Nghiên cứu phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016 về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc cho thấy, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Từ phán quyết này, Việt Nam có thêm cơ hội để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc bằng biện pháp tài phán.
Hình ảnh Trung Quốc tiến hành bồi đắp, xây đảo trái phép ở Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS
Phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 một lần nữa tái khẳng định thẩm quyền liên quan đến các tranh chấp biển. Giá trị của phán quyết có 2 vấn đề pháp lý, liên quan đến việc phân định biên giới biển và quyền pháp lý mang tính lịch sử. Tòa kết luận rằng, không có cơ sở nào trong UNCLOS cho “đường 9 đoạn”. Việc Trung Quốc khai khẩn đất cũng như xây dựng các đảo nhân tạo đã xâm phạm đến các quyền về môi trường của Philippines. Ngoài Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei sẽ được hưởng lợi từ phán quyết này.
Bác “đường lưỡi bò” phi lý
Tòa Trọng tài không công nhận cái gọi là “đường lưỡi bò” do Trung Quốc vẽ ra. Từ phán quyết này, Việt Nam có thể đấu tranh với Trung Quốc về hàng loạt hành động như: Hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; hành động ban hành “lệnh” cấm đánh bắt cá hàng năm từ 16/5 đến 1/8 trên ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; hành vi sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trên Biển Đông của Trung Quốc đối với tàu chấp pháp và tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Đặc biệt, từ đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp, xây dựng (trái phép) với quy mô rất lớn trên 7 bãi đá là Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Gaven, Tư Nghĩa, Xu Bi mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988 và Vành Khăn từ năm 1995.
Tiến sĩ Lê Thị Sơn, Ủy viên thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam nói: “Từ phán quyết Tòa Trọng tài đã tuyên có lợi cho Philippines, chúng ta có thể học được từ vấn đề này. Các hoạt động của Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa của chúng ta, đang làm những việc không đúng trên quần đảo Trường Sa. Trong thời điểm này chúng ta phải kiện ngay, để gây áp lực. Trung Quốc sẽ không dám đối đầu với nhiều quốc gia có quyền lợi trên Biển Đông”.
Vi phạm cả Công ước IMO 1972
Tòa Trọng tài cũng cho rằng, Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ cam kết của mình với tư cách là 1 bên ký kết UNCLOS và với tư cách là bên ký kết Công ước năm 1972 của Tổ chức Hàng hải Thế giới (IMO) về Quy tắc quốc tế về Ngăn chặn đâm va trên biển.
Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm và gia tăng những tranh cãi pháp lý đối với các yêu sách biển và bảo vệ, bảo tồn môi trường biển. Yêu sách của Trung Quốc đối với quyền lịch sử trong đường 9 đoạn đã bị Tòa từ chối bởi vì vượt quá những gì được phép theo UNCLOS. Điều này chỉ ra rằng tuyên bố của Trung Quốc với các quyền lịch sử ở khu vực đường 9 đoạn giao cắt với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia là quá mức.
Luật sư - Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao nêu ý kiến: “Tôi cho rằng, phán quyết này về bản chất đã tạo được sự đồng thuận trong các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Cái hợp đồng mà Trung Quốc ký năm 1992 trên thềm lục địa khu vực Tư Chính và việc Trung Quốc phân ra 9 lô dầu khí trên vùng biển phía Nam nước ta là hoàn toàn đi ngược lại phán quyết này.”
Cần một chiến dịch thông tin
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề Hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines cho rằng: Việt Nam có nhiều thuận lợi về pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việt Nam có thể khẳng định quyền chủ quyền trên toàn bộ chiều dài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Để đạt được kết quả tốt, Việt Nam cần chuẩn bị một chiến dịch thông tin với cộng đồng quốc tế.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết:
“Không thể chỉ bằng một phương pháp để giải quyết toàn bộ vấn đề tranh chấp khu vực Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước khác. Nhưng chúng ta không loại trừ sử dụng biện pháp tài phán như là một vũ khí trong một loạt biện pháp mà chúng ta phải tự trang bị cho mình”.
Theo nhận định của các chuyên gia về Luật biển, phán quyết của Tòa Trọng tài có khả năng ứng dụng toàn cầu bởi vì UNCLOS được xem như là “Hiến chương của Đại dương thế giới”.
Tòa Trọng tài khẳng định rằng, yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác trên Biển Đông được bao quanh bởi đường chín đoạn “là trái với UNCLOS và không có giá trị pháp lý”. Việt Nam cần nghiên cứu kỹ để vận dụng cụ thể công ước quốc tế cho việc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc”./.
Theo VOV.VN