Bài 3: Phục hồi và phát triển du lịch
Các địa phương vùng ĐBSCL đã nỗ lực tìm ra những giải pháp nhằm vực dậy và đưa du lịch phục hồi, phát triển phù hợp với tình hình mới. Nhờ vậy, ngay trong những tháng đầu năm, ngành “công nghiệp không khói” của vùng đón nhận những tín hiệu vui.
Những tín hiệu khởi sắc
Với lợi thế hầu hết điểm đến đều là du lịch ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên, mang tính trải nghiệm, ngành du lịch Long An đã và đang được du khách quan tâm khi lựa chọn hành trình du lịch cho mình. Các điểm, khu du lịch trong tỉnh đã nắm bắt cơ hội phục hồi sau đại dịch. Mới đây, hơn 40 doanh nghiệp du lịch, lữ hành cùng các chuyên gia đến từ các trường đại học, các đại biểu đến từ TP.HCM và một số địa phương khác đã tham gia chuyến khảo sát Tuyến điểm du lịch Đức Hòa - Bến Lức (tỉnh Long An).
Đoàn khảo sát tham quan khu Nhà cổ Phước Lộc Thọ, tìm hiểu, tham quan những căn nhà cổ có tuổi thọ hàng trăm năm với các phong cách độc đáo đến từ 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt, đoàn ghé thăm Vườn thú Mỹ Quỳnh và Khu sinh thái Chavi Garden - 2 điểm du lịch hoàn toàn mới của tỉnh Long An. Đoàn khảo sát hầu như hài lòng với các điểm đến. Đồng thời, họ cho rằng, việc du lịch Long An giới thiệu những điểm du lịch mới là rất đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phục hồi của ngành “công nghiệp không khói”, nhất là khi thời điểm Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn vào ngày 15/3.
Một trong những tuyến mới về du lịch được đánh giá khá tốt ở Long An (Trong ảnh: Vườn thú Mỹ Quỳnh)
Giám đốc Công ty Du lịch 24h, TP.HCM - Lâm Tấn Huy chia sẻ: “Vừa rồi, chúng tôi tổ chức một chương trình cho các doanh nghiệp lữ hành ở TP.HCM khảo sát các điểm du lịch ở Long An, tất cả đều cảm thấy rất hài lòng. Đó là Vườn thú Mỹ Quỳnh, Khu sinh thái Chavi Garden, Làng cổ Phước Lộc Thọ,... thuộc khu vực huyện Đức Hòa và Bến Lức. Đây là một trong những tín hiệu mừng cho tỉnh Long An sau giai đoạn "bình thường mới" vì phù hợp với xu hướng du lịch bây giờ”.
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Long An - Lê Thị Hồng Thủy cho biết, Long An làm du lịch không thể tách rời mối liên hệ với TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL. Tuy nhiên, trong kết nối vùng, du lịch Long An xác định tuyến đặc trưng, tuyến điểm với 2 dòng sản phẩm chính. Đó là du lịch sinh thái gắn với Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười. Đây là sản phẩm tạo sự khác biệt cả với địa phương có tài nguyên như tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp hoặc một số tỉnh miền Tây khác. Bên cạnh đó là sản phẩm du lịch vui chơi, giải trí (tuyến Đức Hòa - Bến Lức) gắn với các điểm: Vườn thú Mỹ Quỳnh, Làng cổ Phước Lộc Thọ, Chavi Garden, Happyland.
Trong khi đó, tại tỉnh Hậu Giang, tình hình du lịch những tháng đầu năm 2022 có sự khả quan. Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Hậu Giang - Lê Minh Dũng thông tin, du lịch được chọn là một trong 4 trụ cột để đầu tư, định hướng phát triển với Nghị quyết số 04-NQ/TU Phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Từ nghị quyết này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện, có mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân kỳ thực hiện.
