, có những giai đoạn gần như “đóng băng”. Song, với những chủ trương, giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương, tình hình KT - XH của cả nước đang trên đà phục hồi, phát triển, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19; trong đó, du lịch có những tín hiệu lạc quan, từng bước mở cửa đón khách quốc tế.

Thiệt hại nặng do đại dịch

Theo kết quả thống kê, năm 2019, vùng ĐBSCL đón trên 47 triệu lượt khách, kế hoạch đón trên 50 triệu lượt khách trong năm 2020. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, ngành du lịch là một trong các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong đó, năm 2019, cụm phía Tây gồm 7 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, đón hơn 33 triệu lượt, chiếm 73% tổng lượt khách du lịch của vùng ĐBSCL; doanh thu đạt hơn 24 ngàn tỉ đồng.

Nhưng đến hết năm 2021, lượng khách cụm phía Tây chỉ đạt 11.700 ngàn lượt, doanh thu giảm chỉ còn dưới 10 ngàn tỉ đồng. Còn cụm phía Đông gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp và Vĩnh Long, ước tổng lượt khách trong năm chỉ hơn 3,2 triệu lượt, giảm hơn 47% so với năm 2020; trong đó, lượng khách quốc tế gần 15.000 lượt, giảm 96,3% và khách nội địa hơn 3,2 triệu lượt, giảm 45% so với năm 2020.

Các tỉnh, thành trong khu vực đã tổ chức hoạt động liên kết cùng TP.HCM ngay sau khi du lịch mở cửa hoàn toàn

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An, hơn 2 năm chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam nói chung và của từng địa phương nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, nhất là năm 2021 khá ảm đạm. Về phía tỉnh, thời gian qua, ngành du lịch được quan tâm, nhiều khu/điểm du lịch, di tích lịch sử - văn hóa được đầu tư, tôn tạo làm đa dạng sản phẩm du lịch của tỉnh. Doanh thu từ du lịch không ngừng gia tăng cả về giá trị tuyệt đối và nhịp độ tăng trưởng, du lịch có những bước phát triển đáng ghi nhận với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 20% năm.

Năm 2019, tổng lượt khách khoảng 1.835.100 lượt người, tăng 50% so cùng kỳ, đạt 120% kế hoạch; doanh thu đạt 782 tỉ đồng, tăng 40% so cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tổng lượt khách du lịch đến Long An hơn 800.080 lượt khách, giảm 57% so cùng kỳ, đạt 40% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế khoảng 1.500 lượt khách, giảm 94% so cùng kỳ, đạt 4% kế hoạch. Doanh thu du lịch năm 2020 đạt 424 tỉ đồng, giảm 49% so cùng kỳ, đạt 40% kế hoạch. Năm 2021, Long An thu hút 350.000 lượt khách, giảm 57% so cùng kỳ, đạt 8% kế hoạch. Doanh thu du lịch đạt 180 tỉ đồng, giảm 58% so cùng kỳ, đạt 36% kế hoạch.

Chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch vào ngày 15/3 đã tạo "luồng gió mới" cho du lịch các tỉnh, thành trong khu vực

Tìm hướng đi mới

Bước sang năm 2022, ngành du lịch của vùng bước đầu có sự khởi sắc với nhiều hoạt động phục hồi và phát triển trong trạng thái "bình thường mới". Đặc biệt, thực hiện chủ trương “mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới” từ ngày 15/3/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức các sự kiện về du lịch, kết nối với TP.HCM, trong đó có một hoạt động khá quan trọng là Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL diễn ra ngày 18/3/2022 tại TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Đây là quyết tâm của các cấp, các ngành và địa phương trong nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, góp phần phục hồi, phát triển du lịch. Qua đó, cũng cho thấy quan điểm nhất quán của lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành phố ĐBSCL về sự cần thiết phải tăng cường liên kết hợp tác vùng, liên vùng để ngành du lịch của các địa phương cùng nhau vượt qua khó khăn. Việc liên kết này càng trở nên quan trọng hơn trong thời điểm hiện nay, khi mà vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức đan xen: Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình an ninh chính trị trên thế giới, khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp,...

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Phan Thị Thắng cho biết: Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt KT - XH và đời sống, trong đó, ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực diện và toàn diện. Số lượng khách cũng như doanh thu du lịch sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành du lịch giảm sâu. Ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa, nhiều người lao động phải rời ngành để tìm việc làm khác.

Có thể nói, năm 2021 vừa qua là giai đoạn hết sức khó khăn của du lịch cả nước nói chung và TP.HCM, vùng ĐBSCL nói riêng. Đến thời điểm hiện tại, với hiệu quả của các chính sách phòng, chống dịch và chiến lược phủ vắc-xin trên diện rộng của Chính phủ và các địa phương, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đời sống KT - XH đang bắt đầu trở lại trạng thái "bình thường mới", thích ứng linh hoạt và an toàn, kiểm soát có hiệu quả Covid-19. Trong bối cảnh đó, ngành du lịch TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL cũng chủ động nhiều biện pháp để khởi động lại.

Tuy nhiên, du lịch vùng đang đứng trước các khó khăn và thách thức. Đó là sau thời gian dài đình trệ hoạt động, cơ sở vật chất, hạ tầng của các khu, điểm du lịch, khu vui chơi, giải trí và cả cơ sở lưu trú xuống cấp, hư hỏng hoặc ngừng phục vụ dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm, tour, tuyến phải ngừng khai thác, số lượng sản phẩm không còn đa dạng. Nguồn nhân lực vừa bị thiếu hụt, vừa suy giảm tay nghề ảnh hưởng đến chất lượng cũng như khả năng cung ứng dịch vụ cho du khách. Trong khi đó, do tác động của dịch bệnh, hành vi và thị hiếu của du khách có nhiều thay đổi với xu hướng đi nhóm nhỏ, đi ít ngày hơn, đi gần hơn và nhu cầu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh cao hơn.

Bên cạnh đó, do nhu cầu cạnh tranh, nhiều nước trong khu vực đang có nhiều chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn cùng với chính sách nhập cảnh khá dễ dàng tác động đến sức cạnh tranh của thị trường Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế lẫn khách nội địa. Việc chưa đồng bộ, chưa nhất quán trong các quy định phòng, chống dịch bệnh giữa các địa phương dẫn đến việc doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong xây dựng và chào bán các sản phẩm liên tuyến, liên vùng và du khách còn tâm lý e ngại khi đi du lịch liên tuyến.

Thực tế đó đòi hỏi TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác giữa các tỉnh, thành trên tất cả các nội dung đã thống nhất để đưa du lịch TP.HCM cùng 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL “hồi sinh”./.

(còn tiếp)

Thanh Nga

Bài 2: Nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Chia sẻ bài viết