Trong đó, mục tiêu đặt ra cho du lịch tập trung thực hiện 2 sản phẩm du lịch là tàu du lịch trên tuyến Xà No, tham quan vùng khóm Cầu Đúc, các di tích lịch sử và khai thác Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Bên cạnh đó, xây dựng 6 điểm du lịch cộng đồng; mỗi huyện, thị xã, thành phố phải có một sản phẩm du lịch,...
Có thể nói, sau thời gian dài “ngủ đông”, du lịch của tỉnh Hậu Giang có khởi sắc. Hầu hết điểm du lịch, homestay mở cửa đón khách. Ngoài các tuyến chính ở trên, Hậu Giang tiếp tục kêu gọi phát triển các điểm du lịch lịch sử; đồng thời, khai thác thêm tuyến mới, giáp với TP.Cần Thơ thông qua huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) và TP.Vị Thanh (Hậu Giang).
Một trong hai sản phẩm du lịch tại Hậu Giang sau tái khởi động du lịch là khai thác tàu du lịch trên tuyến Xà No
Kích cầu du lịch
Trong phục hồi và phát triển du lịch, các tỉnh, thành ĐBSCL đều chú trọng đến việc liên kết, hợp tác bởi đây là xu thế trong giai đoạn hiện nay. Tại tỉnh Bến Tre, để “hồi sinh” ngành du lịch, tỉnh tăng cường công tác truyền thông, quảng bá du lịch đến du khách qua thông điệp: Du lịch vùng xanh xứ Dừa - Điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng; Du lịch sinh thái sông nước xứ Dừa - Điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và các địa phương khác để kích cầu du lịch nội địa, chú trọng xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch hấp dẫn, độc đáo. Đến nay, tỉnh Bến Tre đã thành lập Ban Điều hành Du lịch vùng xanh xứ Dừa và ban hành Bộ tiêu chí tạm thời đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch của đơn vị lữ hành, điểm đến và đơn vị lưu trú.
Du lịch đồng bằng có sự khởi sắc
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh, với lợi thế thỏa thuận liên kết, TP.HCM và ĐBSCL cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách 2 chiều, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt của doanh nghiệp và xóa bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân. TP.HCM xác định là cửa ngõ du lịch, cần có những sản phẩm để thu hút dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm những chương trình du lịch liên kết, từ thành phố về đồng bằng.
Trong giai đoạn 2019 - 2022, TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đã đạt nhiều kết quả bước đầu như hình thành 3 trục tuyến du lịch liên kết để hoàn thiện tuyến du lịch Những nẻo đường phù sa (TP.HCM - Tiền Giang - Vĩnh Long - TP.Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau); tuyến du lịch Non nước hữu tình (TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh); tuyến du lịch Sắc màu vùng biên (TP.HCM - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang).
Sở Du lịch TP.HCM với vai trò là Tổ trưởng Tổ giúp việc của chương trình liên kết đã vận động các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các khu, điểm tham quan du lịch xây dựng các chính sách "kích cầu kép" (vừa giảm chi phí ăn uống, vừa miễn phí vé tham quan),... Ngoài ra, các tỉnh, thành đã gửi danh sách các điểm vận động tham gia kích cầu về TP.HCM với mức kích cầu phổ biến là từ 10 - 20%.
Các doanh nghiệp lữ hành của TP.HCM đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch (tour) kích cầu từ TP.HCM đi đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trong đó, Saigontourist Group - đơn vị thành viên của chương trình liên kết vùng cũng đã tiến hành khảo sát 126 điểm đến, 31 khách sạn, resort, homestay, farmstay, 15 nhà hàng và 11 cửa hàng quà tặng, quà lưu niệm và 5 chương trình nghệ thuật phục vụ du khách. Toàn bộ các chương trình này đều được giới thiệu trên website kích cầu du lịch của thành phố./.
(còn tiếp)
Thanh Nga
Bài 4: Liên kết, hợp tác cùng phát triển du lịch